KHÔNG CẦN TÀI NĂNG, BẠN VẪN CÓ THỂ HOÀN THIỆN HƠN MỖI NGÀY NHỜ CÁCH NÀY

Tài năng không phải là một điều gì bí ẩn, nó chỉ đang bị thổi phồng quá mức. Mọi người thường bỏ cuộc trước khi cho phép một kỹ năng nào đó phát triển. Dù vậy, một số người đã phát triển năng lực đáng ngạc nhiên trong những thời điểm kém thuận lợi. Cách tiếp cận và tâm lý của bạn chính là vũ khí bí mật.

 Hiệu ứng Diderot

Chúng ta thường đùa rằng ai càng sở hữu nhiều guitar thì khả năng họ chơi hay càng thấp. Eddie Van Halen, người được xem là nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại cũng bắt đầu luyện tập với chỉ một cây đàn guitar.

Có một hiệu ứng thú vị tên hiệu ứng Diderot. Nó xảy ra khi bạn rơi vào vòng xoáy tiêu dùng và kết thúc bằng cảm giác thất vọng.

Diderot là một triết gia người Pháp vào thế kỷ 18 có con gái đã đính hôn. Ông đã viết một trong những bộ bách khoa toàn thư hay nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, giống như hầu hết các nghệ sĩ và nhà văn khác, ông không khá giả và do đó không thể cung cấp của hồi môn cho con gái. Catherine Đại đế ở Nga nghe nói về tình trạng khó khăn của ông và quyết định mua thư viện của Diderot với giá tốt. Số tiền này bằng với một năm thu nhập của ông.

Sau khi trả tiền hồi môn cho con gái, Diderot quyết định thưởng cho mình một chiếc áo choàng màu đỏ mà ông vẫn hằng mong muốn. Khi Diderot bước vào nhà với chiếc áo choàng mới, tất cả đồ đạc đột nhiên mất đi vẻ bóng bẩy. Ông bắt đầu mua sắm đèn, bàn, ghế… nhưng cuối cùng lại không hài lòng với bất kỳ thứ gì.

Ông nói: “Tôi làm chủ chiếc áo choàng cũ của mình nhưng đã trở thành nô lệ của cái áo mới”. Chủ nghĩa tiêu dùng luôn có cách phá giá mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta.

 Sự liên quan với học hỏi kỹ năng mới

Giả sử bạn quyết định học guitar. Bạn bước vào một trung tâm dạy guitar và phát hiện nhiều phụ kiện hấp dẫn khác được đặt rải rác khắp lối đi. Bạn nhận ra guitar điện là không đủ, bạn cần có bàn đạp hiệu ứng, bộ khuếch đại, dây… Bạn bước ra khỏi trung tâm sau khi đăng ký khóa học và mua một vài thiết bị không có trong kế hoạch.

Đây được gọi là Gear Acquisition Syndrome, hiểu nôm na là hội chứng “cuồng” mua sắm thiết bị. Chúng ta cho rằng việc mua thêm thiết bị sẽ là chất xúc tác cho động lực, năng lượng sáng tạo và hạnh phúc.

Chi số tiền lớn cho một kỹ năng mới là hình thức tạo ra năng suất sai lầm. Nó thậm chí còn cướp đi khả năng cải thiện của bạn. Những thiết bị này giống như chiếc áo choàng đỏ, khiến kỹ năng còn hạn hẹp của bạn trở nên nhạt nhòa so với công cụ mình có. Sự vĩ đại được sinh ra trong sự giản dị và khiêm tốn.

Abebe Bikila, một vận động viên marathon người Ethiopia đã đến Rome tham dự Thế vận hội năm 1960. Người Ethiopia chỉ được tập luyện trên những ngọn đồi ở phía tây châu Phi. Khi TV phát sóng cuộc thi marathon của nam, cả thế giới đã nhìn thấy cảnh Abebe chạy mà không mang giày và giành chiến thắng.

Đương nhiên Abebe được sinh ra với tài năng, nhưng chúng ta cần hiểu rõ: đam mê là quan trọng nhất, công cụ chỉ đứng thứ hai.

 Làm thế nào để trở nên tốt hơn?

Hãy tận hưởng niềm vui của những chiến tích nhỏ. Cảm giác tuyệt vời nhất của người họa sĩ trong những ngày đầu cầm cọ là nhận thấy sự tiến bộ qua mỗi bức tranh.

Bạn có nhiều khả năng từ bỏ sở thích mới trong vài tuần đầu tiên. Một mẹo nhỏ là hãy học những kiến thức cần thiết thay vì mua công cụ, thiết bị (đương nhiên bạn vẫn sẽ cần một số công cụ cơ bản nhưng đừng quá để tâm vào chúng). Khi được ai đó truyền đạt những hiểu biết sâu sắc và hướng dẫn cách luyện tập đúng đắn, bạn sẽ có động lực hơn.

Nếu cảm thấy nhàm chán khi phải tiếp thu những kiến thức cơ bản lúc mới bắt đầu, hãy nhớ đến câu chuyện vẽ trứng của Leonardo da Vinci. Đừng ngại bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và theo dõi sát sao sự tiến bộ của mình. Thông qua việc khắc phục những sự cố và ăn mừng các thành tựu nhỏ, bạn sẽ hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *