42,749 sinh viên đăng kí vào Đại học Harvard năm nay nhưng chỉ 1,962 người được nhận vào trường. Họ đã loại 40,587 hồ sơ còn lại như thế nào?

TRẢ LỜI BỞI FAROOQ ANSARI, CỬ NHÂN KHOA HỌC CHUYÊN NGÀNH KĨ THUẬT Y SINH, ĐẠI HỌC COLUMBIA (2022) – 12/10/2018.

(Câu trả lời nhận được upvotes từ Stephanie Lim, học Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard và Kathryn Levenson, Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học & Thực vật học (Đại học Harvard, 1980))

Đầu tiên, việc sàng lọc được thực hiện thông qua những con số:

1) Điểm thi SAT/ACT

(SAT: Kì thi sát hạch học sinh, sinh viên trong các kì thi tuyển sinh hệ cao đẳng, đại học tại Mỹ; ACT: Tương tự như SAT, là một kì thi được chuẩn hoá để đánh giá năng lực học sinh trung học, một trong những điều kiện để xét tuyển vào cao đẳng, đại học – ND)

2) GPA (hệ cơ bản và hệ nâng cao)

(GPA hệ cơ bản được tính như điểm trung bình các môn học tại các trường cấp ba phổ thông ở Việt Nam, GPA hệ nâng cao giống như bạn là học sinh trường chuyên và đấy là điểm trung bình môn chuyên của bạn – ND)

3) Điểm Subject Test – SAT II

(SAT II: Bao gồm các bài thi các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nếu SAT I giống như thi tốt nghiệp thì đối với bài thi SAT II, bạn sẽ chọn những môn học mà mình tự tin nhất để thử sức cũng giống việc chọn môn thi đại học ở Việt Nam – ND)

4) Điểm AP/IB (ít phổ biến hơn)

(AP: Advanced Placement Test – những học sinh trung học có khả năng học tập tốt có thể chọn học chương trình đại học và kiểm tra thông qua bài test này; IB: Chương trình học bằng Tú tài Quốc tế – ND)

Đặc biệt đối với điểm SAT/ACT và GPA, nếu điểm số cơ bản của bạn không đáp ứng được yêu cầu của họ, thì bạn có khả năng bị loại ngay từ vòng gửi xe. Trừ khi bạn là một vận động viên thì sẽ được xét vào diện ngoại lệ. Một số lượng lớn các sinh viên ứng tuyển vào Harvard bị loại ở vòng này đơn giản vì điểm số của họ không thể đáp ứng các tiêu chí cần thiết của hội đồng tuyển sinh.

Sau đó là vòng 2 trong quá trình giành được sự chấp thuận từ Harvard.

Về cơ bản, vòng 2 này xoay quanh những thành tích cụ thể của từng người một, một trong số đó có thể là giành giải thưởng tại các kì Olympiads/ Hội chợ khoa học, thắng giải tranh biện Tournament of Champions hay tham gia vào những nghiên cứu mang tính chọn lọc cao (ở đây ý OP là những nghiên cứu mà chỉ có số ít học sinh được tham gia vào – ND),….. Harvard, giống như những trường có xu hướng tuyển chọn vô cùng kĩ càng khác (VD: Stanford, MIT, Princeton, Yale, Columbia), ưu tiên những học sinh nào tham gia vào những hoạt động ngoại khoá tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế. Việc này góp phần chứng minh sự đam mê cũng như năng khiếu của học sinh về một mảng cụ thể nào đó. Những hoạt động ngoại khoá của một học sinh là yếu tố quan trọng thứ hai mà hội đồng tuyển sinh của Harvard phân tích khi tiến hành loại hồ sơ.

Cuối cùng là một số thứ khác như bài luận Common App (ở đây được hiểu là những bài luận được viết và gửi qua Common App – web để gửi bài luận cho các trường ở Mỹ – ND) , thư giới thiệu (tối quan trọng) và phần phỏng vấn. Họ (Hội đồng tuyển sinh) đọc bài luận của bạn rất kĩ lưỡng để xác định rằng bạn có phù hợp với Harvard không và bạn có thể đóng góp cho lớp học những gì. Chính sự kết hợp của những tiêu chí trên đã giúp Harvard tránh khỏi những rủi ro của quá trình chọn lọc.

Theo: Nguyễn Hoàng Minh Ngọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *