Tác giả: Hoa Xuyến Chi
Đám tang của lão, ai đến viếng cũng nấn ná tò mò cố nhìn xem cô vợ trẻ và thằng chống gậy của lão mặt mũi ra sao? Nhưng rồi ai cũng thất vọng vì cũng chỉ có bà vợ già 80 tuổi với 5 cô con gái và 5 chàng rể mặc áo xô để tang lão.
Lão lấy chị họ tôi vào cuối năm 60 của thế kỉ trước. Ngày ấy tôi còn chưa ra đời, được nghe bà nội tôi kể lại là lão và chị tôi sống khá hoà thuận. Lão đi công nhân xa nhà, chị tôi ở nhà làm dâu, chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ. Cuộc đời làm dâu của chị tôi khổ lắm. Ngày làm quần quật ngoài đồng. Trưa, tối được hai bữa cơm thì bữa nào cũng chan nước mắt. Bố mẹ chồng chì chiết cái tội chị tôi không biết đẻ cho lão thằng chống gậy. Rồi những năm tháng khó khăn nhất cũng qua đi. Bố mẹ lão cũng lần lượt qua đời, 5 cô con gái cũng lần lượt lấy chồng và lão cũng về hưu. Những tưởng chị tôi sẽ được hưởng những năm tháng cuối đời bình yên. Nhưng không! Lão không can tâm là lúc chết không có thằng chống gậy. Rồi chẳng biết bạn bè lão mai mối thế nào, lão có vợ bé cách nhà 30km. Cô kia đẻ được thằng con trai. Năm lần bảy lượt lão bắt chị tôi kí vào đơn ly hôn để lão mang con trai lão về cho danh chính ngôn thuận. Chị tôi phần vì thương con, phần vì ngại với làng nước, với thông gia nên lần lữa không kí. Lão tìm mọi cớ gây sự để đánh chị và đuổi chị đi. Có lần lão cầm chổi đánh chị gãy tay. Sau lần đó 5 cô con gái xúm vào bắt chị kí vào đơn ly hôn để giải thoát những ngày cuối đời. Lão và chị tôi đưa nhau ra toà lúc lão 79 tuổi.
Sau ly hôn, ai cũng tưởng lão sẽ đăng kí ngay với cô vợ trẻ và dẫn thằng con trai về. Nhưng ngày qua ngày chỉ thấy mưa hay nắng, nóng hay lạnh sáng nào lão cũng cưỡi con xe cà tàng ra khỏi nhà rồi tối lại về lọ mọ nấu cơm ăn một mình. Bao nhiêu ruộng đất cha mẹ lão để lại lão cắt ra bán gần hết, nghe đâu cô kia bắt lão phải xây nhà cho cổ trên đất của cổ rồi mới chịu đăng kí kết hôn. Nhà xây xong đã lâu nhưng cô ta vẫn nhất định không đăng kí. Ai cũng hiểu cô ta ngu gì mà đăng kí với lão ( lão đã 80 mà cô ta mới có ngoài 40 một tí) chỉ có mình lão không hiểu.
Cách đây mấy hôm, lão ra khỏi nhà từ sớm mà tối không thấy trở về, chị tôi (ở ngay bên cạnh) và con cái cứ tưởng lão ở luôn trên nhà vợ bé. Ai ngờ sáng qua, người đi chợ sớm thấy xác lão nổi phềnh lên ở dưới máng cạnh đường cách nhà 5km. Công an về khám nghiệm và kết luận lão chết đuối. Mọi người đóan là chiều hôm kia mưa to gió lớn, lão về đến đấy thì gió tạt lão xuống máng. Mưa gió thế ai ra đường để thấy mà cứu lão được.
Hàng xóm và 5 cô con gái đều nói “nghĩa tử là nghĩa tận”, cũng nghĩ đến mấy chục năm làm vợ chồng nên chị tôi cũng mặc áo xô và để tang lão cho trọn nghĩa vẹn tình. Người ta cũng chặt một cây gậy tre đặt ngay đầu quan tài lão. Nếu con trai lão có về chịu tang thì nó chống đưa lão một đoạn đường. Để lão nhắm mắt yên tâm báo cáo với bố mẹ lão dưới suối vàng rằng lão đã có thằng nối dõi. Vậy mà hai ngày đám tang, cô vợ trẻ và thằng con trai vẫn bặt tăm. Cậy gậy ở đầu quan tài được đưa cho rể cả của lão chống lúc đưa lão ra đồng.
Vậy là từ nay chẳng ai còn thấy lão ngày ngày cưỡi con xe cà tàng đi về nữa. Chị tôi lại ngày ngày cúng cơm cho lão hết thất thất lai tuần. Chẳng biết dưới suối vàng lão có yên lòng không?
HỠI ÔI!THẰNG CHỐNG GẬY! MÀY Ở ĐÂU?