NGƯỜI KHÔNG BIẾT CHỮ HÁN ĐI PHÂN TÍCH SỰ THÂM THÚY CỦA CHỮ HÁN

Nhắc đến người Trung Quốc và văn hóa chữ Hán, thích hay không thích thì mọi người vẫn có 1 điểm chung là thấy Trung Quốc thâm thúy. Trung Quốc cà khịa cái người này thâm thúy, cà khịa nước kia thâm thúy. Nhưng thâm thúy ở đâu thì phải có người học chữ Hán, tiếng Hán mới biết. Tuy nhiên, cách đây 1 năm rưỡi, facebooker Bão Lửa, 1 người vốn chẳng hiểu mấy về chữ Hán, bỗng nhiên phân tích sự thâm thúy của chữ Hán và được hàng nghìn lượt like và share, repost. Vấn đề xoay quanh việc Bão Lửa phân tích 1 câu nói được Trung Quốc dán vào các thùng hàng viện trợ chống Covid cho Hàn Quốc, đó là: “Đạo bất viễn nhân, nhân vô d ị (về sau xin viết là d1 tránh bị fb quét) quốc” (道不遠人, 人無異國)

1. Nguồn gốc:

Câu này có nguồn gốc là từ Thôi Chí Viễn, một học giả nổi tiếng của Triều Tiên thời Tân La. Câu nói này được khắc ở bia 雙磎寺眞鑑禪師碑銘 (Song Hề Tự Chân Giám Thiện Sư Bi Minh, 쌍계사 진감선사비명) ở tỉnh Gyeongsang Nam, Hàn Quốc.

2. Phân tích sai của Bão Lửa:

Ý nghĩa của câu nói thì đã quá rõ ràng:”Đạo thì không xa người, người thì không phân biệt quốc gia”. Vậy nhưng Bão Lửa lại có một phân tích khác, anh cho rằng đoạn 人無異國 (Nhân vô d1 quốc), có nghĩa là “”người không có quốc thổ chính thống”. Theo đó, nhân vô 人無 là “người không có”, d1 quốc異國 là “nước chính thống => Trung Quốc thâm thúy khi vừa động viên vừa cà khịa Hàn Quốc. Thực tế, không có từ điển chữ Hán nào, dù là hiện đại, hay cổ đại, dù là Trung, Nhật, Hàn, Việt , định nghĩa 異國 là “quốc gia chính thống cả”, tất cả đều có 1 nghĩa là “quốc gia khác”. Hơn nữa, ở trong câu này, vô d1 無異 hợp lại thành 1 động từ, là “không khác”. Dịch chính xác nhất vẫn là “người thì không có sự khác biệt về quốc gia”, tức là “không phân chia quốc gia”.

Sau đó Bão Lửa tiếp tục đăng bài phân tích lại là “Nhân vô/d1 quốc, d1 quốc nghĩa là nước ngoài, như vậy thành ra nghĩa “người không có nước ngoài”. Quốc gia không có “nước ngoài” tức không có quan hệ ngoại giao, đồng nghĩa với việc không có chủ quyền. Nếu hiểu bình dân tức là “mất gốc” đấy.” Đến đây thì sai lầm đã quá rõ ràng. “không có nước ngoài” tức là “không sở hữu nước ngoài”, chẳng liên quan gì đến ngoại giao cả.

2. Phản ứng của người Hàn:

Ngoài việc phân tích chữ Hán để thấy cái sai của Bão Lửa, chúng ta có thể kiểm chứng bằng cách khác xem liệu câu trên có phải là câu cà khịa gì không, dựa vào phản ứng của người nhận. Ở thời điểm tiếp nhận lô hàng viện trợ của Trung Quốc, người Hàn chỉ hoan nghênh chứ không giận dữ gì cả.

Người Hàn không dễ tính, vô tư, họ rất nhạy cảm, nhiều khi nhạy cảm đến thái quá. Nếu họ biết dòng chữ Hán kia là một câu cà khịa, chắc chắn họ sẽ nhảy dựng lên, ra đại sứ quán Trung Quốc biểu tình, la hét ầm ĩ trên internet. Thực tế, như chính Bão Lửa nói, “bọn Trung Quốc cũng không hiểu hàm ý câu này”, phía nước nhận không nghĩ đây là câu cà khịa, phía bên nước viết còn chưa hiểu ý nghĩa đầy đủ câu này, chủ yếu chỉ có người Việt tự nghĩ đây là một câu cà khịa.

Lúc người Việt diễn giải phản ứng này là do “người Hàn không hiểu chữ Hán”, “Trung Quốc thâm thúy quá người Hàn không biết”. Đoạn này cũng không có lý, bởi vì chữ Hán đã được sử dụng ở bán đảo Triều Tiên gần 2000 năm, và cho đến nay vẫn được sử dụng ở nhiều, được giảng dạy ở Hàn Quốc. 4 chữ 人 無 異 國 này đều là Hán tự cơ bản, nhiều người Hàn có thể nhận biết ý nghĩa đầy đủ. Chưa kể Hàn Quốc có rất nhiều chuyên gia ở lĩnh vực Hán Văn, các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chữ Hán ở Hàn Quốc rất phát triển, nếu câu nói trên là một câu cà khịa thì chắc chắn họ phải biết (Mình không tâng bốc gì đâu, đây là 1 câu rất cơ bản trong Hán Văn)

Kết luận:

Chữ Hán đúng là thâm thúy, nhưng muốn diễn giải ra sự thâm thúy thì phải có kiến thức đúng đắn về chữ Hán, về văn bản chữ Hán cần phân tích. Có những câu chữ “tưởng chừng” như có ẩn ý thâm thúy, nhưng thật ra lại rất đơn giản, rõ ràng. Ở trường hợp này, phía Trung Quốc thấy Hàn Quốc đang khó khăn, gửi viện trợ thêm vài câu động viên, lấy luôn câu của Thôi Chí Viễn, danh nhân của người Hàn cho phù hợp, chứ chẳng có ẩn ý cà khịa thâm sâu gì cả.

Theo: Roonil Wazlib

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *