Nắng trưa hè. Cái nắng khiến cho mọi vật trở nên khô xác và nhuộm một màu vàng úa, động đến cái gì cũng giật mình rụt tay lại như động phải lửa. Cái nắng có thể làm buồng chuối trên cây bên ngoài vẫn còn xanh nhưng bên trong đã mềm nhũn, lũ trẻ có thể bẻ ăn luôn tại chỗ. Cái nắng khiến những trái ổi rám vàng khi còn chưa căng hết cạnh, vẫn còn đeo trên mình cái đài hoa lún phún nhị. Nắng. Nắng đến heo hắt, khô rạc. Ông mặt trời ra sức thị uy, nheo mắt chiếu thẳng cái nhìn xuống trần gian, xua các sinh vật vào bất cứ ngóc ngách nào có thể trú ẩn.
Nhưng nó không để ý đến cái nắng nóng đó. Nó cũng đang ẩn náu trong cái ổ riêng của mình. Cái ổ của nó một cái hốc nhỏ ở giữa bụi chuối. Bụi chuối này nó đã cố tình để lại các tàu lá già khi mẹ sai nó đi cắt lá chuối khô làm ổ cho con lợn nái chuẩn bị đẻ. Mỗi ngày ra vườn nó đều chăm chút cho cái ổ của riêng mình, khi thì kéo các tàu lá chuối già xuống che kín hơn nữa, lúc lại kéo thêm các cành cây khô tấp lên ngụy trang. Vậy nên, nhìn bên ngoài cái ổ khá kín đáo và rậm rạp, không gây sự chú ý hoặc làm nản lòng bất cứ ai bước chân vào vườn có ý định tiến tới khám phá. Hiện giờ nó đang ẩn náu ở đó nhưng không phải để tránh cái nắng nóng gay gắt mà là để gặm nhấm nỗi buồn, nỗi đau của riêng mình, để không phải gặp mọi người trong nhà. Nó sẽ trốn mãi ở đây, sẽ không ai tìm thấy nó, không bao giờ nó phải gặp lại mọi người nữa. Nếu nó chết được thì sẽ chết luôn ở đây. Mọi người sẽ phải đau khổ, phải ân hận suốt đời vì cách họ đã đối xử với nó.
Nó không nhớ là mình đã khóc bao nhiêu lâu, nước mắt không thấy chảy nữa, không biết vì cái nắng nóng làm khô hay vì đã cạn sạch, chỉ những tiếng nấc thỉnh thoảng vẫn khiến cả người nó rung lên. Con giữa. Con giữa thì làm sao? Con giữa thì phải chịu đựng những bất công và thiệt thòi à? Con giữa là phải nhường nhịn, nhẫn nhục từ chị cả đến em út à? Con giữa không phải là con à? Mà sao nó khổ sở, khốn nạn như thế này? Nó muốn gào thật to lên nhưng rốt cục chỉ gào trong tâm tưởng, một thói quen cố hữu của nó.
Từ khi có nhận thức đến giờ cái mà nó nhận được luôn là câu nói của bố mẹ: “Nguyệt! Con phải nhường chị Kiều, chị ấy là chị cả, vất vả, thiệt thòi nên con phải nhường chị”. “Nguyệt! Con phải nhường em Nga, em còn bé chưa biết gì, con là chị, con phải nhường em”. Nhiều lần nó muốn lên tiếng: “Thế sao không ai nhường con? Con cũng là chị, là em mà!”. Nhưng rồi nó chỉ nín lặng, tỏ thái độ bằng đôi mắt mở to trân trối nhìn mọi người. Và đương nhiên, bố mẹ và các chị em nó không ai để ý đến những ánh mắt mang hình dấu hỏi to tướng đó.
Đã bao lần nó chịu đựng cảnh khi nhà làm thịt gà thì như là một điều đương nhiên, chị Kiều sẽ được một cái đùi gà, cái Nga, em út nó sẽ được cái đùi gà còn lại. Còn nó sẽ ngồi trơ mắt nhìn một cách chán chường miếng thịt bất kỳ nào đó trên người con gà mà bố hoặc mẹ nó gắp thả vào bát của nó. Không ai hỏi nó có thích gặm đùi gà không? Không ai quan tâm nó có thích phần khác của con gà không? Họ gắp miếng thịt vào bát nó như là một thói quen và mặc định nó thích ăn hoặc phải ăn. Không ai biết rằng nó cũng thèm muốn, tha thiết được gặm một chiếc đùi gà, hào hứng và say sưa, mải miết, như chị gái và em gái nó đang thực hiện.
Và cũng từ khi có trí nhớ, nó nhớ được rằng mình chưa bao giờ có quần áo, giày dép, sách giáo khoa mới. Người có quần áo, giày dép, sách vở mới luôn là chị và em gái của nó. Lý do bố mẹ nó đưa ra là: chị gái nó lớn nhất nhà, không thể mặc quần áo cộc được, phải mua đồ mới, sách vở thì là chị là chị cả nên đương nhiên phải mua mới, vì không có ai để lại cho. Đối với em gái nó thì đồ cũ truyền từ đời chị Kiều sang đời nó thì đã quá tã, quá nát, em gái nó không thể mặc tiếp, dùng tiếp được, bắt buộc phải mua đồ mới. Lý lẽ bố mẹ đưa ra thật thuyết phục. Thế là như một tập quán của gia đình, nó luôn luôn phải mặc lại, dùng lại đồ cũ của chị Kiều. Không có gì phải suy nghĩ, không có gì phải bàn cãi gì. Không bao giờ nó được xếp trong kế hoạch mua đồ mới hàng năm cho mọi người trong gia đình.
Nó không bao giờ quên được cái cảm giác buồn bã, đau đớn khi nhìn chị gái và em gái xúng xính trong bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp, hăng hắc mùi dầu máy dệt và thuốc nhuộm vải. Ánh mắt vui sướng, hạnh phúc khó tả của bố mẹ nó khi ngắm nghía chị em gái của nó trong những bộ quần áo mới. Rồi vẫn ánh mắt ấy, mẹ nó sẽ quay sang nó và nói: “Đấy, cái Nguyệt lấy quần áo cũ của chị Kiều mà mặc, vẫn còn mới và đẹp lắm. Công nhận mấy năm trước bố nó mua được loại vải tốt thật đấy”. Vâng, vải tốt, nhưng chỉ tốt đến đời nó. Còn khi nó mặc chật thì ngay lập tức sẽ trở thành giẻ lau, không bao giờ chuyền đến em gái nó. Điều đáng buồn đối với nó là trong ánh mắt, nụ cười và giọng nói của bố mẹ khi nói ra điều đó không hề có chút áy náy, ngượng ngùng nào mà trái lại là sự thoải mái, nhẹ nhàng như thu xếp xong một chuyện trọng đại. Các chị em gái nó cũng coi điều đó là một điều hết sức tự nhiên, không có gì là phân biệt đối xử giữa mấy chị em. Ai cũng vui vẻ, hài lòng, trừ nó. Nó thề rằng sau này khi lớn lên tự làm ra tiền, việc đầu tiên nó làm là vứt bỏ tất cả chỗ quần áo cũ của chị Kiều, tự sắm cho mình những bộ quần áo mới nhất, mốt nhất, giễu qua giễu lại trước mặt mọi người thật nhiều lần cho biết tay.
Ăn, mặc thôi thì thế nào cũng xong, miễn không bị ăn đói mặc rét, nó cố gắng chịu đựng được, thế nhưng, về mặt tình cảm, nó cũng nhận thấy rõ sự thiên vị của bố mẹ dành cho chị em gái nó. Bố nó không bao giờ to tiếng với chị gái và em nó nhưng sẵn sàng mắng nó, thậm chí còn phết cho vài roi khi nó làm sai điều gì đó. Không biết có phải do chị em gái nó nhanh mồm nhanh miệng xin lỗi hoặc ríu rít sà vào lòng xoa dịu bố mẹ, còn nó cứ giương mắt lên như thách thức khi làm sai, mắc lỗi không? Hễ cả gia đình đi đâu chơi là em gái nó trèo lên đầu lên cổ bố, bố nó sẽ công kênh con bé suốt cả chặng đường dài. Chị gái nó sẽ đi giữa bố mẹ, nắm tay hai người. Nó sẽ lẽo đẽo đi sau cùng. Nhiều lúc nó nghĩ, nếu nó tụt lại phía sau hay bị người ta bắt cóc có lẽ cũng không ai biết. Không những thế, khi bố mẹ nó quay lại nhìn thể nào cũng mắng nó vì cái tội lề mề, không biết bước cho rảo cái chân lên. Thỉnh thoảng bố có đi chậm lại đợi nó. Nó mong chờ một bàn tay chìa ra, không cần ẵm nó lên, chỉ cần dắt nó bước đi một cách âu yếm, dịu dàng là đủ. Nhưng không hề có. Nhìn cánh tay bố mẹ đung đưa trước mặt, nó muốn nắm lấy, nhưng ngập ngừng, rồi lại lầm lũi tự bước tiếp.
Mẹ thì thương chị Kiều ra mặt. Mẹ bảo mẹ đẻ chị Kiều đúng vào giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nhất, chị lại là chị cả, thay mẹ làm việc nhà, chăm sóc, dạy bảo các em, muôn vàn vất vả, khổ cực, nên mẹ lúc nào cũng muốn bù đắp cho chị. Con bé Nga là con út, với bản tính đành hanh, nó luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, coi việc được chiều chuộng, cưng nựng là điều đương nhiên. Còn nó là con giữa. Con giữa thì không có một chút quyền lực nào, chỉ trên đe dưới búa. Chị thì mắng mỏ, sai bảo, đe nẹt, dạy dỗ, em thì hơi một tí là lăn đùng ra đất, giãy đành đạch, khóc, hờn dỗi, đòi mách mẹ. Nó thấy mình thừa thãi, không có vai trò gì trong nhà, chỉ như một con kì đà cản mũi, làm vướng chân mọi người mà thôi. Rõ ràng nhất là khi nằm ngủ, chị gái và em gái mỗi người sẽ chiếm chỗ một bên mẹ, ôm lấy cánh tay mẹ, tiện thể, tay mẹ sẽ nhẹ nhàng xoa nắn, gãi lưng cho họ chìm dần vào giấc ngủ ngon lành. Thật là vừa vặn và hoàn hảo. Một bức tranh đẹp đẽ, yên bình. Còn nó lúc đó ra sao? Nó sẽ bị đẩy vào sát tường, bẹp dí như con gián vì con em gái đành hanh không chịu được sự chật chội, lúc nào cũng đạp vào người nó bắt nó phải nằm xa ra. Nó cũng thèm được ôm mẹ ngủ, thèm được mẹ gãi lưng và nựng nịu như hai chị em gái của mình nhưng nó không cạnh tranh được suất nằm cạnh mẹ với họ. Với bản tính kiêu hãnh, nó cũng không thèm cạnh tranh. Nó sẽ tự ru mình ngủ, không cần bất cứ ai phải ru. Thế nhưng sao khó ngủ và mắt cứ cay sè thế nhỉ. Cứ thế, đêm đêm nó chìm vào giấc ngủ mà nước mắt vẫn còn đọng trên mi. Trong cơn mơ màng, nó thấy mẹ vần nó về đúng vị trí, duỗi tay duỗi chân nó cho thật thẳng thớm rồi ôm ấp, vỗ về nó, lau nước mắt cho nó. Thật êm dịu và ấm áp. Nó còn ngửi thấy mùi mồ hôi hăng hắc quen thuộc của mẹ. Thế nhưng mỗi sáng thức dậy, nhìn bóng dáng mẹ thoăn thoắt, vội vàng, lạnh lùng, xa lạ, nó lại khẳng định, tất cả chỉ là giấc mơ thôi.
Mọi việc sẽ cứ thế trôi qua, nó sẽ tiếp tục im lặng chịu đựng, vì thói quen, vì lòng kiêu hãnh, vì sự bất lực… nếu như không có chuyện đó xảy ra. Chuyện sáng nay như một giọt nước tràn ly, như một tia lửa bắt vào đám lá đã quá khô nỏ bởi nắng hè, khiến nó bùng lên một cơn giận khủng khiếp. Cả nhà nó được một phen sững sờ không nói lên lời. Trong cơn giận dữ không thể kiềm chế, nó chạy đi, trốn vào thế giới riêng của mình. Nó sẽ trốn ở đây mãi mãi, không bao giờ chui ra nữa.
Chuyện là sắp vào năm học mới, dì Mai, em gái của mẹ, mua cho nó một chiếc quần nhung tăm có phec mơ tuya rất mốt để làm quà mừng vì năm học vừa qua nó đạt học sinh giỏi tỉnh môn Văn. Trong ba chị em chỉ có nó đạt học sinh giỏi tỉnh nên dì tặng quà riêng cho nó. Thực ra thì dì muốn tặng thêm cho hai đứa cháu còn lại cũng bất khả thi bởi kinh tế gia đình dì rất khó khăn, chồng dì thì nổi tiếng chặt chẽ trong làng, bà mẹ chồng lại vô cùng tai quái, cay nghiệt. Mỗi lần dì muốn đến thăm chị gái, thăm các cháu đều phải tìm đủ mọi cách để xin xỏ, thuyết phục, chịu đựng những cái mắng nhiếc, những cái nhìn khám xét như móc da móc thịt của bà. Cố gắng lắm dì cũng chỉ lo được một món quà cho người xứng đáng nhất mà thôi.
Mà trời ơi, sao dì lại hiểu cái mơ ước thầm lặng nhưng vô cùng mãnh liệt trong lòng nó như thế? Một chiếc quần có khóa kéo! Nó đã thấy cái Hồng, cái Phượng mặc kiểu quần này. Sao mà trông chúng nó hãnh diện, kiêu căng thế chứ! Mặt chúng nó cứ hất lên như thể đang khoác trên mình bộ cánh của cô tiên vậy. Cũng phải thôi, giữa một đám quần chun, hai cái quần cài khuy, khóa kéo trông nổi bật hơn hẳn. Đã thế, bọn nó còn cố tình nhảy thật cao hoặc buộc tà áo lên để lộ cái cạp quần to bản có đường phéc mơ tuya bằng kim loại lấp ló ra để cho mọi người thèm thuồng, ao ước. Mặc quần có khóa kéo là mơ ước của mọi người, sẽ không còn nỗi lo thường trực bị đứt chun, tuột quần nữa. Nó cũng nằm trong số người cứ há miệng ra mà ngắm nhìn, mà ao ước đó. Nó hiểu hoàn cảnh của mình. Trong số những người còn mặc quần chun, nó là người khó khăn và ít hi vọng sở hữu một chiếc quần khóa kéo nhất. Biết đợi đến khi nào chị Kiều của nó mới có một cái như vậy. Và biết đến khi nào chị mới thải ra cho nó? Niềm mơ ước mãnh liệt nhưng lại rất thầm lặng ấy không hiểu sao dì Mai lại hiểu mà biến nó thành hiện thực. Sau buổi chợ sáng, dì đạp xe đến nhà nó, trang trọng trao cho nó chiếc quần nhung tăm mới tinh có chiếc khóa kéo bằng đồng sáng lóa. Nó không dám tin vào mắt mình. Nó như bị mê sảng, cứ ú ớ, lắp bắp mãi không nói lên lời. Không chỉ nó, bố mẹ cũng bị bất ngờ. Hai chị em gái nó dường như bị vượt quá sức tưởng tượng khi thấy nó được sở hữu chiếc quần mới chứ không phải là họ.
Không chỉ có nó mơ ước sở hữu một chiếc quần có khóa kéo, chị Kiều còn mơ ước nhiều hơn và sớm hơn nó. Chị đã bắt đầu lớn, đã có nhu cầu làm đẹp và ăn diện nên khi nhìn thấy chiếc quần mới, mắt chị sáng lên, ánh mắt hướng về phía bố mẹ, lộ rõ vẻ háo hức, mong chờ, cầu khẩn. Không may cho nó, vì dì Mai không ước lượng đúng chiều cao của nó, lại có tâm lý mua phòng ngừa cho lúc lớn hơn nên nó mặc chiếc quần bị rộng và dài. Ngay lập tức, mẹ có ý kiến nên để cho chị Kiều mặc trước, năm sau nó mặc là vừa. Dì Mai mặt thoáng ửng đỏ, bối rối trước hoàn cảnh khó xử. Dù sao thì cháu nào cũng là cháu, nhưng để cho chị Kiều mặc thì tội nghiệp cho nó quá. Để cho nó mặc tiếp thì cũng khó coi. Dì chưa biết xử lý thế nào thì nó cầm cái quần ném xuống đất, gào lên: “Đấy, chị cứ lấy hết đi. Có cái gì mới bố mẹ cứ để chị cứ dùng hết đi. Con không cần. Từ giờ trở đi con không cần dùng bất cứ thứ gì của mọi người nữa. Nếu bố mẹ không yêu thương con thì đẻ con ra làm gì. Sinh con ra để làm nơi trút đồ thừa, đồ thải à?”.
Nó nói xong và chạy vụt đi, biến vào trong cái ổ của mình. Mọi người sững sờ, không ai kịp có phản ứng gì nên không biết nó chạy đằng nào. Nó đã ngồi bó gối ở đây từ cuối buổi sáng, bây giờ đã quá trưa. Giờ này mọi người chắc đã ăn cơm xong rồi. Không ai đi tìm nó hay gọi nó về ăn cơm. Cơn đói đang âm thầm hành hạ cái dạ dày của nó. Tiếng gà trưa xao xác càng làm không khí thêm oi nồng. Cũng may cái ổ kín đáo này rất mát, là một nơi trú ẩn lý tưởng, nó có thể trốn mãi, trốn mãi cũng được, nếu như không đói. Hay kệ cứ để đói đến chết luôn, như mong muốn của nó? Hay chui ra vặt vài quả chuối ăn tạm? Nó cứ loay hoay mãi với cái đói đang càng lúc càng cồn cào.
Có tiếng lạo xạo của bàn chân dẫm lên lá khô, rồi một bàn tay vén mớ lá chuối lòa xòa trước cái ổ của nó, một khuôn mặt ghé vào. Dì Mai. Dì ngó mặt nó lom lom một lúc như để thăm dò thái độ và xác nhận tình trạng của nó rồi nhẹ nhàng ngồi xuống trước cái ổ. Dì lôi trong túi ra một bọc giấy rồi dúi vào lòng nó. Nó quệt mắt rồi rụt rè, khẽ khàng mở ra. Vẫn cái quần nhung tăm có khóa kéo! Một món quà mà nhận đến hai lần, thật là oái oăm. Như hiểu tâm trạng của nó, dì Mai bảo, dì đã quay lại chợ để mua một cái quần khác, cỡ nhỏ hơn, nó có thể mặc vừa luôn từ bây giờ, không phải đợi sang năm. Cái quần kia mẹ đã trả tiền cho dì, coi như mẹ mua cho chị Kiều… Dì Mai nói nhiều lắm, cứ rỉ rả bên tai nó như tiếng mưa. Dì nói nó hãy thông cảm cho dì, dì rất muốn mua cùng một lúc cho mỗi cháu gái một chiếc quần mới, giống nhau càng tốt vì dì rất thích các chị em gái mặc giống nhau, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Dì cũng bảo nó nên thông cảm cho bố mẹ, cho chị Kiều, cho em Nga. Bố mẹ nó đã phải luôn cố gắng thu xếp để cho chị em nó đủ ăn đủ mặc, không phải chịu cảnh đói rét. Chị Kiều lớn hơn một chút, cũng nên được ăn mặc chỉn chu hơn, lúc nào lớn lên nó sẽ hiểu cho tấm lòng của bố mẹ. Con nào cũng là con, bố mẹ không bao giờ ghét bỏ con cái, tất cả chỉ là một sự sắp xếp sao cho hợp lý nhất trong điều kiện cho phép mà thôi.
Dì Mai đang nói thì bỗng có tiếng chít chít. Một cảnh tượng mà nó từng nghe nói nhưng chưa bao giờ được chứng kiến hiện ra trước mắt: một đàn chuột cắn đuôi nhau chạy vòng quanh mấy cái hốc dưới một ụ đất ở góc vườn. Dì Mai thốt lên: “Sắp mưa to rồi. Chuột mẹ đưa lũ chuột con chuyển lên chỗ cao hơn. Cháu thấy không? Trong một đàn chuột, ngoài chuột mẹ lo dẫn đường thì những chuột anh, chuột chị đầu đàn luôn phải vất vả nhất, vừa phải cố gắng ngậm đuôi mẹ vừa kéo cả đàn em đằng sau. Chuột út cũng vất vả, vừa cố gắng theo kịp các anh chị mình để khỏi bị bỏ rơi, vừa ra sức đẩy con đi trước. Chỉ có những con giữa đàn là nhàn nhất, cứ thế được đẩy và kéo đi, lại không lo bị bỏ rơi. Vậy nên trong một gia đình, không thể nói con đầu, con giữa hay con út là sướng hay khổ. Ai cũng có vai trò, vị trí và quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Không có con đầu thì cũng không có con giữa. Không có con giữa thì cũng không có con út. Vậy nên, cháu hãy hiểu và thông cảm cho mọi người. Không ai ghét bỏ hay xem thường cháu. Mọi người chỉ nghĩ đến cái thuận lợi và hợp lý nhất. Cố gắng sống tốt nhất thôi cháu ạ.
Nó ngồi thẳng lên ngắm kỹ khuôn mặt dì Mai. Dì rất giống mẹ nhưng dì có nét nồng ấm, dịu dàng hơn mẹ. Mẹ hơi khô khan, lạnh lùng, ít nhất là nó cảm thấy như thế. Hay là do nó không hiểu được mẹ? Dì Mai đang mặc chiếc áo cũ của mẹ, chiếc áo mà mẹ rất thích, rất nâng niu, giữ gìn. Chiếc áo mang cái mùi đặc trưng của mẹ mà mỗi lần gấp quần áo cho cả nhà nó đều cố gắng hít hà thật lâu. Cái mùi mà nó vẫn gặp trong mỗi giấc mơ. Nó chợt nhớ ra rằng, mẹ chính là chị cả trong gia đình, dì Mai là con giữa, sau cùng còn có dì Hà. Hóa ra con giữa mặc lại quần áo của con đầu đã có truyền thống từ lâu đời. Vậy là mẹ đã nhường cái áo mình thích nhất cùng nhiều quần áo khác cho dì Mai. Dì Mai luôn mặc lại quần áo cũ của mẹ. Không chỉ có vậy, cái nào tốt còn được truyền cho dì Hà, mặc dù dì Hà làm trên ủy ban xã, lúc nào cũng cần ăn diện, nhưng dì vẫn không ngại mặc lại đồ cũ của các chị mình. Các dì luôn tỏ ra vui vẻ, trân trọng, yêu quý, giữ gìn khi được mẹ cho quần áo cũ. Vậy thì nó có lý do nào mà không chịu mặc đồ cũ của chị Kiều, trong khi nó còn chưa làm ra tiền như các dì của mình. Nó chợt nghĩ, liệu khi phải nhường quần áo cũ cho nó, chị Kiều có tiếc nuối, có lưu luyến cái áo, cái quần nào không? Còn nó khi nhận quần áo cũ của chị đều có cảm giác hậm hực, ghét bỏ, không hề có thái độ trân trọng, yêu quý chúng.
Dì Mai âu yếm vuốt mái tóc bù xù của nó, vui vẻ nói: “Thôi, vào ăn cơm đi cháu. Mọi người vẫn đang chờ cháu đấy. Cháu ngủ thiếp đi hay sao mà mọi người gọi mãi không thưa. Không ai biết cháu ở đâu nên đang rất lo lắng. May dì đoán ra cháu ở trong vườn, vì hàng ngày cháu cũng chỉ quanh quẩn trong vườn chứ ít khi đi đâu xa. Và dì đã tìm được cháu. Cháu gái của dì cũng khôn lắm đấy nhé, cái ổ này rất mát, trong cái nắng nóng này được trốn trong này thì còn gì bằng. Cháu nên chia sẻ nó với chị và em của cháu. Họ sẽ bất ngờ và vui lắm đấy. Và cháu phải hứa là không giao giờ được chạy trốn như thế này nữa nhé”.
Dùng dằng, đun đẩy mãi thì dì Mai cũng kéo nó ra khỏi cái ổ, hai dì cháu dắt díu nhau vào nhà. Bố nó đang ngồi thẫn thờ bên bàn nước, mẹ bó gối cạnh mâm cơm úp lồng bàn. Chị Kiều và em Nga đang ngồi buồn thiu trên giường, thấy nó bèn chạy ùa ra đón, thi nhau tíu tít hỏi han, xoa nắn tay chân của nó. Mẹ thoáng quay đi một lát rồi quay lại, nét mặt thản nhiên như thường. Mẹ mở lồng bàn, lấy một chiếc đùi gà đặt vào bát rồi đưa cho nó. Mẹ vẫn thế, không nói nhiều, chỉ hành động, như từ xưa đến giờ.
———-
– Phương Lan –