A: Rodra Hascaryo, theo học ngành Hàng không vũ trụ và Kĩ thuật hàng không tại trường Đại học bang Illinois
————————————————————-
Có một loại thép vô cùng đặc biệt, mặc dù công thức để tạo ra chúng đã bị thất lạc từ rất lâu, nhưng ngày nay người ta vẫn đang cố tìm ra cách để tái tạo lại: Thép Damacus
Dưới đây là ảnh chụp cận cảnh của một lưỡi gươm làm từ Thép Damacus vào thế kỉ thứ 13. (HÌNH 1)
Và bức ảnh thứ hai là một kĩ thuật tương tự được áp dụng vào việc sản xuất các lưỡi dao. (HÌNH 2)
Thép Damacus thực sự là một huyền thoại trong làng luyện kim bởi những gì mà nó có: Những hoa văn phức tạp một cách đẹp đẽ, độ bền siêu cao và đặc biệt nhất chính là công thức thất truyền. Có lẽ điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là việc các dấu tích của ống nano cacbon (T/N: carbon nanotubes: là vật liệu nano carbon dạng ống với đường kính ở kích thước nm (1-20 nm). CNTs có chiều dài từ vài nm đến μm. Ống nano carbon được phát hiện vào năm 1991 bởi Lijima. Với cấu trúc tinh thể đặc biệt và các tính chất cơ học quý (nhẹ, độ cứng rất lớn), tính dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, tính chất phát xạ điện từ mạnh… Ống nano carbon đang được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ) đã được tìm thấy trong những lưỡi gươm làm từ Thép Damacus. Đây có lẽ chỉ là một sản phẩm phụ mà những người chế tác đã vô tình tạo ra trong quá trình sản xuất, nhưng chính điều này đã làm nên truyền thuyết Thép Damacus, mọi người từng truyền tai nhau rằng lưỡi gươm làm từ kim loại này có thể cắt được cả nòng súng (Có lẽ người xưa đã thần thánh hoá nó, tương tự như câu chuyện về kiếm Katana của Nhật vào thời Thế chiến thứ hai cũng có thể cắt được nòng súng mới khai hỏa vậy, tất cả chỉ là huyễn hoặc thôi)
Việc kim loại được gọi là Damacus cũng gây nên nhiều tranh cãi, vậy cái tên ấy từ đâu mà ra?
Một sự thật vô cùng thú vị là Thép Damacus té ra lại không đến từ địa danh này. Mọi người cho rằng nó được tạo ra tại Ấn Độ cho dù nó có liên hệ khá mật thiết với Ba Tư và Ả Rập. Thực tế độ phổ biến của Thép Damacus đã lan đến tận nước Nga, tại đây, nó có tên gọi là Bulat. Đã có vô số giả thuyết được đặt ra xoay quanh việc loại thép này được đổi tên thành Damacus, một trong số đó có thể kể đến việc những người Châu Âu khi đến với Damacus (khi ấy là thủ phủ của ngành công nghiệp chế tạo gươm) đã tìm thấy kim loại đặc biệt này, giả thuyết khác lại cho rằng đó là tên của một gia tộc Ả Rập chuyên chế tạo gươm, vân vân. Có lẽ, sự thật về nguồn gốc Thép Damacus đã biến mất theo thời gian.
Vào thế kỉ thứ 19, từ “Damacus” còn có nghĩa để chỉ thép có vân hàn, được sử dụng trong việc chế tạo dao và nòng súng. Sau đó đến thế kỉ 20, mọi người bắt đầu quảng cáo loại dao có vân của mình bằng cách sử dụng danh tiếng của Thép Damacus, khiến thông tin về kim loại này trở nên nhiễu loạn hơn.
Dù cho các nhà khoa học và kĩ sư ngày nay đang cố gắng để chế tạo lại Thép Damacus, nhưng không một ai có thể đưa ra một sản phẩm giống y bản gốc, bởi để làm ra chúng, người thợ cần biết chính xác nguyên liệu thô cũng như các công đoạn rèn đúc, tiếc là kĩ thuật này có lẽ chẳng thể tìm thấy lại được nữa.
Tuy nhiên, với những công nghệ và tiêu chuẩn ngày nay, Thép Damacus không thực sự quý giá đến vậy về mặt công dụng, tương tự như kiếm Nhật không vượt trôi so với đồ của Châu Âu hay những loại gươm khác vậy. Nhưng vào thời đó, việc được sử dụng kim loại trông vừa sang xịn mịn lại có độ bền cao như Thép Damacus, có lẽ là một điều diệu kì.