CẢNH BÁO: BỨC TƯỜNG 4785 TỪ
Ngày nay, con người đã đánh mất kết nối với rất nhiều yếu tố mạnh mẽ từ năng lượng và tự nhiên; âm thanh cũng nằm trong số đó dù nó là một phương pháp chữa lành và là sự lôi cuốn của não bộ.
Với một số người có kinh nghiệm về thực hành tâm linh, thì liệu pháp âm thanh sẽ quen thuộc với họ, nhưng lợi ích của liệu pháp này vẫn còn bị đánh giá thấp bởi xã hội hiện đại. Những người quá bận rộn hoặc không có hứng thú với các bài tập tâm linh có thể coi liệu pháp âm thanh là quá xa vời.
Nhưng nếu bạn có thể tập liệu pháp âm thanh hàng ngày (hoặc ít nhất hàng tuần), nó sẽ mang tới làn sóng mới cho cảm quan về hạnh phúc của bạn, khiến cho ý nghĩa của việc “tồn tại” không còn là một cái gì đó cao cả hoặc đòi hỏi hàng tấn sức chịu đựng từ tinh thần, mà thay vào đó là một trạng thái tự nhiên của tâm trí khi bạn cảm thấy thư giãn, có khả năng điều chỉnh các nhu cầu bản thân, nhạy cảm hơn, chu đáo và cảm quan hơn.
Một trạng thái tự nhiên lại bị xem như là phi tự nhiên đối với phần lớn lịch sử loài người, mỉa mai làm sao.
Để nhạy cảm hơn với các nhu cầu của bản thân là điều mà cá nhân bất kỳ ai cũng nên làm, và bạn không cần tới yoga, thiền định, thần chú mantra hay các bài đọc bí truyền nào để biết cách bắt đầu. Đối với một vài người, chỉ cần theo dõi các trang Facebook có nội dung như “trích dẫn truyền cảm hứng” thì đã là một cú hích.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một thủ thuật đơn giản để đưa tâm trí mình gần hơn với trạng thái tĩnh lặng.
Đôi khi, con người trở nên quá căng thẳng, cứng nhắc, và rồi họ hoà nhập với nhịp độ bận rộn của chính mình rồi gần như từ chối bất kỳ điều gì có thể khiến mình bình lặng lại; cuối cùng thì, việc mất dấu những gì ban đầu theo đuổi cũng sẽ gây ra sự căng thẳng ở con người.
Với những người như vậy, nhịp song âm vẫn có thế trở thành một công cụ vô giá khiến họ cảm thấy tốt hơn và loại bỏ một số căng thẳng thần kinh trong họ.
Chỉ cần bắt đầu lắng nghe theo nhịp song âm hai lần mỗi tuần cũng có thể giúp bạn khám phá ra những tiềm năng để thấu hiểu các trạng thái cảm xúc, não bộ và cơ thể. Đây là một kiến thức cổ xưa đã được tổ tiên chúng ta sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Nhịp song âm là gì?
Nhịp song âm là âm thanh (hoặc tần số) được não bộ cảm nhận khi có hai âm thanh khác nhau nhưng có cao độ gần nhau, gửi tới tai một cách đồng thời và giao thoa với nhau, và sự khác biệt giữa cao độ của chúng sẽ tạo ra một âm thanh thứ ba.
Sự khác biệt về cao độ thường không đáng kể (không quá 30 Hz), nhưng một khi được nhận biết, nó sẽ trở thành một xung tần số thấp khiến não phải tuân theo nhịp xung này.
Để minh họa: một âm 550 Hz được đưa vào tai phải của bạn cùng một âm 560 Hz đến tai trái. Thì sự khác biệt 10 Hz này sẽ là âm thứ ba mà não bộ chúng ta bắt được.
Tại sao chúng ta gọi nó là nhịp? Bởi vì tần số thấp nhất mà tai người có thể phát hiện khi phát ra âm thanh là 16 Hz. Mọi thứ thấp hơn mức đó sẽ được gọi là xung nhịp (với xung nhịp, cơ bản chúng ta chỉ nghe được thứ âm thanh như ‘’wah wah’’) trong khi não bộ sẽ theo dõi tần số.
Không có nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày để bộ não con người có dịp kết hợp cả hai bán cầu não hoạt động đồng thời với nhau để tạo ra một kết quả nhất định.
Tuy nhiên, có những bài tập đặc biệt để phát triển khả năng đồng bộ hóa hai bán cầu của não bộ. Một ví dụ điển hình về tình huống bộ não phải hoạt động cả hai bán cầu ở công suất tối đa, là khi một người nào đó phải thông dịch một ngoại ngữ.
Tôi đã vừa học phiên dịch tại trường đại học và vừa làm một luận án chuyên môn về đề tài hiểu biết về nhận thức trong quá trình học đấy.
Dựa trên nghiên cứu của tôi và sự tự quan sát của cá nhân trong quá trình diễn giải, tôi nhận thấy rằng thực tế việc học không liên quan nhiều đến trình độ thông thạo ngôn ngữ của cá nhân mà liên quan đến hành vi tinh vi của não bộ, mà theo đó não bộ sẽ tích hợp song song nhiều chiến lược có ý thức và vô thức để tự động hoá quá trình học nhiều nhất có thể, việc giỏi ngoại ngữ, trớ trêu thay, không phải là bạn thực sự thông thạo ngôn ngữ đó, mà chỉ là não bộ đã tự luyện tập kỹ năng của mình.
Tuy nhiên, để hoạt động cùng lúc hai bán cầu não với công suất tối đa là trạng thái vô cùng khắc nghiệt để bắt não hoạt động, dù nó kích thích và mở ra kết nối rộng lớn cho thần kinh đi nữa, phương pháp này không được đề cử như một liệu pháp thiền định.
Nhưng nó lại giống việc thực hành thiền ở chỗ, nếu bạn luyện tập não bộ theo cách khác thường này, nó sẽ cho bạn sự hồi phục năng lượng tuyệt vời, và cảm giác hưng phấn nhẹ đi cùng thư giãn mà rất nhiều phiên dịch viên trải nghiệm vào cuối giờ làm việc.
Nhưng không cần phải khắc khổ như họ, vì chúng tôi đã tìm thấy nhịp song âm. Trích xuất nhịp song âm, cũng tương tự như việc thông dịch viên phải trích xuất hai ý nghĩ về ngôn ngữ, trong trường hợp này thì việc đồng bộ hoá bộ não diễn ra theo cách hợp lý và dễ chịu hơn nhiều việc bị quăng vào phiên dịch một hội nghị.
Vì não bộ chỉ có thể nghe một âm thanh tại một thời điểm, nên khi cả hai bán cầu não bắt đầu hợp lực hoạt động để tách một âm thứ ba ra khỏi cả hai, sẽ khiến toàn bộ não chìm đắm vào sự đồng bộ hóa (với một số sóng não chi phối nhất định).
Nhịp song âm và sóng não : Các trạng thái thay đổi
Như chúng ta đã biết, độ dài của sóng não xác định trạng thái tinh thần của nó. Các pháp sư và thầy lang cổ đại biết rất nhiều về sự kỳ diệu của việc đánh trống và tụng kinh lặp đi lặp lại, nó như một phương tiện phục hồi mối liên hệ không chỉ giữa hai bán cầu với nhau, mà còn là giữa bộ não với cơ thể con người và tiềm thức.
Âm nhạc cổ đại thường đa dạng hơn nhiều về giai điệu, đôi khi là sự kết hợp nhịp điệu sao chép từ tự nhiên – như tiếng động vật chạy, gió thổi, âm thanh đại dương, v.v.
Nó cũng bị buộc tội cùng rất nhiều thủ thuật tâm lý. Ví dụ, nhiều nghi lễ trống của bộ lạc cổ đại sử dụng nhịp 4.5/giây để tạo ra tình trạng giống như xuất thần; não người phản hồi lại âm thanh đấy với cùng tần số tạo ra sóng Theta* (4–8 Hz).
*Sóng Theta : một trong năm loại sóng khác nhau, hoạt động ở mỗi tốc độ khác nhau của não bộ. Sóng theta xảy ra khi bạn đang ngủ hoặc mơ, nhưng chúng không diễn ra ở giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ. Nếu xảy ra khi bạn đang thức nghĩa là trạng thái tinh thần bạn đang rất thoải mái, thoải mái quá mức khiến cơ thể bạn chậm phản hồi lại não bộ.
Độ dài của sóng não này liên quan đến thiền định sâu, trạng thái xuất thần của tâm trí, khả năng tiếp cận vô thức, cùng giấc ngủ REM và tăng khả năng sáng tạo.
Nhịp 4 Hz có lẽ là nhịp song âm nổi tiếng nhất với những người am hiểu về chủ đề này.
Thông qua sóng Theta, não bộ có thể chữa lành những cảm xúc bị tổn thương, khiến bạn trở nên sáng tạo và trực quan hơn, gia tăng lòng trắc ẩn và phát triển khả năng học tập phi thường.
Tần số của sóng Theta cũng gia tăng melatonin, một loại hormone không chỉ quan trọng cho một giấc ngủ khỏe mạnh mà còn tốt cho hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là ở phụ nữ.
Robert Monroe, cha đẻ của nghiên cứu trải nghiệm ngoài cơ thể (OOBE) và là người sáng lập Viện Monroe, cùng với cựu nhân viên Nasa, nhà vật lý xuất sắc và là tác giả của cuốn sách “My Big Toe”, Tom Campbell, đã chứng minh rằng nhịp song âm 4 Hz khuyến khích trải nghiệm ngoài cơ thể và cái nhìn từ xa của nhận thức.
Cũng có cả những sóng não khác thống trị trong não bộ của bạn vào thời điểm bạn chuẩn bị thức dậy vào buổi sáng.
Bạn có bao giờ nhận ra rằng việc suy ngẫm về nhiều tình huống cuộc sống trong trạng thái tâm trí mới tỉnh táo, sẽ cho bạn một góc nhìn rất khác, hiểu biết đầy đủ hơn về mọi thứ và khiến bạn tiếp cận hơn với khía cạnh vị tha của bản thân?
Thông thường, não của bạn đang hoạt động dựa trên tần số sóng Beta (14–40 Hz; bao gồm trạng thái tập trung và tỉnh táo), vì vậy bạn sẽ mất một khoảng thời gian để đạt được tần số 4-8 Hz. Trước tiên, bạn sẽ phải đi qua các sóng Alpha (8–14 Hz; bao gồm trạng thái tập trung thoải mái, thiền nhẹ). Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong thiền định, bạn có thể mất nhiều thời gian hơn, ngay cả với việc sử dụng nhịp song âm đi nữa.
“Khi bạn ở trạng thái 4 Hz của Theta, bạn đã đạt được mục tiêu của mình, hãy ở đó từ nửa tiếng đến hai tiếng – vậy là đủ. Đừng lạm dụng, sự tồn tại trong một thực tại vật lý không phải là một lối thoát. Nó là một công cụ, cũng như bản thân thiền định, nó dùng để dạy bạn loại bỏ tiếng ồn trong tâm trí… ”- Tom Campbell nói.
(Nhân tiện, nếu bạn chưa từng nghe các cuộc phỏng vấn của Tom Campbell trước đây, tôi thực sự khuyên bạn nên tìm hiểu. Ngoài rất nhiều suy nghĩ và kiến thức hấp dẫn thu được từ những trải nghiệm ngoài cơ thể của chính anh, thì bản thân Tom còn có âm sắc giọng nói cùng phong thái phát biểu đủ sức thôi miên bạn.)
Tuy nhiên, 4 Hz không phải là tần số nhịp song âm duy nhất mà bạn nên khám phá. Một tần số khác là 7,83 Hz; được gọi là Cộng hưởng Schumann, là tần số của Trái đất.
Trong khi một số người coi nó như lời đồn của ‘thế hệ mới’, một số người đã tham khảo bằng chứng khoa học và cho thấytần số 7,83 Hz có tác động tốt đến tâm lý và thể chất đối với não người, bao gồm tăng khả năng học tập, cảm giác cân bằng và nền móng; nó cũng tạo thành một vòng phản hồi tự nhiên giữa tâm trí và cơ thể con người.
Nếu khả năng thiền của bạn đủ tốt để não giảm xuống tần số khoảng 8 Hz (trên thực tế, đây là mép dưới của sóng Alpha xảy ra trong trạng thái thiền nhẹ, hay đúng hơn là thư giãn), bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và cảm giác kết nối hơn với mọi bộ phận cơ thể.
Tần số Cộng hưởng Schumann được cho là tăng gấp ba lần trường năng lượng sinh học của cơ thể, hoạt động như một hiệu ứng chống lại sự “phóng điện” của trường điện từ, vốn xảy ra tự nhiên theo tuổi tác.
Nghe theo nhịp song âm trên cũng có thể huấn luyện não bộ truy cập vào “tần số cửa sổ” giữa hai trạng thái – trạng thái sóng Alpha và Theta – hay còn được gọi là “cầu nối”, nơi mà những trạng thái tinh thần được kết tinh nhiều hơn, và bạn có thể quan sát các trạng thái cảm xúc của mình một cách có ý thức.
Làm chậm sóng não bằng nhịp song âm sẽ thúc đẩy não tự nhận biết rằng chính nó đang hoạt động ở cấp bậc cao hơn khi cả hai bán cầu giao tiếp với nhau. Bằng cách đó, não bộ tạo ra các kết nối thần kinh kiểu mới và dạy bản thân trở nên linh hoạt hơn cùng với phát triển tính dẻo dai.
Sự đồng bộ hóa của các bán cầu ở cầu Alpha/Theta kia cũng có thể khiến bạn cảm thấy quen thuộc dưới dạng hình ảnh thị giác sống động, phi tuyến tính* mà chúng ta đôi khi trải nghiệm ngay trước khi chìm vào giấc ngủ.
*Phi tuyến tính và tuyến tính: Thông qua tự tìm hiểu thì mình hiểu trong bối cảnh này, tuyến tính là những vấn đề tư duy có liên quan với nhau (ở đây là sóng não và sóng âm), và đòi hỏi sự liên kết giữa các yếu tố bên trong.
Những phần thông tin này thường rất khó dịch thành các câu tuyến tính dễ hiểu – vì trạng thái tâm trí khi bạn đặt những thông tin này dưới dạng một cấu trúc tuyến tính đòi hỏi các tần số sóng não khác nhau, nên rất khó để làm được.
Tuy nhiên, nếu bạn có được kỹ năng ghi nhớ và chuyển đổi những tầm nhìn đó thành các phần có ý nghĩa, chúng thường sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết sâu sắc và những quan điểm sáng tạo phi thường.
Bắt đầu từ đâu nếu bạn chưa từng làm việc này trước đây?
Tôi khuyên bạn nên bắt đầu với các tần số phù hợp với trạng thái hiện tại để não bạn hoạt động ổn định hơn.
Trên thực tế, tất cả các sóng não đều phát xung đồng thời trong hộp sọ của bạn cả ngày, nhưng có một số tần số sóng não chiếm ưu thế hơn.
Do đó bạn không nên hướng tới những trạng thái bất thường của tâm trí, mà đúng hơn, hãy quan sát tâm trí mình. Như đã nói, thì một tâm trí quá minh mẫn và tập trung cao độ cũng là một tình trạng khá bất thường của não*.
*Giải thích nhẹ: Hai trạng thái chính của não và hoạt động luân phiên nhau là trạng thái phân tán (diffuse mode) và trạng thái tập trung (focused mode), nhưng trạng thái phân tán xuất hiện trong phần lớn thời gian bình thường theo cách vô thức và chỉ chuyển qua trạng thái tập trung theo cách có ý thức khi mình muốn.
Hơn nữa, đối với một người thiếu kinh nghiệm chỉ nghe các tần số “thay đổi tâm trí” (mà không tập trung vào thư giãn, các bài tập thở và một số kỹ thuật khác) có thể sẽ không đủ đế khiến bạn bước qua ngưỡng cửa nào, vì các quá trình tự nhiên của việc cân bằng nội môi* cùng “tiếng ồn” tinh thần** sẽ ngăn bạn thư giãn và chìm vào trạng thái mới của tâm trí. Và thế là nó chỉ làm bạn buồn ngủ hơn.
*Nội môi : môi trường bên trong cơ thể, nơi mà các tế bào hoạt động ; cân bằng nội môi dùng để duy trì sự ổn định của cơ thể (trong trường hợp này là não bộ khi bạn cố thay đổi sóng não).
**Tiếng ồn tinh thần hay còn gọi là “Biến dạng nhận thức” : Một “tiếng ồn tinh thần” có hại thường là nghĩ mọi thứ theo “trắng hoặc đen”. Không dành không gian cho màu xám, cho các tông màu khác nhau trong mọi thứ. Một tác nhân lớn tạo ra căng thẳng từ chính bên trong con người chứ không phải từ ngoại cảnh. Tìm hiểu thêm ở đây [1]
[1] : https://vi.sainte-anastasie.org/…/reconoce-el-ruido…
Vì vậy, bạn nên kiểm tra các ứng dụng khác nhau của sóng Beta trước, tức là các tần số “trần tục” hơn và đưa não của bạn vào trạng thái tối ưu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, như là trạng thái cô đọng, tăng khả năng ghi nhớ, tập trung, v.v.
LUÔN NHỚ RẰNG MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN VÀ QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NHỊP SONG ÂM LÀ ĐỂ CÂN BẰNG TÂM TRÍ CỦA BẠN.
Khoa học chứng minh rằng trái tim gửi nhiều tín hiệu đến não hơn từ não đến trái tim, vì vậy não càng cân bằng thì khả năng nhận biết các thông điệp của trực giác càng cao.
Trẻ nhỏ (trước 7 tuổi) hoạt động tâm trí chủ yếu trên sóng Alpha và Theta, nhưng ở tuổi trưởng thành, chúng ta tự nhiên quên mất khả năng này. Do sự đa dạng của các nhân tố bên ngoài cùng tốc độ sống mà tâm trí chúng ta phải chuyển sang sóng Beta, làn sóng hoạt động ở mức nhanh hơn.
Điều thú vị là động vật hoạt động chủ yếu trên sóng Theta khi chúng mở mắt, điều này giải thích khả năng nhìn từ xa của nhiều loài động vật. Ví dụ, vật nuôi trong nhà thường cảm nhận được vị trí chủ nhân trong khi động vật hoang dã lần theo dấu vết từ xa để tìm con mồi.
Do bản chất nguồn gốc của nó, nhịp song âm nên được nghe bằng tai nghe, đảm bảo việc âm thanh đi trực tiếp vào cả hai tai, thay vì được phát qua loa – khiến các tần số bị trộn lẫn vào không khí và tai bạn sẽ phải chọn ra các tần số đã bị lẫn lộn đó.
Ngoài ra, bạn nên nghe tối thiểu là 10 phút. Mặc dù lắng nghe thụ động cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm trí của bạn, nhưng bạn nên giúp não mình đạt được trạng thái mong muốn thông qua ý định tập trung*.
*Giải thích nhẹ: như đã nói, trạng thái tập trung được chuyển đổi một cách có ý thức, trong khi trạng thái phân tán là vô thức trong hầu hết các hoạt động giải trí, việc lắng nghe thụ động sẽ khuyến khích trạng thái phân tán hơn nên bạn phải chủ động trong việc tập trung.
Hiện có rất nhiều tài nguyên từ các trang web cung cấp cho bạn tất cả các loại tệp âm thanh chất lượng cao với nhịp song âm cả thuần túy hoặc phủ lên nó bằng âm nhạc hoặc tiếng tụng kinh.
Một số miễn phí (Youtube cung cấp rất nhiều) và một số thì không; ví dụ, Hemi-Sync – một thương hiệu do Robert Monroe tạo ra để sản xuất nhịp song âm có các bộ sưu tập âm nhạc khác nhau cho các trạng thái tâm trí khác nhau. Ngoài ra còn có một số trang web mà bạn có thể tự tạo beat nữa.
Kinh nghiệm cá nhân của tôi thì nhịp thuần túy mạnh hơn nhiều so với nhịp được tích hợp vào một số bản nhạc như giãn. Ngoài ra, cần lưu ý thêm, những bản nhạc này chủ yếu thể hiện sóng Alpha hoặc Theta, do đó, nghe chúng khi lái xe có thể không phải là một ý tưởng hay.
Chọn nhịp một cách thông minh.
Nhịp song âm hoàn toàn an toàn, điều này đã được khoa học chứng minh, nhưng tốt hơn bạn nên chọn nhịp một cách khôn ngoan tùy thuộc vào những gì bạn đang tìm kiếm.
Nếu bạn làm một số công việc liên quan tới máy tính, thì một số bản nhạc có kết hợp sóng Alpha thấp (thường nghe như tiếng o o nhẹ) sẽ khiến bạn mất tập trung, dẫu nó kích thích khả năng hiểu sâu vấn đề. Điều này có nghĩa là nó ổn đối với một số bài viết đòi hỏi tính sáng tạo, nhưng không phù hợp với phân tích thống kê.
Nếu bạn cố nghe nhịp song âm của tần số Theta trong khi đọc tài liệu, nó có thể gây nhầm lẫn thông tin, mệt mỏi hoặc từ chối tiếp nhận thông tin- nhắc lại, theo tự nhiên thì Theta không dùng để tập trung.
Sóng Delta (0,1–4 Hz) sẽ đưa bạn vào giấc ngủ rất nhanh (theo kinh nghiệm cá nhân của tôi), nhưng không thể nếu trước khi nghe bạn đang quá kích động. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy lắng nghe các sóng có tần số nhanh hơn trước.
Sóng Delta được biết đến với các tình trạng xuất thần sâu, thôi miên, ngủ sâu (nhưng không mơ), và còn chống lão hóa, tăng chức năng miễn dịch, tự phục hồi và “hoà làm một với vũ trụ”, thường được gọi là Samadhi.
Còn những sóng nhanh hơn thì sao?
Điều thú vị là các sóng thấp hơn được chú ý nhiều hơn trong các nghiên cứu so với các sóng cao hơn. Tôi đã không tìm thấy nghiên cứu đáng kể nào về sóng Beta (bắt đầu từ 20 Hz – 30 Hz) và sóng Gamma 30 Hz – 100 Hz).
Ví dụ, trong khi các sóng 15–20 Hz được biết là có liên quan đến sự tập trung và tăng các khả năng về mặt tinh thần, đặc biệt gia tăng năng lực toán học, thì nó cũng có liên quan đến sự hưng phấn và kích thích tuyến tùng* (đặc biệt là ở tần số 20 Hz). 20+ Hz và lên đến 40 Hz (sóng beta/gamma ở mức độ cao hơn) cũng được đề cập trong việc thiền định để giảm căng thẳng, giải phóng tinh thần, cung cấp năng lượng cao, nhưng cũng gây ra mệt mỏi.
*Tuyến tùng : tuyến nội tiết nhỏ trong hệ thống thần kinh của động vật có xương sống, tạo ra melatonin – một hormone tác động lên nhịp thức/ngủ và các chức năng theo mùa.
Đồng thời, các sóng tần số 25+ Hz (lên đến 40 Hz) đã được nhìn thấy trong các nhà sư Phật giáo Tây Tạng khi họ thiền định siêu việt. 33 Hz được cho là tần số ý thức của Chúa Kitô cũng như tần số bên trong của các kim tự tháp Ai Cập (tôi thích sự trùng hợp này ghê) và nó liên quan đến chứng quá mẫn cảm.
Lên cao hơn nữa, 35–40 Hz được phát hiện là có liên quan đến hoạt động cực mạnh của não, khi toàn bộ bộ não được kết nối (bao gồm các bộ phận khác nhau) và tham gia vào quá trình xử lý thông tin phức tạp.
Tuy nhiên, tình huống trên không được định nghĩa như trạng thái của sóng Beta, mà gần như là trạng thái nhận thức và xử lý thông tin một cách nhạy bén vô cùng, chính là khoảnh khắc khi não bộ búng tay và thốt lên “À há!”. Thông thường trong những tình huống như vậy, cơ thể sẽ được thư giãn sâu sắc trong khi não bộ lại đang tập trung cao độ nhất.
Những sóng quá cao này sẽ không kéo dài hơn một hay hai giây và được tìm thấy ngay trước sóng Alpha trên vỏ não bên phải. Nói cách khác, não bộ làm dịu chức năng nhận thức hình ảnh của nó trong giây lát trước khi sự thấu hiểu bùng nổ. Một phép so sánh ở đây, là khi bạn nhắm mắt lại trong vài giây để đào sâu giải quyết một vấn đề phức tạp.
Như đã nói, thì sóng Gamma có thể được liên kết với trạng thái thông suốt (epiphany) và sáng suốt đột ngột thay vì giải quyết vấn đề bằng cách phân tích – nơi mà sóng Beta hoạt động.
Điều này cũng giải thích tại sao những sóng này thường chỉ kéo dài một giây và được phát hiện là phát ra từ bán cầu não phải, tức là phần sáng tạo của não, chịu trách nhiệm tập hợp các mảnh vấn đề của tổng thể lại với nhau và chuyển đổi giữa các trạng thái tinh thần.
Trạng thái của bộ não khi sử dụng DMT
(T/ N : LƯU Ý, BÀI THUẦN TUÝ VỀ TÌM HIỂU KHOA HỌC VÀ HÀNH VI NÃO BỘ, CẢM PHIỀN KHÔNG SUY GIẢI THÀNH CÁC HÀNH VI KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG CÁC CHẤT VI PHẠM PHÁP LUẬT.)
DMT, viết tắt của dimethyvianptamine*, không chỉ là chất gây ảo giác mạnh nhất mà con người có thể trải qua mà còn là chất được sản sinh tự nhiên trong cơ thể con người. Nó được biết đến như một “phân tử tinh thần” vì những đặc điểm và tác dụng thần bí đầy hấp dẫn của nó.
*DMT : chất thức thần, hay gọi được là ma tuý đó
DMT là chất thức thần mạnh nhất con người biết đến và là chất thức thần duy nhất được cơ thể con người tự tổng hợp. DMT được cơ thể giải phóng trong các trạng thái thiền định sâu, lucid dream, trước khi chết (gây ra trải nghiệm cận kề cái chết – near death experience). Tiến sĩ Rick Strassman cho rằng DMT được tuyến tùng tạo ra. DMT tồn tại trong hầu hết các thực thể sống, đặc biệt trong các cây lâu đời.Càng già cây càng chứa nhiều DMT.– DMT ở dạng freebase (bazo tự do) có thể hấp thụ qua phổi. DMT ở dạng muối có thể hấp thụ qua dạ dày. Tuy nhiên trong dạ dày có một loại enzim có tên Monoamine oxidase type A có khả năng tiêu hóa các chất tryptamine (tryptophan, tyramine, serotonin,…) rất mạnh, vậy nên ta cần một chất có thể ức chế enzim này để DMT muối có thể được hấp thụ vào máu. Đó chính là MAOI
Bài viết này sẽ không hoàn chỉnh nếu không xem xét chức năng não khi gắn liền với DMT trong mối tương quan với sóng não. Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện vào năm 2005 quan sát sóng não của hai người tham gia sử dụng Ayahuasca*.
*Cũng là một chất thức thần, gồm hai loại cây : nho nam mỹ (B. Caapi) và lá charuna. B. Caapi có chứa thành phần MAOI harmalas và charuna có chứa DMT.
Kết quả thật đáng kinh ngạc – sóng não được phát hiện ở họ là 36–44 Hz và 50–64 Hz; sự đồng bộ hoá não bộ ở trạng thái tối đa. Sau đó, MAPS (Hiệp hội Đa ngành về Nghiên cứu Ảo giác) nhiều lần trích dẫn sóng Gamma hoạt động có liên quan đến việc tiêu hóa Ayahuasca (tức là việc kích thích sóng Gamma dựa trên việc cung cấp DMT từ yếu tố bên ngoài).
Khi bắt đầu bài viết này, tôi đã nghe nhịp song âm của sóng Alpha và rất tận hưởng quá trình hoàn thành nó. Hy vọng rằng bạn thích bài đọc và có thể sẽ cố gắng áp dụng sự kỳ diệu của nhịp song âm vào cuộc sống mình!
Hãy cảm thụ! Tồn tại, và là một phần của “sự tồn tại” đó.
Theo: Khánh Vy