Trong một buổi tọa đàm về giáo dục gia đình, tôi đã khuyên các bậc cha mẹ rằng: “Tốt nhất đừng đánh con”, dưới sân khấu có một phụ huynh oán trách tôi: “Tại sao không thể đánh con? Tôi nói mà con không nghe, thì nên đánh chứ.”
Tôi hỏi anh ấy: “Vậy thì tôi ở trên sân khấu nói nhiều như vậy, anh cũng không nghe, có phải tôi có thể đánh anh không?”
Người phụ huynh đó sững sờ một lúc: “Anh cũng đâu phải là bố mẹ của tôi, anh dựa vào gì mà đánh tôi?”
Bạn thấy đấy! Câu trả lời của người phụ huynh không phải là: “Tôi cũng đâu có làm gì sai, anh dựa vào gì mà đánh tôi?” Bố mẹ đánh con thật sự bởi vì đứa con phạm lỗi sao? Thật sự vì bạn nói mà con không nghe sao?
Đều không phải, mà chỉ vì “bạn cho rằng bạn có quyền đánh con” mà thôi, mà nguyên nhân có được quyền này là: “Bởi vì tao là bố/mẹ mày, tao sinh mày nuôi mày, nên tao có thể đánh mày!”
Cái gọi là “tốt cho con”, “không đánh thì con không nghe” đều là để hợp lý hóa cho chuyện đánh con, giảo biện sau khi hành sự mà thôi.
Bạn không tin à? Không thừa nhận đúng không? Không sao, chúng ta đặt giả thiết một tình huống nhé:
Bạn đi làm muộn, sếp đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng bạn vẫn thường xuyên đến muộn, thế là lần sau khi bạn tiếp tục đến muộn, sếp đánh bạn một trận thật đau, nói làm vậy là tốt cho bạn.
Cách làm này bạn chấp nhận được không? Ai chấp nhận được thì giơ tay lên tôi xem nào?
Không chấp nhận được đúng không? Vì vậy nguyên tắc của bạn thật sự là “Làm sai thì phải bị đánh” sao?
Lấy thêm một ví dụ khác: Tháng này hiệu suất làm việc không đạt tiêu chuẩn, nên phần trăm hoa hồng giảm ít đi, lúc về nhà nộp lương, chồng/vợ bạn đánh bạn một trận, nói là tốt cho bạn, nói phải để bạn ghi nhớ cái gì gọi là nguyên tắc và giới hạn.
Cách làm này bạn chấp nhận được không? Ai chấp nhận được thì giơ tay lên tôi xem nào?
Vì vậy những ai nói đánh con là cách giáo dục chính xác thật ra đều là những kẻ không biết xấu hổ áp đặt tiêu chuẩn của mình lên người khác, quan điểm của họ thật ra là “Con của tôi, tôi muốn đánh thế nào thì đánh thế ấy, người khác không quản nổi”. Loại người này đừng nói là bị người khác đánh, bị người khác mắng thôi là đã chịu không nổi rồi.
Còn nữa, đối với những câu nói như “Đánh đập sẽ gây ra chấn thương tâm lý cho đứa con” thì tôi không muốn nói nữa, bởi vì bạn hoàn toàn không quan tâm.
Tôi nói về điều mà các bạn quan tâm nhé:
Tôi có một người bạn, hồi còn nhỏ thường chơi đùa với nhau trong một cái sân, cậu ấy nhỏ hơn tôi 3 tuổi.
Tuy bố cậu ấy là phó quận trưởng được phân công quản lý giáo dục ở chỗ chúng tôi, nhưng cách giáo dục của ông ta vừa đơn giản vừa thô bạo, chỉ biết đánh, từ nhỏ thì cậu ấy đã bị đánh rồi.
Cậu bé này từ cấp 2 thì đã cao lớn đột ngột, lớp 9 đã cao 1m75, cao hơn bố cậu ấy cả một cái đầu.
Một ngày nọ khi còn học lớp 9, bố cậu ấy không biết vì chuyện gì lại định đánh cậu ấy, cậu ấy đột nhiên bùng nổ, ấn bố cậu ấy xuống đất đánh một trận thật đau, cưỡi lên người đấm từng cú một, mẹ cậu ấy không kéo cậu ấy ra nổi, chỉ có thể ở một bên hét lớn: “Đừng đánh bố con nữa!”
Tiếng van xin của mẹ cậu ấy vang khắp sân.
Năm đó vẫn chưa xuất hiện từ “xã tử”*, nhưng chắc bố cậu ấy đã bị “xã tử”* rồi, ôm đệm chạy đến phòng làm việc ở hơn một tháng.
“xã tử”*: ngôn ngữ mạng bên Trung, ý nói bị mất mặt trước công chúng, đến mức chỉ muốn tìm cái lỗ để chui xuống.
Tôi muốn nói với mọi người, đánh con thì hãy cân nhắc một chút, rồi sẽ có một ngày bạn không đánh lại chúng.