Lực lượng bên phía Ý: chỉ huy là Tướng Oreste Baratieri, 10.000 lính Ý và 4000 lính Phi, 56 sơn pháo.
Lực lượng bên phía Ethiopia: chỉ huy là Hoàng đế Menelik II, 110.000 lính, 42 đại bác Nga (cùng 15 sỹ quan cố vấn Nga).
Nhằm tìm cách mở rộng đế chế thuộc địa của mình ở châu Phi, Ý xâm lược Ethiopia độc lập vào năm 1895. Gặp khó khăn khi tiến sâu vào lãnh thổ Ethiopia, quân Ý lập tuyến phòng thủ ở biên giới giữa Eritrea và Ethiopia (Eritrea là thuộc địa của Ý, nằm ở phía Bắc Ethiopia , Ý chiếm được từ tay Ottoman). Mưu đồ của Ý là dụ quân đội của Hoàng đế Menelik II tấn công phòng tuyến và Ý sẽ đánh bại lực lượng lớn hơn của hoàng đế Ethiopia bằng ưu thế về súng trường và đại bác.
Tuy nhiên Hoàng đế Menelik không mắc bẫy, ông tiến đến vùng Adwa cạnh đó với khoảng 82.000 lính súng trường, 20.000 lính giáo cùng 8.000 kỵ binh và không tấn công vào phòng tuyến của Baratieri. Ông còn khôn khéo cố tình “rò rỉ” thông tin sai lệch về số lượng quân mình có và tung tin đồn rằng có sự bất hòa giữa các lực lượng của ông khiến quân Ý đánh giá thấp phía Ethiopia.
Hai lực lượng vẫn giữ nguyên vị trí cho đến tháng 2 năm 1896, với tình hình tiếp tế, hậu cần đang xấu đi nhanh chóng đối với phía Ý. Bị áp lực do chính phủ ở Rome ép phải hành động, Baratieri đã triệu tập một hội đồng chiến tranh vào ngày 29 tháng 2. Trong khi Baratieri ban đầu ủng hộ việc rút quân, các chỉ huy khác lại kêu gọi một cuộc tấn công vào doanh trại phía Ethiopia. Sau một hồi bối rối, Baratieri đồng ý với yêu cầu của họ và bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong đêm đó (tức rạng sáng ngày 1/3).
Điều hài hước là người Ý không biết rằng tình hình lương thực của phía Ethiopia cũng… thảm khốc không kém và hoàng đế Menelik cũng đang cân nhắc đến việc rút lui trước khi quân đội của ông bắt đầu tan rã.
Ngay sau khi cuộc tiến công của Ý bắt đầu, các vấn đề bắt đầu nảy sinh do đêm tối và bản đồ không chính xác trong khi địa hình rất phức tạp. Kết quả là các đạo quân của Ý đã không đến được các vị trí chuẩn bị tấn công theo như kế hoạch.
Trong khi đạo quân của tướng Dabormida tiến lên phía trước thì một phần lữ đoàn của tướng Albertone lại bị vướng vào chính đạo quân của tướng Arimondi và khiến đầu đuôi của đạo quân này bị lạc nhau. Thế là đến khoảng 4 giờ sáng quân Ý mới hành quân xong tuy nhiên các đạo quân đều… ở sai vị trí đã định đến vài dặm.
Lợi dụng khoảng trống mênh mông giữa các đạo quân Ý do đi lạc, hoàng đế Menelik đã điều 30.000 lính dưới quyền tướng Ras Makonnen tấn công đạo quân của tướng Ý Albertone
Lữ đoàn của Albertone đã đánh trả nhiều cuộc tấn công, gây thương vong nặng nề cho Ethiopia. Thất vọng vì điều này, hoàng đế Menelik định rút lui nhưng bị Hoàng hậu Taitu (ảnh 2) và tướng Ras Maneasha đã thuyết phục ông đưa đội cận vệ 25.000 lính lao vào cuộc chiến.
Kết quả là, vị trí của tướng Albertone bị áp đảo và gần như cả lữ đoàn bị bắt giữ vào 8h30 sáng. Tàn quân của lữ đoàn Albertone chạy về vị trí của tướng Arimondi tại Núi Bellah, hai dặm ở phía sau vị trí của tướng Albertone.
Quân Ethiopia đuổi phía sau những người lính sống sót của tướng Albertone. Vì sợ bắn vào đồng đội nên quân của tướng Arimondi không dám nổ súng vào quân Ethiopia. Kết quả là đến lượt quân đoàn của Arimondi bị bao vây và phải chiến đấu giáp là cà với quân Ethiopia.
Mặc dù phải gánh chịu thương vong khủng khiếp nhưng phía Ethiopia vẫn chiến đấu đến cùng và đến khoảng 10:15 sáng, bên cánh trái của đạo quân Arimondi bắt đầu vỡ vụn. Không còn lựa chọn nào khác, Baratieri ra lệnh rút lui khỏi núi Bellah. Không thể duy trì hàng ngũ khi tháo chạy, cuộc rút lui nhanh chóng trở thành một cuộc thảm sát.
Ở bên cánh phải của người Ý, lữ đoàn của tướng Dabormida vẫn đang giao chiến với người Ethiopia ở thung lũng Mariam Shavitu. Vào lúc 2 giờ chiều, sau bốn giờ chiến đấu mà không nghe thấy gì từ Baratieri trong nhiều giờ, Dabormida bắt đầu tự hỏi điều gì đã xảy ra với phần còn lại của quân đội Ý.
Thấy vị trí của mình bắt đầu yếu thế, Dabormida ra lệnh rút lui có trật tự dọc theo một con đường hướng về phía bắc. Ngay lập tức tướng Ethiopia là Ras Mikail nhanh chóng dẫn kỵ binh Oromo truy kích, vượt qua các phòng tuyến đang vỡ vụn của Ý, tiêu diệt hoàn toàn lữ đoàn của Dabormida và giết chết viên tướng này.
Trận Adwa khiến người Ý thiệt mạng khoảng 5.216 người, 1.428 người bị thương và khoảng 2.500 người bị bắt. Trong số các tù nhân, 800 lính Askari (lính châu Phi do người châu Âu thuê và huấn luyện) phải chịu hình phạt cắt cụt tay phải và chân trái vì tội phản bội. Ngoài ra, hơn 11.000 khẩu súng trường và hầu hết các thiết bị hạng nặng của quân Ý đã bị lực lượng của Ethiopia chiếm được.
Lực lượng Ethiopia thiệt hại khoảng 7.000 người và 10.000 người bị thương trong trận chiến. Sau chiến thắng của mình, hoàng đế Menelik quyết định không đuổi người Ý ra khỏi Eritrea, thay vào đó, ông yêu cầu bãi bỏ Hiệp ước Wuchale 1889 bất công.
Kết quả của trận Adwa, người Ý buộc phải tham gia vào các cuộc đàm phán với hoàng đế Menelik, dẫn đến Hiệp ước Addis Ababa. Kết thúc chiến tranh, Ý công nhận Ethiopia là một quốc gia độc lập và xác nhận biên giới giữa Ethiopia và Eritrea.
Nguồn
Lịch sử Ethiopia: Trận chiến Adwa
Ethiopia: Trận Adwa
Historynet: Trận Adowa