Sự thật tâm lý học nào khiến bạn phải nghĩ “ơ khoan, thật ấy à”?

Trả lời bởi: Matthew WongNhà thần kinh học, PhD (Tâm thần học)

————–

Cái tôi thích nhất có lẽ là thứ mà tôi đã có trải nghiệm trực tiếp hồi đại học.

Khi đó tôi đang tham gia một khóa tâm lý học nhập môn năm nhất, có một phân đoạn trong buổi hướng dẫn nọ khi các sinh viên tâm lý học mới vào trường phải đi sang phòng máy và thực hiện một bài tập online. Việc cần làm là như thế này:

Có rất nhiều khuôn mặt xuất hiện trên màn hình. Mỗi lần hiện một cái và (chúng tôi) phải xem xét biểu cảm trên đó. Biểu cảm gương mặt đa dạng, từ trung lập đến vui vẻ rồi chán nản hay đau buồn. Sau phần này, chúng tôi được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn mình nhận thấy được (“độ ưa thích”) trên thang điểm từ 1 đến 5 với mỗi gương mặt.

Khoảng 2 tuần từ khi đến lớp đó, kết quả nghiên cứu được tiết lộ. Đây chính là phần khiến tôi ngớ ra, “thật đấy à?”.

Phần kết luận chính và cũng nổi bật về mặt thống kê của nghiên cứu đó là đây:

Càng nhìn một gương mặt, càng có khả năng là bạn sẽ thấy nó hấp dẫn, cuốn hút hơn.

Không thể nào! Bạn thấy đấy, tôi không hề kiểm soát được việc khuôn mặt nào mà mình nhìn thấy và cũng không hề biết là có một vài trong số đó xuất hiện nhiều lần (dù tôi có dự trù việc như này thường xảy ra). Thứ mà tôi không ngờ trước được đó là tần suất xuất hiện của một khuôn mặt sẽ ảnh hưởng một cách vô thức đến cách ta tiếp nhận nó. Những người thực hành thí nghiệm không hề báo trước với chúng tôi rằng họ đang kiểm tra, liệu rằng tuần suất hiện diện của khuôn mặt có gắn liền với độ yêu thích ta dành cho khuôn mặt đó không, bất chấp là bản thân khuôn mặt đó trông thế nào.

Hiệu ứng này được biết đến với tên Mere Exposure Effect (tạm dịch: Hiệu ứng Tiếp xúc thường xuyên), được lần đầu tiên nghiên cứu bởi một người tên là Zajonc.

“Sự tiếp xúc có lặp lại, không cưỡng ép khiến cảm xúc (của người tiếp nhận) đối với kích thích tăng lên.” (Zajonc, 1968)

Zajonc R. B. (1968). Attitudinal effects of mere exposure. J. Pers. Soc. Psychol. 9, 1–27. 10.1037/h0025848

Zajonc đã thực hành nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc ban đầu và tăng cường sau đó dẫn đến mức độ đánh giá sự hấp dẫn tăng thêm. Ví dụ, những chú gà được nghe nhạc khi còn trong trứng sẽ thích những giai điệu tương tự như vậy hơn là các loại âm thanh xa lạ khác sau khi chúng nở thành gà con.

Hiện tượng này lý giải tại sao người ta chiếu quảng cáo liên tục trên TV về cùng một loại sản phẩm. Họ muốn não bộ của bạn trong vô thức gia tăng cảm tình cho những kích thích được biểu thị. Điều này cũng áp dụng với cả những thông điệp tiềm thức (subliminal messages) mà bạn không hề nhận thấy!

Nói ngắn gọn, một thứ gì đó càng quen thuộc với bạn, khả năng càng cao là bạn sẽ đánh giá nó tích cực hơn, và điều này cũng đúng với con người. Bạn sẽ thường thích một người nhiều hơn khi trở nên quen thân với họ (có phải đây cũng là một dạng hiệu ứng Quora không nhỉ?), nghe cũng có lý. Khi mới gặp một ai đó, bạn có thể khá e sợ và không chắc về họ nhưng đối với một người gặp gỡ nhiều lần hơn thì bạn sẽ an tâm hơn nhiều vì bạn nhận ra họ có vẻ không có ý gì xấu hay gây tổn hại đến mình.

Zajonc đưa ra giả thuyết là đây là một tác động độc lập với nhận thức và não bộ của ta sẽ tiếp nhận, xử lý sự lặp lại tiếp diễn đó để dẫn đến phán xét, sau đấy thì người ta sẽ dựa trên nhận thức lý trí để biện minh cho đánh giá của mình. Việc này cũng không quá khác với trường hợp tại sao một số người lại sợ hãi một cách vô lý trước nhện chẳng hạn. Ta đánh giá lũ nhện trước khi có bất kỳ lời giải thích lý trí nào. Sự tiếp xúc tăng tiến dĩ nhiên cũng là một cách điều trị cho các chứng sợ ám ảnh.

Hiệu ứng Tiếp xúc thường xuyên hiệu quả nhất khi kích thích được phô bày trong thời gian ngắn và không quá đà. Xuất hiện quá nhiều với thời lượng dài sẽ làm giảm tác động ảnh hưởng (lấn át khuynh hướng nhận thức). Ví dụ, ta có thể đánh giá cao một ca khúc mới khi đã nghe qua một vài lần, nhưng nếu phải nghe quá nhiều, ta có thể thấy chán nản và đánh giá thấp đi. Hơn nữa, tính mới lạ cũng quan trọng. Hiệu ứng sẽ càng có ảnh hưởng sâu sắc hơn nếu kích thích đó chưa xuất hiện rộng rãi trước đây. Vậy nên các công ty và các sản phẩm được quảng bá sẽ thu hút sự chú ý và đạt được mức độ ưa chuộng tương quan với những thứ quen thuộc với ta trước đó.

Điều này có nghĩa là ta phải cẩn thận. Không phải vì ta thấy một gương mặt mới, một sản phẩm mới hay một người dùng Quora nào mới thường xuyên không có nghĩa là ta nên hâm mộ, mê mẩn những thứ đó.

Ngoài cái này (Hiệu ứng Tiếp xúc thường xuyên) ra, còn có sự thật tâm lý học rằng ta có xu hướng bước chậm hơn khi có người lớn tuổi hơn / cấp bậc cao hơn hiện diện, và việc nếu ta xin nhờ người khác né qua khi xếp hàng với lý do mình cần phải làm một việc gì đó sẽ dễ khiến họ đồng ý hơn là không đưa ra lý do nào, cho dù lý do ta trình bày có ngớ ngẩn ra sao (ví dụ như, xin lỗi tôi có thể xin mượn dùng máy copy bây giờ được không, tôi cần copy nhiều trang lắm?). Tôi không chắc là có thực sự hiệu quả nhưng tôi có nghe qua rồi, và cũng có vẻ hợp lý (ta đính kèm “sự tiện lợi” vào một tình huống bất tiện để khơi gợi cảm giác thương hại và thông cảm).

Theo: Minh Thanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *