Answer: Stefan Pociask, Nhà nghiên cứu về động vật hoang dã, viết về thiên nhiên
(Người dịch: mình chỉ dịch phần chính yếu, có lược bỏ một số đoạn “phàn nàn” của tác giả về việc mọi người hiểu sai như thế nào về cá voi sát thủ. Phần EDIT của tác giả xin hẹn quý độc giả phần sau.)
[2545 từ] TLDR: Không. Vì cá voi sát thủ có khả năng tự nhận thức.
Để trả lời thì thực ra nó không phức tạp như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nhưng tôi tin bạn sẽ thấy câu trả lời này thú vị hơn bất cứ điều gì mà người ta từng tin. Để trả lời, hãy để tôi uốn nắn câu hỏi một chút lại cho nó cụ thể hơn: “Cá voi sát thủ hoang dã có ăn thịt người không?”
Hãy trình bày một số thứ trước đã nào, bắt đầu với trí khôn của chúng. Bạn phải tính đến việc trí khôn của cá voi sát thủ được xếp hạng ở đâu trên nấc thang trí khôn khi so với các loài động vật trên Trái Đất. Cá voi sát thủ được xếp vào nhóm trí khôn cấp linh trưởng. Chúng có khả năng tự nhận thức (self- aware). Vì điều này mà chúng được xếp vào một bảng phân loại ngắn ngủi chỉ gồm mười loài động vật trên cả Trái Đất (còn tùy nguồn mà bạn tham khảo) đã được qua thử nghiệm trí tuệ. Thêm vào đây nữa, chúng còn có ngôn ngữ phức tạp. Nếu đưa thêm tiêu chí này, bảng phân loại sẽ còn ít ứng cử viên hơn nữa. Đương nhiên, động vật đều có cách giao tiếp riêng của chúng nhưng để có thực sự ngôn ngữ thì cực kì hiếm. Nên tôi không nghĩ là sẽ có ai đó phản biện gì về trí thông minh của cá voi sát thủ cả.
Tiếp theo, hãy bàn về mức độ trí tuệ mà chúng sử dụng vào cái gì.
1. Giáo dục con cái ở cá voi sát thủ
Một bé cá voi sát thủ non sẽ ở bên cạnh mẹ ít nhất là hai năm. Điều này không hiếm trong Giới Động vật, nhưng trong hai năm này có điều rất đáng chú ý. Rõ ràng sự “giáo dục” đã diễn ra. Cá voi mẹ dạy con của cô mọi thứ cần biết về đời sống cá voi sát thủ cũng như cách sinh tồn và phát triển ở thế giới của chúng. Đương nhiên những động vật khác cũng có hành vi này nhưng đa số không có mức độ trí tuệ và hệ thống ngôn ngữ chuẩn chỉnh như cá voi sát thủ có. Nên giáo dục trong bầy cá voi sát thủ rất chuyên sâu và chi tiết. Ở đẳng cấp khác lắm đấy. Ủa mà tại sao vậy?
Thì tại vì tụi nó có khả năng như vậy thôi. Giáo dục của chúng truyền qua từng thế hệ. Nói kiểu khác thì một con cá voi cái có thể dạy con những gì mà nó đã học được. Tôi không tính đến kiến thức mang tính bản năng. Tôi đang nói về những điều ở thực tại đã được truyền đến con cái và học hỏi mà không cần cứ mỗi thế hệ phải trải nghiệm lần đầu để biết được các tri thức đó. Không phải động vật nào cũng làm được chuyện này.
Ví dụ, tôi chọn một bầy sư tử. Dù cho chúng thông minh nhưng chúng không được xếp vào nhóm 10 loài động vật vì chúng không có khả năng tự nhận thức nên thành ra chúng rõ ràng không bằng cá voi sát thủ. Tôi chọn sư tử vì bầy của chúng khá giống với bầy của cá voi sát thủ và sự giáo dục cũng có xảy ra trong bầy sư tử. Một sự so sánh khá tương quan nhưng rồi sẽ lộ sự khác biệt rõ rệt ở hai nhóm với phương cách mà chúng giáo dục lẫn nhau.
Giả sử một bầy sư tử bắt gặp một con nhím, kiểu gì cũng có một vài con sư tử sẽ chạy theo và xem con nhím như một con mồi tiềm năng. “Úi chà nó di chuyển kìa, chắc là mồi ngon đấy”. Nếu con sư tử đã từng bắt gặp nhím từ trước, nó sẽ không dại gì mà gây hấn vì những cái lông nhím sắt nhọn khiến nó nhớ lại khoảnh khắc đau thương trước kia để lại trên mũi mình. Kết quả là con sư tử sẽ không lo chuyện bao đồng nữa và tránh xa cái thứ gai góc ấy ra. Tuy nhiên, với những con sư tử lần đầu gặp nhím mà chưa bị đau bao giờ thì chúng sẽ đi điều tra. Tụi nó sẽ ngửi, chọt chọt chân trước vô con nhím để rồi mặt và chân dính đầy gai đau đớn. Nếu con nhím đã già và có nhiều kinh nghiệm, nó sẽ sống sót khỏi tình huống này và rồi quẩy mông đi chỗ khác mà không hề hấn gì.
Tấn bi hài trên dạy chúng ta ba điều:
Đầu tiên, sư tử biết sự đau đớn gây ra bởi nhím không “bảo ban” những cá thể khác. Không có kiểu “Ôi tin tao đi tụi bay. Nếu tao là tụi mày thì tao sẽ không động vào thứ đó đâu”. Điều này cho thấy như tôi đề cập rằng dù cho động vật có giao tiếp nhưng rất ít trong số chúng có ngôn ngữ thực thụ.
Điều thứ hai nó cho thấy không có kiến thức chung cuộc nào cả. Chắc rằng đâu đó ở những thể hệ tổ tiên của sư tử chúng đã tiếp cận với nhím rồi, Nhưng tri thức này không được truyền lại cho đời sau. Không sư tử cái nào trong bầy đó đã được học và bảo tồn thông tin nào về những con nhím, kể cả từ thế hệ cha mẹ hay ông bà chúng. Mỗi cá thể sư tử phải tự học lấy về nhím.
Điều ba, sư tử nghĩ theo bản năng rằng “Úi chà nó di chuyển kìa, chắc là mồi ngon đấy”. Không có cha mẹ hay con đầu đàn nào nói cho chúng biết hay kể với ai đó rằng cái thứ nào đó có khả năng là thức ăn. Từng cá thể phải tự giả định một cách bản năng cho đến khi chúng học được điều gì đó.
Bây giờ, cả ba luận điểm tôi vừa trình bày, chúng có thể được đối phó khác hẳn bởi một bầy cá voi sát thủ:
Điều một: Nếu một con trong bầy biết được mối nguy hiểm nào đó, hãy cho là cái gì đó có độc đi như con cá sư tử gai góc (lionfish), nó sẽ báo với những cá thể khác là “Ôi tin tao đi tụi mày ơi, tao mà là tụi mày thì tao không ăn thứ đó đâu”. Thiệt ra không phải tụi nó nói thành câu như vậy, mà là với ngôn từ vừa đủ mà chúng muốn truyền tải thông điệp. Cá voi sát thủ có ngôn ngữ chi tiết nhưng không phải thành câu kiểu của con người. Nó cũng có trật tự ngữ pháp đàng hoàng và có các từ ngữ tương đương với các tính từ, động từ, và tên cá nhân. Ví dụ, không nhất thiết phải có từ cụ thể cho “cá sư tử”. Có thể mối nguy này được gắn mác với một tính từ, như là “tệ”, “nguy hiểm”, không ăn được”, vâng vâng. Một từ mà có thể mô tả được ngữ cảnh. Cũng tương tự vậy với động từ, hoàn cảnh sử dụng cũng như là “đến đây”, “chạy đi”, “dàn hàng”, “tấn công”, … Và cuối cùng là tên cá nhân. Cá voi trắng (Beluga) đã được khám phá rằng chúng gọi tên chuyên biệt cho từng thành viên, và phản hồi lại tên khi được gọi bởi thành viên trong bầy. Mọi tình huống cần thiết cho loài động vật này sinh tồn có thể được mô tả qua các tính từ, động từ và tên cá nhân hòa hợp với nhau. Ví dụ, có thể là gọi tên thành viên trong bầy dàn hàng và thực hiện “sóng vỗ” để làm lật băng trôi khiến hải câu bị rơi xuống nước. Điều này cần sự hợp tác và chính xác cao. Những con cá voi sát thủ này không có thần giao cách cảm hay những điều trên đều có hành vi bản năng gì cả. Rõ ràng là một trong số chúng phải ra quyết định và chỉ dần những cá thể còn lại thực hiện buổi săn. Đó không phải là điều mà đột ngột xảy ra với chúng một cách mù mờ được. Một thứ ngôn ngữ cụ thể lại rất cần thiết. Những loài động vật khác giao tiếp chỉ giới hạn không hơn gì ngoài “nguy hiểm” hay “giao phối đi mà” hay ngôn ngữ hình thể. Những cái giao tiếp kiểu này sẽ không đưa bạn đi xa hơn.
Điều hai: vì tri thức chung nên những thành viên bầy cá voi đã được dạy bởi cha mẹ hay ông bà chúng là không ăn cá sư tử. Chúng không phải trải nghiệm đau đớn lần đầu tiên, để biết chuyện này. Chúng đã được “đào tạo”. Miễn là khi chúng có thể thấy được thứ gì thì thông tin về vật thể sẽ được truyền lại.
Điều ba: cá voi sát thủ không theo bản năng mà rượt đuổi bất cứ thứ gì chuyển động, tự mặc định đó là thức ăn. Không, chúng dùng suy nghĩ, tri thức và lời khuyên để từ đó đưa ra quyết định rồi hành động.
Bạn thấy đấy, chúng ta dù cho có hai nhóm đối tượng tương tự nhau nhưng một bên thì dựa dẫm khá nhiều vào bản năng, còn lại thì dựa vào trí tuệ, suy tư và quyết định logic. Cá voi sát thủ không chỉ là loại thông minh thông thường, chúng là những sinh vật vô cùng khôn ngoan, có khả năng nghĩ ngợi sống dưới biển sâu.
2. Quay lại câu hỏi “Tại sao cá voi sát thủ không ăn thịt người?”
Chúng biết chính xác chúng cần tìm gì để ăn. Giống như khi bạn nhìn cây táo và chỉ chọn ăn những quả táo và không ăn lá. Khắp thế giới, có những con cá voi sát thủ thích ăn cá mập. Những con khác thì thích ăn cá đuối mà thôi. Có con thì thích ăn hải cẩu và cá biển nhưng không thèm động đến cá mập. Có những cá voi sát thủ chỉ săn các con cá voi khác: cá voi xám, cá voi đầu cong, cá voi trắng, đến cả kì lân biển Narwhal.
Không con cá voi sát thủ nào thích ăn người, vì chúng không được dạy rằng con người là thức ăn. Không như sư tử, vốn sẽ rượt theo những thứ gì chuyển động. Cá voi sát thủ đã được dạy phải ăn gì bởi những con khác trong bầy của chúng cũng như cha mẹ ông bà chúng. Tại sao chúng lại không nhìn nhận con người là nguồn thức ăn? Có thể là chúng sẽ gặp rắc rối với xương của chúng ta. Những cái xương dài và dày hơn bất kì loài động vật nào chúng có thể nuốt. Cá voi sát thủ không muốn mắc xương trong họng khi nhìn thấy tứ chi thon, dài ngoằn của chúng ta. Không dễ nuốt chút nào.
Cá voi sát thủ nhìn nhận chúng ta với vẻ ngoài rất kì dị và cũng chẳng hấp dẫn gì. Rõ ràng chúng không thể nuốt trọn một con người được, nên chỉ có hai lựa chọn: rỉa thịt xung quanh xương hoặc cố nhai nát cả xương. Thực tế cho thấy con người không quá to lớn lực lưỡng như các con cá voi khác hay con hải tượng (walrus) đủ để cho cá voi xơi tái; chúng cũng không muốn tạo nên những vết gãy nhọn khi cắn gãy xương chúng ta rồi tự làm mình bị thương. Thí dụ đơn giản là trong Lễ Tạ ơn của chúng ta, đâu có ai đi ăn hết cả con gà tây bao giờ, xương của nó mắc vào họng thì rất nguy hiểm. Chúng ta cắt nhỏ con gà tây ra. Cá voi sát thủ không cố nhai nát con người, cũng vì lý do đó. Kết luận là, con người không nằm trong thực đơn cá voi sát thủ.
Giờ đây, tôi đã đi đến luận điểm cuối. Cũng lại là cái câu ca thán rằng “lỡ như cá voi sát thủ tưởng nhầm con người với hải cẩu thì sao?” Ờ … không đâu nha. Chúng biết chính xác con hải cẩu trông ra sao, và con người nhìn như thế nào. Chúng cực kì thông minh và tự nhận thức được trong khi ra quyết định. Không có khả năng chúng nhầm chúng ta với chim cánh cụt hay hải cẩu. Nói như vậy nghe giống như chúng ta cắn vào trái cà tím rồi bảo là “úi trời tôi nghĩ đây là trái táo chứ.” Rõ rành rành cà tím không phải táo cũng như con người cũng chẳng phải hải cẩu đâu. Cá voi sát thủ thấy điều này nên không ngạc nhiên gì khi chúng không ăn thịt người.
“Ủa ủa nhưng mà chúng nó là cá voi SÁT THỦ mà?”
Đúng, nhưng đó là cái tên thôi. Nhưng tên gốc là “Sát thủ cá voi” hoặc “kẻ giết cá voi” vì các thủy thủ Tây Ban Nha thỉnh thoảng nhìn thấy chúng giết những con cá voi lớn. Nó bị xáo trộn một chút khi dịch sang tiếng Anh, vì sắp xếp thứ tự từ khác nhau giữa hai ngôn ngữ. Loài sinh vật tuyệt vời, thông minh này bị dính với cái tên mục ruỗng và khủng khiếp ấy. Trích dẫn từ: Orcas (Killer Whales), Orcinus orca (http://marinebio.org/species.asp?id=84 )
Có nhiều thứ trong đại dương mà chúng không ăn. Loài người là một trong số đó. Sự thật là chúng không có cắn người và cũng không ăn người. Cũng như không nhầm lẫn con người với hải cẩu hay chim cánh cụt đâu vì chúng ta là người mà, bạn không thấy điều này sao?
________________________________________
Có nhiều người hỏi quá, nên tôi xin đưa danh sách các loài động vật đã được nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều cách để biết chúng có khả năng tự nhận thức không. Danh sách này không sắp xếp theo thứ tự cao thấp gì cả. Xem thêm: http://www.world-of-lucid-dreaming.com/10-animals-with…
1. Con người
2. Đười ươi
3. Tinh tinh
4. Khỉ đột
5. Cá heo mũi chai Ấn Độ Dương
6. Voi
7. Cá voi sát thủ
8. Tinh tinh lùn
9. Khi Rhesuz
10. European Magpies (Chim ác là)
Không phải tất cả đều thông minh ngang nhau. Cá voi sát thủ có sự kết hợp rất cao ở mọi loại trí khôn. Có thể còn các loài khác nữa ở các loài chim hay cá voi khác. Nhưng những loài đó có thể chưa được thử nghiệm. Đây là một quá trình dài gồm nhiều giai đoạn hoặc chúng có thể ở trên bảng danh sách khác, bởi các nhóm nghiên cứu khác hay tiêu chí chọn lựa khác với những thang đo khác hơn một chút về việc xác định sự tự nhận thức.
Theo: Lê Cường