Cuộc chiến dai dẳng ở Bán đảo Iberia đã kết thúc trong thất bại ê chề, giờ đây, liên quân Anh-Bồ-Tây của Sir Arthur Wellesley (1769-1852) đã vượt dãy Pyrenees và xâm lược Pháp. Trong khi, Vương quốc Bavaria cũng rời bỏ Napoléon và gia nhập Liên minh thứ Sáu.
Tại Vương quốc Saxony, Napoléon đang phải đối mặt với một lực lượng đông đảo hơn của Liên minh. Họ không còn non nớt như tại Austerlitz hay Jena nữa. Phổ, Áo và Nga đều đã học được nhiều điều kể từ những thất bại cay đắng ấy trước Pháp. Quân đội được thanh lọc, đào tạo lại một cách bài bản.
Lực lượng hùng hậu nhất của Liên minh là Đội quân Bohemia của Hoàng tử Schwarzenberg (1771-1820), gồm 194.000 người, từ cả Áo, Phổ và Nga, ngoài ra còn có 790 khẩu pháo nữa. Ở phía bắc có Đội quân Silesia của tướng Phổ Gebhard Leberecht von Blücher (1742-1819) và Đội quân Phương Bắc của Thái tử Thụy Điển Karl Johan (1763-1844), tức cựu Thống chế Pháp Jean Baptiste Jules Bernadotte. Tổng cộng có 130.000 quân và 536 khẩu pháo. Ở phía đông nam, có Đội quân Ba Lan của Bá tước von Bennigsen (1745-1826) đang bao vây Dresden có 34.000 quân và 135 khẩu pháo. Phần lớn lực lượng đông đảo này là quân Nga.
Ngoài ra, Đội quân Phương Bắc của Karl Johan còn có một món vũ khí mới được Anh viện trợ – một loại tên lửa mới, được phát triển từ loại tên lửa Congreve, tuy không chính xác lắm nhưng sát thương rất cao khi ở tầm gần.
Quân của Napoléon ở Leipzig bị áp đảo với tỉ lệ 2:1 nhưng với 200.000 quân và 700 khẩu pháo, họ vẫn là một lực lượng đáng gờm, dù rằng họ có phần lớn là tân binh còn non kinh nghiệm. Trên thực tế, 200.000 quân này chưa phải là con số tối đa mà quân Pháp có, bởi họ không thể điều động được toàn bộ binh lực, đơn cử như: Quân đoàn 10 của tướng Jean Rapp (1771-1821) đang bị vây ở Danzig, Quân đoàn 1 của Thống chế Laurent Gouvion Saint-Cyr (1764-1830) đang bị vây ở Dresden, Quân đoàn 3 của Thống chế Louis Nicolas Davout (1770-1823) đang bị vây ở Hamburg. Số quân không thể điều động này lên tới 140.000 người.
Lúc này, Napoléon và phần lớn binh lực của ông đang cách Leipzig 20 dặm về phía bắc, Thống chế Joachim Murat (1767-1815) đang cách ông 40 dặm về phía nam và chuẩn bị đụng độ Hoàng tử Schwarzenberg. Napoléon quyết định đánh Hoàng tử Schwarzenberg trước khi Blücher và Karl Johan đến ứng cứu.
Murat được lệnh rút về phía Bắc nhưng tại Liebertwolkwitz, ông đụng độ quân liên minh. 12.000 kỵ binh lao vào trận huyết chiến, Murat thì suýt bị bắt bởi Long Kỵ binh Phổ. Trận chiến kết thúc với 2000 thương vong cho mỗi bên. Ngày hôm sau, Napoléon hội quân với Murat và trực tiếp nắm quyền chỉ huy.
Ngày 16/10/1813, Napoléon đã tập trung phần lớn lực lượng tại Leipzig. Trong khi đó, Hoàng tử Schwarzenberg, từ chối lời khuyên của tướng lĩnh Nga, đã đóng quân ở một bên sông Pleisse, đây này là một sai lầm, bởi nó cản trở việc tiến quân của Schwarzenberg trong trận đại chiến sắp tới.
Phía bắc Leipzig, Napoléon giao cho Thống chế Michel Ney (1769-1815) kiểm soát và lệnh cho ông phải để mắt tới Blücher và Karl Johan. Hoàng đế Pháp không mong họ tới trong ít nhất 1 ngày nữa, vì vậy, Ney cũng gửi phần lớn lực lượng của mình xuống phía nam cho Napoléon.
Bên kia chiến tuyến, Hoàng tử Schwarzenberg biết rõ Blücher và Karl Johan đã sắp đến, và Bennigsen cũng đang hành quân tới từ Dresden. Đây là điều ông mong chờ, tất cả lực lượng sẽ dồn một đòn đánh tổng lực vào Napoléon với ưu thế vượt trội về quân số. Tuy nhiên, Tổng hành dinh Liên minh lại không giống với Pháp, nơi chỉ có Napoléon là chỉ huy tối cao. Schwarzenberg còn phải cố gắng hòa hợp nhiều yếu tố. Mặc dù là Tổng chỉ huy, nhưng mọi kế hoạch của ông phải được Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825), Hoàng đế Franz I (1768-1835) và Vua Friedrich Wilhelm III (1770-1840) phê duyệt thì mới được triển khai.
Kế hoạch sau cùng được phê duyệt là Pyotr Khristianovich Wittgenstein (1769-1843) dẫn đầu cuộc tấn công trực diện theo bốn hướng trong khi quân Áo bên kia sông Pleisse chia làm hai hướng đánh vào sườn quân Pháp.
8h sáng, pháo bắt đầu nổ vang trên khắp mặt trận, các trung đoàn bộ binh Nga, Áo và Phổ bắt đầu tấn công, họ băng qua cánh đồng lầy lội và buốt giá. Làng Wachau bị bộ binh Nga chiếm đóng nhưng không thể tiến thêm do pháo binh Pháp bắn rát. Sau đó, Quân đoàn 2 của Thống chế Claude Victor-Perrin (1764-1841) phản công chiếm lại bằng lưỡi lê. Chỉ một buổi sáng, Wachau đã đổi chủ hai lần.
Tại làng Markkleeberg, Quân đoàn 2 Phổ của Friedrich Graf Kleist von Nollendorf (1762-1823) đẩy lui quân phòng thủ Ba Lan khỏi làng sau trận chiến đẫm máu. Trong khi ở tả ngạn sông Pleisse, Quân đoàn 2 Áo của Bá tước Merveldt (1764-1815) phải vất vả qua sông rồi mới tấn công được. Cuộc tấn công ở làng Connewitz bị chặn đứng với thương vong cao, còn tại làng Dölitz, họ công chiếm thành công nhưng phải căng mình phòng thủ các đợt phản công của Pháp.
Ở cánh phải, Quân đoàn 4 Áo của Johann von Klenau (1758-1819) chiếm được đồi Kolmberg và con đường vào làng Liebertwolkwitz. Từ đồi Gallow quan sát, Napoléon lệnh cho Quân đoàn 9 của Thống chế Pierre Augereau (1757-1816) và Đội Cận vệ Trẻ đến hỗ trợ.
Cùng lúc, ở cánh trái quân Pháp, Quân đoàn 11 của Thống chế Jacques MacDonald (1765-1840) cũng vừa đến, Napoléon lệnh cho MacDonald chiếm lại đồi Kolmberg. MacDonald hoàn thành nhiệm vụ và cho quân phản công chiếm lại làng Liebertwolkwitz. Quân đoàn 11 đuổi quân Áo ra khỏi làng và tiến hành truy đuổi, MacDonald cho quân dừng lại khi thấy kỵ binh Cossacks Nga, dấu hiệu của việc Bennigsen đã đến gần.
Nhìn chung, buổi sáng 16/10/1813, cuộc tấn công của Liên minh không dành được quá nhiều thành công, các làng họ chiếm được thì hầu hết không giữ được. Nhưng chí ít, Quân đoàn 3 Áo của Ignác Gyulay (1763-1831) tấn công vào làng Lindenau, đe dọa đường rút của Napoléon khiến Ney phải gửi Quân đoàn 4 của Henri Gatien Bertrand (1773-1844) xuống hỗ trợ khiến lực lượng phía bắc Leipzig của Pháp mỏng đi trông thấy.
Trong khi, Napoléon đang cần thêm viện trợ từ Ney thì lại nhận được tin xấu: Đội quân Silesia của Blücher đã xuất hiện ở phía tây bắc và Quân đoàn 6 của Thống chế Auguste de Marmont (1774-1852) đang căng mình chống đỡ. Chiến sự nổ ra ác liệt ở làng Möckern, nơi lính thủy đánh bộ tinh nhuệ Pháp đang trấn giữ, trong khi, sư đoàn Ba Lan của Jan Henryk Dąbrowski (1755-1818) ở làng Wiederitzsch bị tấn công rất rát từ một lực lượng lớn quân Nga.
Đó là điều mà Napoléon không muốn nghe nhất vào lúc này, bởi ông không mong muốn Blücher xuất hiện ít nhất là đến ngày mai. Nhưng, vị tướng già nghe thấy tiếng pháo ở phía nam, đã thúc quân đi thật nhanh và triển khai tấn công ngay khi thấy bóng quân Pháp. Blücher dự định thu hút càng nhiều quân Pháp càng tốt, như vậy, sẽ giúp áp lực của Đội quân Bohemia được giảm bớt.
Napoléon dù bị áp đảo trên toàn chiến trường, nhưng ở phía nam, ông vẫn đông quân hơn Liên minh, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài lâu. Trong khi đó, Hoàng tử Schwarzenberg nhận ra sai lầm trong việc đóng quân bên tả ngạn sông Pleisse, và giờ, ông lại điều quân sang bên kia sông.
14h, Schwarzenberg ra lệnh tấn công. 180 khẩu pháo đồng loạt khai hỏa vào quân Pháp. Sau đó, Quân đoàn 2 của Thống chế Victor, Quân đoàn 5 của tướng Jacques Lauriston (1768-1828) và Đội Cận vệ Trẻ cũng bắt đầu tiến công.
Để hỗ trợ họ, Thống chế Murat dẫn hai quân đoàn kỵ binh với quân số 10.000 người bắt đầu đợt tấn công bằng kỵ binh lớn nhất Chiến tranh Napoléon. Lực lượng Kỵ binh Cuirassier của Sư đoàn Kỵ binh hạng nặng số 1 lao ào ạt vào đội hình quân Nga. Một số thậm chí đã tiến được gần tới trụ sở chính của ba vị quân vương phe Liên minh. Nhưng mặt đất sình lầy và nhiều cây rậm rạp làm tốc độ giảm dần, ngựa chiến kiệt sức và đội hình kỵ binh Pháp dần tan vỡ. Nhận thấy cơ hội đã đến, Kỵ binh Cuirassier Áo và Kỵ binh Cận vệ Hoàng gia Nga phối hợp tấn công, quân của Murat bị đẩy về vạch xuất phát.
Trong khi đó, tại làng Güldengossa, chiến sự nổ ra ác liệt, khắp làng là xác chết chất đống của cả hai bên. Chỉ đến khi các trung đoàn chi viện từ quân Phổ và Cận vệ Hoàng gia Nga đến, quân Pháp mới bị đánh bật ra.
16h, lực lượng Áo Dự bị cuối cùng cũng đến, họ được tung vào để chiếm lại làng Markkleeberg, quân Pháp không chống nổi bị đẩy ra khỏi làng.
17h, Napoléon thấy mình không lực lượng dự bị nào để thay đổi tình thế ở phía nam Leipzig. Trong khi, ở phía bắc Leipzig, làng Möckern vẫn đứng vững nhờ có thêm pháo binh Pháp chi viện, dù thương vong nặng nề, quân đoàn Phổ của Ludwig Yorck von Wartenburg (1759-1830) vẫn kiên cường tấn công. Thống chế Marmont dù bị thương hai lần vẫn nhất định ở lại làng để chiến đấu với binh sĩ dưới quyền. Nhưng sau cùng, ông và lính của mình cũng không giữ được làng khi Kỵ binh Hussars Phổ tấn công ào ạt. Quân đoàn 6 của Marmont phải rút về Leipzig.
18h, tiếng súng dần lặng đi trên khắp chiến trường. Ngày đầu tiên giao tranh, quân Pháp thiệt hại 25.000 người, trong khi quân Liên minh mất ít nhất 30.000 người. Napoléon đã không tung được đòn quyết định do ông không có lực lượng dự bị và chấp nhận vuột mất cơ hội chiến thắng.
“Quân đoàn 8 đã mất một phần ba quân số và rất nhiều sỹ quan. Tất cả đạn dược dự trữ đều đã sử dụng hết… Chúng tôi hiện tại còn không đủ đạn dược để chiến đấu trong vòng một giờ” – Báo cáo của tân Thống chế Pháp Józef Poniatowski (1763-1813) vào ngày 16/10/1813.
Chủ nhật, ngày 17/10/1813, hai bên đều cố gắng cho binh lính nghỉ ngơi và nhận thêm tiếp viện. Napoléon gửi cho nhạc phụ Franz I một đề nghị hòa bình, mà trong đó, ông chấp nhận hết mọi yêu cầu của Liên minh, nhưng Liên minh từ chối, họ biết thời gian ủng hộ họ.
Cả ngày 17/10/1813, chiến sự chủ yếu diễn ra ở phía bắc Leipzig, nơi Blücher tiếp tục cho quân đánh làng Eutritzsch và làng Gohlis. Quân đoàn Kỵ binh số 3 của Jean-Toussaint Arrighi de Casanova (1778-1853) bị đánh tan tác.
Ngày hôm đó, Napoléon nhận được 17.000 quân tiếp viện từ Quân đoàn Pháp-Saxon của Jean Reynier (1771-1814). Trong khi, Liên minh nhận tới 100.000 quân tiếp viện từ Quân đoàn 1 Áo của Joseph Maria von Colloredo (1735-1818), Đội quân Ba Lan của Bennigsen và Đội quân Phương Bắc của Thái tử Karl Johan. Điều đó đồng nghĩa với việc, ngày hôm sau, Napoléon sẽ phải đối đầu với lực lượng đông gấp đôi, và ngay tối 17/10/1813, ông đã lên kế hoạch rút lui khỏi Leipzig.
Sáng thứ hai, ngày 18/10/1813, Mặt Trời chiếu sáng khắp mặt trận rộng 40 dặm vuông, mà ở nơi đó, đang có hơn 2000 khẩu pháo và gần nửa triệu quân đến từ rất nhiều nơi khác nhau: Pháp, Đức, Nga, Áo, Ba Lan, Ý, Thụy Điển, Hà Lan và thậm chí là cả Anh Quốc. Đó là lý do trận Leipzig được gọi là “Trận chiến đa quốc gia”.
Để chuẩn bị cho việc rút lui, Napoléon cho quân của mình lui lại trong một khu vực có chu vi nhỏ hơn và ra lệnh cho Quân đoàn 4 của Bertrand hành quân về phía tây để đảm bảo tuyến đường rút lui, hai sư đoàn Cận vệ Trẻ của Thống chế Édouard Mortier (1768-1835) sẽ thay thế Quân đoàn 4 tại làng Lindenau.
Trong khi đó, Hoàng tử Schwarzenberg cũng chuẩn bị dứt điểm Napoléon bằng đợt tấn công tổng lực với 6 mũi tiến công.
8h sáng, giao tranh lại nổ ra, quân Áo chiếm hoàn toàn làng Dölitz nhưng Thống chế Nicolas Oudinot (1767-1848) cùng Cận vệ Trẻ phản công chiếm lại làng. Schwarzenberg bất ngờ, cho Quân đoàn 3 Áo của Gyulay rút lui. Trong khi đó, Barklay-de-Tolli (1761-1818) dẫn quân tấn công chiếm làng Wachau một cách dễ dàng, còn làng Liebertwolkwitz dù gặp kháng cự mạnh hơn nhưng Barklay vẫn đuổi quân Pháp ra khỏi đây. Sau đó, ông dừng quân và đợi Bennigsen tới và phối hợp tấn công tiếp.
Ở cánh phải Liên minh, Bennigsen tiến qua các ngọn đồi và đến trưa, ông đánh lui bộ binh của MacDonald và chiếm làng Holzhausen và làng Zuckelhausen. Việc của ông bây giờ là đợi Thái tử Karl Johan đến và mở cuộc tấn công quyết định. Nhưng Karl Johan đến chậm, đó là lý do ông nhận về rất nhiều chỉ trích sau trận đánh. Trong khi, Blücher lại hoạt động năng nổ, tấn công liên tục ở phía bắc Leipzig.
14h, các làng ở vòng ngoài đều đã mất, Napoléon giờ đây đang để tâm tới Probstheida, cứ điểm quan trọng nhất phía nam Leipzig, đang bị Quân đoàn 2 Phổ của Kleist tấn công. Quân Pháp đồn trú tại làng đã biến Probstheida thành một pháo đài vững chắc, giao tranh ác liệt diễn ra, quân đoàn của Kleist tổn thất nặng nề, trong khi có tới ba tướng Pháp tử trận khi tổ chức chiến đấu trong làng. Napoléon liền cử lực lượng của Louis Friant (1758-1829) đến chi viện.
Trong khi đó, Karl Johan cuối cùng cũng đến và tham chiến, Thống chế Marmont cho triển khai 137 khẩu pháo quanh làng Schönefeld để phòng thủ, Karl Johan vừa đến, lập tức cho 200 khẩu pháo nã đạn xối xả vào quân của Marmont. Cả cánh đồng trước làng Schönefeld ngổn ngang xác chết và người bị thương, nhưng không bên nào có được sự đột phá và tiến lên.
15h, quân đoàn của Friedrich Wilhelm Freiherr von Bülow (1755-1816) và sự hỗ trợ bởi các đơn vị lính Jäger Áo có trang bị tên lửa Anh tấn công vào làng Paunsdorf. Quân đoàn 7 của Reynier bị đánh bật khỏi làng, một giờ sau, 3000 lính Saxon từ Quân đoàn 7 chạy sang hàng ngũ của Bülow khiến tuyến phòng thủ bị thủng một lỗ lớn nhưng được kỵ binh Cận vệ Đế chế lấp vào. Quân Liên minh vẫn đánh mạnh, đến lúc hoàng hôn, Marmont bỏ làng Schönefeld và Sellerhausen. Trong khi ở phía nam, Probstheida vẫn giữ được.
Ngày thứ ba của trận chiến đã khiến hai bên thương vong tổng cộng 25.000 người. Nhuệ khí binh sĩ của Napoléon đã xuống mức cực kỳ thấp, đạn dược cũng sắp cạn kiệt. Cuối cùng, ông đành ban lệnh rút lui.
Ban đêm, dưới mà sương dày, toàn bộ lực lượng quân Pháp rút vào thành phố Leipzig và bắt đầu rút lui vào lúc 4 giờ sáng, băng qua câu cầu duy nhất bắc qua sông Elster để về Pháp. Dù có đủ thời gian và vật liệu để xây thêm cầu nhưng không một mệnh lệnh nào được đưa ra, trong thành phố Leipzig cũng không có những quân lệnh rõ ràng cho lực lượng phòng thủ rệu rã gồm toàn lính Đức và Ba Lan.
10h sáng 19/10/1813, Napoléon rời khỏi Leipzig, phía sau ông là một cảnh tượng hỗn loạn và lộn xộn, mọi con đường dẫn ra sông Elster ở thành phố Leipzig đều chật cứng binh lính và các cỗ xe. 20.000 thương binh còn kẹt lại thành phố rất ít cơ may chạy thoát.
30 phút sau, Liên minh mới phát hiện sự rút lui của Napoléon và bắt đầu nã đạn tới tấp vào thành phố, sau đó là cuộc tổng tấn công từ phía bắc, đông và nam. Binh lính Đức và Ba Lan chặn hậu kiên cường nhưng mau chóng bị áp đảo. Một sà lan chứa thuốc nổ được buộc dưới chân cầu qua sông Elster, sẽ được kích nổ ngay khi đội chặn hậu rút qua.
14h, một hạ sỹ vội vàng cho châm lửa đốt dây cháy chậm của thùng thuốc nổ ngay khi anh ta thấy bóng lính Nga lấp ló bên kia bờ sông.
Trên cầu đang chật ních người và ngựa, cầu phát nổ, người, ngựa chết như ngả rạ. 30.000 quân và 30 tướng bị kẹt lại chưa kịp qua sông. Hầu hết trở thành tù binh, một số tìm cách vượt qua sông, như Thống chế Poniatowski chẳng hạn. Vì bị thương trước đó, vị Hoàng tử Ba Lan bị đuối sức khi bơi qua sông và chết đuối, mới 3 ngày trước, 16/10/1813, Poniatowski được phong Thống chế. May mắn hơn Poniatowski là Thống chế MacDonald, cố gắng bám trụ vào hai cây gỗ được bắc tạm qua sông và trốn thoát thành công, dù suýt bị lính Nga bắn trúng.
Cuối ngày đó, ba vị quân vương của Liên minh gặp nhau giữa Leipzig để mừng chiến thắng. Họ đã phải một cái giá rất đắt: 52.000 người thương vong, phía Pháp có 47.000 người chết và bị thương, 30.000 người bị bắt làm tù binh, 325 khẩu pháo bị mất (Các con số tổn thất của cả hai bên đều đang gây tranh cãi).
Leipzig đã trở thành trận đánh đẫm máu nhất Chiến tranh Napoléon và trên toàn Châu Âu cho đến hơn 100 năm sau, khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ.
“Một cảnh tượng kinh khủng và quá đỗi ghê tởm mà tôi từng được chứng kiến. Hiếm khi chúng tôi có thể tiến về phía trước mà không va phải những cái xác đầy vết thương và những cục máu đông… Chỗ này có một cái xác không có tay, chỗ kia là một cái xác không có chân… Ở đây lại chỉ có cái thân mà không có đầu… Con ngựa của tôi vấp phải một cái đầu người khiến nó suýt ngã sang một bên. Nhìn vào khuôn mặt trắng bệch của người chết làm tôi sợ mặt cắt không còn giọt máu. Chúng tôi cố gắng đi thật nhanh khỏi “Chiến trường đầy vinh quang” này nhanh nhất có thể.” – Ghi chép của Đại sứ Anh tại Áo, Sir George Jackson (1785-1861) khi cùng Ngoại trưởng Áo Klemens von Metternich (1773-1859) đi qua chiến trường Leipzig sau trận đánh.
Viết bài: #LeNguyenVietAnh. #Napoleon. #Leipzig. #Ney. #Schwarzenberg.