Tôi cảm thấy không vui khi bạn trai mình vẫn giữ liên lạc với người cũ của anh ấy. Tôi nên làm gì?

À vâng.

Tôi cũng đã từng xem qua một bộ phim tương tự.

Bởi vì đã xem bộ phim này nên tôi biết chính xác cái kết của nó, vì người trước kia từng cảm thấy vô cùng vô cùng không thoải mái với việc bạn trai mình vẫn giữ liên lạc với người yêu cũ, chính là tôi.

Nếu có thể quay ngược thời gian trở về khi ấy, tôi sẽ nói với chính mình những điều sau đây:

Vẫn giữ liên lạc với các mối quan hệ cũ nghĩa là bạn biết nhìn đúng người, nghĩa là bạn có đủ khả năng hướng mối quan hệ ấy trở nên lành mạnh đủ để duy trì, bạn học được cách tranh cãi công bằng, và chế ngự được bản thân mình để kết thúc mối quan hệ ấy bằng tình bạn.

Sự thật cho thấy, giữ liên lạc với người cũ nói lên rằng bạn trai bạn là người tốt.

Nếu bạn quyết định để sự không thoải mái ấy thống trị hành động của mình, bạn hẳn sẽ yêu cầu anh ấy dừng việc gặp gỡ cô gái kia.

Giả dụ anh ấy có đồng ý, thì bạn đã góp phần phá hủy một mối quan hệ quan trọng đã cùng nhau trải qua rất nhiều thứ.

Nhưng ngoài ra, bạn còn đặt nền móng cho một chuỗi hành động sẽ sớm hay muộn hủy hoại mối quan hệ của bạn.

Bạn sẽ dần trở nên thao túng đối phương, sống trong sự thiếu an toàn và luôn đòi hỏi người kia phải làm cho mình những điều mà đáng lẽ ra chính chúng ta nên làm: làm chủ sự nghi ngờ về bản thân, cảm xúc và nỗi sợ hãi của chính bạn.

Dần dần, “Anh không thể gặp người yêu cũ” sẽ thành “Em không thích bạn bè anh” rồi cuối cùng biến thành “Hãy giới hạn toàn bộ mối quan hệ của anh vì nếu anh bước ra ngoài và mở rộng mạng lưới quan hệ, bằng cách này hay cách khác rồi sẽ có người phải lòng anh và điều đó làm em lo sợ.”

Mối quan hệ đúng nghĩa lẽ ra phải cho bạn cảm giác được tự do. Chúng lẽ ra phải nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong bạn, làm động lực cho bạn, ủng hộ bạn, giúp bạn trưởng thành và trở thành phiên bản tốt hơn.

Chúng lẽ ra nên góp phần vào bộ sưu tập những người yêu mến bạn.

Chúng không nên là điều gì đó thao túng, hạn chế, bóp nghẹt, trói buộc, cô lập bạn, giữ bạn khỏi những gì bạn yêu thích, biến cuộc sống trở thành cuộc đàm phán cứ mãi tiếp diễn và vắt kiệt sức bạn, nơi mà mọi thứ ngày càng khó khăn để tìm thấy hạnh phúc thực sự.

Thật dễ để đem những việc mà đáng lẽ ra bạn phải làm cho chính mình để đổ lên người khác và buộc người đó phải làm điều đó thay bạn. Điều đó thật dễ dàng, nhưng sẽ đi kèm với cái giá của riêng nó.

Trong khi, điều bạn nên làm là một quyết định khó khăn hơn: thừa nhận vấn đề của bản thân và vượt qua nó.

“Thật khó cho em khi nhìn thấy anh và người yêu cũ hòa hợp nhưng đây là vấn đề của riêng em và em sẽ tìm cách vượt qua nó. Em muốn thành thật với anh để anh hiểu rằng nếu như em có hành xử không đúng hoặc tỏ ra khó chịu thì đó là vì lẽ gì. Nhưng mà, sự thực là thật tuyệt khi anh và cô ấy trở thành bạn bè, và em mong rằng mình có thể đứng ở vị trí ủng hộ tất cả những điều quan trọng đối với anh.”

Đó mới chính là thứ tình yêu mà đáng ra nó phải là: là mong muốn những gì tốt nhất cho đối phương, hơn là yêu cầu người kia phải thỏa mãn mình bằng cách làm hằng hà những điều mình muốn, trong khi chính ta phải là người học cách mở lòng.

Bạn có thể phủ nhận ý kiến của tôi. Bạn có thể tiếp tục lựa chọn làm những điều dễ dàng: mong chờ người khác làm hài lòng bạn.

Và đây là cái giá phải trả – điều sẽ xảy ra nếu bạn chọn con đường dễ đi ngay lúc này: những bài học tồi tệ sẽ cứ lặp lại mãi. Bạn sẽ một lần rồi lại một lần trải qua và chứng kiến mối quan hệ của mình trở nên độc hại và thao túng lẫn nhau, cho đến khi nó hạ gục bạn để khiến bạn nhận ra vấn đề không nằm ở người bạn trai lẫn người yêu cũ của anh ấy.

Bạn sẽ phải tốn hàng năm để trốn chạy khỏi điều này.

Và rồi, sau đó bạn sẽ muốn viết ra để nói với mọi người. Nhìn này, xin bạn, xin hãy đừng lặp lại lỗi lầm mà tôi đã phạm phải.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *