1. Từ cô thôn nữ hái dâu thành Nguyên phi được sủng ái
Một lần nọ, vua Lý Thánh Tông đã ngoại tứ tuần mà cúng khấn cầu tự khắp nơi vẫn chưa có con nên đi chơi khắp chùa quán. Một lần xa giá tới chùa Thổ Lỗi, nam nữ đổ xô đến xem không ngớt, duy một người con gái hái dâu là đứng tựa trong bụi cỏ lan, không hòa vào không khí nô nức nọ.
Thấy lạ, vua vời đến hỏi và được trả lời: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng”. Thấy cô gái nhà nghèo nhưng cử chỉ đoan trang, lời nói dịu dàng, đối đáp theo lễ nghĩa, vua đưa cô về kinh, phong làm Ỷ Lan phu nhân (chữ “ỷ lan” nghĩa là tựa gốc cây lan). 2 năm sau đó, Ỷ Lan sinh ra hoàng tử Càn Đức. Vua lập tức phong Càn Đức làm hoàng thái tử, còn Ỷ Lan làm Thần phi.
Hai năm sau, Thần phi sinh thêm con trai nữa và được vua phong làm Nguyên phi. Địa vị trong hậu cung giờ đây chỉ sau mỗi Thượng Dương Hoàng hậu, chính thất của Lý Thánh Tông.
2.Vụ án bức hại Hoàng hậu cùng 72 cung nữ
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Hoàng thái tử Càn Đức lên nối ngôi lúc mới được 7 tuổi, tức Lý Nhân Tông, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi lên làm Linh Nhân Hoàng thái phi, còn mẹ đích (vợ cả của vua cha) là Thượng Dương Hoàng thái hậu, được buông rèm cùng vua nghe chính sự.
Theo ĐVSK:“Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng:“Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?” Vua tuổi còn thơ, nghe mẹ nói vậy liền nghe theo, sai giam Thượng Dương Hoàng thái hậu cùng 72 cung nữ vào cung Thượng Dương, rồi ép phải chết, cho chôn theo lăng Lý Thánh Tông.
Ngoài ra, cũng có những giả thuyết rằng Thượng Dương hoàng hậu do không có con nên đã sai thuộc hạ bắt trộm Thái tử Càn Đức về làm con mình và vu cho Ỷ Lan sinh ra cầm thú. Càn Đức lớn lên trong vòng tay của hoàng hậu và luôn nghĩ rằng bà là mẹ đẻ. Phải đến sau khi Càn Đức lên ngôi, nhà vua mới biết Nguyên phi Ỷ Lan là mẹ ruột của mình. Vì oán hận hoàng hậu, vua cùng mẹ đã ra lệnh giết Hoàng hậu cùng 72 cung nữ trong Thượng Dương cung.
Hoàng hậu Thượng Dương đã phải tự sát bằng dải lụa trắng mà vua ban cho. 72 cung nữ phải từ giã cõi đời một cách khốn khổ hơn: bị bỏ đói đến chết…
Ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn lưu truyền rằng Nguyên phi Ỷ Lan chính là nguyên mẫu chuyện cổ tích Tấm Cám. Và câu chuyện bức chết Thượng Dương Hoàng hậu của bà cũng được coi là nguồn cơn của chi tiết về vụ trả thù tàn bạo của Tấm theo luật nhân quả.
3.Nguyên mẫu truyện Tấm-Cám
Cụ thể, làng Thuận Quang, Thuận Thành, Bắc Ninh – quê hương Ỷ Lan – hiện nay được cho chính là quê hương của chuyện Tấm Cám. Theo dân gian, làng Thuận Quang có nhiều địa danh liên quan đến câu chuyện: sông Thiên Đức nơi mà hai chị em đi tát vét, giếng Bống nơi Tấm nuôi bống, hay ngàn dâu nơi Tấm hái dâu và gặp vua…
Cách làng Thuận Quang không xa là di tích chùa Dạm và Đền “bà Tấm, bà Cám. Tại hội đền “Bà Tấm Bà Cám”hàng năm, tiên chỉ làng còn giữ bản văn ghi tên cúng “bà Tấm, bà Cám” như sau: “Lý triều Hoàng bảo hoàng hải hậu, linh cảm Ỷ Lan húy Mệnh, hiệu Khiết nương, Thắng quang Bồ tát từ hạ”, hay chính là Nguyên phi Ỷ Lan vậy.
Theo: Alan Dương