Tôi là một con chó.
Nếu bạn là người và đang đọc câu chuyện này. Thì nên hiểu rằng tôi thật sự là một con chó.
Giống chó bọ, lông vàng. Bốn chân có màu bít tất trắng, đuôi bông lau, chóp đuôi trắng . Lứa tôi sinh ra có 4 anh chị em. Cũng chẳng nhớ ai ra trước ai ra sau. Chúng tôi được ở với nhau vài tuần khi chưa mở mắt. Tôi chỉ nhớ mùi của mấy chị em còn lại. Đến khi tự uống được sữa thì người ta đưa các chị đi mất, thấy mẹ bảo là ra ở riêng. Chỉ có tôi là được ở lại cùng mẹ. Vì tôi là giống Đực.
Tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả. Với cái sân lát gạch đỏ rộng rãi. Trong sân còn có một hòn non bộ và một khoảnh vườn được trồng đầy rau xanh. Chỗ tôi ở là một chuồng sắt được dựng ở góc vườn. Bà chủ ném cho chúng tôi vài tầm giẻ lau lót phía dưới chuồng làm ổ. Được hai tuần tuổi tôi bắt đầu rời ổ ra khám phá thế giới ở quanh mình.
Mẹ tôi dặn, là một con chó chuẩn mực thì phải đi thẳng lưng, ngực ưỡn lên, bước đi từ tốn. Đuôi vểnh cao ve vẩy. Nhưng tôi bỏ ngoài tai mấy việc đó. Tôi nôn nóng chạy lại chuồng gà trêu tức mấy cô gà mái đang vùi mông ấp trứng. Các cô ấy nằm trong những chiếc thúng to bản, bên trong chất đầy trứng và lót ổ bằng rơm. Lúc nào hai mắt cũng nhắm hờ lim dim. Tôi rón chân lại gần rồi lao ra hù.
– Quác quạc quạc quạc, mông to như cái thúng, ăn gì để cháu cúng.
Bị nạt bất ngờ, các cô giật mình hoảng hốt, kêu quang quác thất thanh. Khi định thần lại, phát hiện ra tôi chỉ là một thằng chó con. Mấy cô gà mái tức điên, vỗ cánh phành phạch nhưng không dám đứng dậy, chỉ trừng mắt ra chiều bực lắm. Thấy vậy tôi càng trêu tợn, rồi lăn ra cười khành khạch.
Tôi hỏi mẹ: mẹ ơi, tại sao loài gà chưa tối đã được lên chuồng đi ngủ, còn mẹ con ta phải thức cả đêm.
Mẹ tôi chỉ nói: vì chúng ta là chó.
Trêu gà chán tôi lăn ra bể nước, nơi có hòn non bộ hình thù cổ quái. Tôi không đi bình thường. Mà đóng giả làm chó nghiệp vụ. Giả bộ dũi cái mũi xuống đất khịt khịt, nằm rạp xuống đất bò sát mép hồ. Trên hòn đá to phản có khe rãnh nhám nhúa còn một hòn đá to đen xì. Trên thân hòn đá kỳ quái lại bám đầy lớp rêu xanh rì, tôi tò mò lấy chân đẩy nhẹ, hòn đá đen xì quay tròn. Bỗng đâu phát ra tiếng kêu.
– A, A, chóng mặt, thằng mất dạy nào quay tao.
Hòn đá biết kêu, tôi sợ quá, ba chân bốn cẳng chạy. Xong lại thấy cái gì đó không đúng. Liền quay trở lại. Hoá ra, hòn đá tôi thấy là một lão rùa tai đỏ. Lão vốn đang nằm ngửa bụng trên hòn đá để phơi nắng, lão lao mình xuống làn nước, không quên ngoi lên chửi đổng
– Thằng ngu kia, chưa nhìn thấy rùa bao giờ à.
Tôi không vừa, lấy chân té nước vào mặt lão, lão lặn xuống nước mất tăm.
– A, chó con, chó con, mẹ ơi chó con.
Một bé gái từ trong nhà chạy ra, mắt nó sáng lên khi nhìn thấy tôi đang ghếch hai chân lên hòn non bộ vớt nước. Đứa trẻ lấy hai tay vồ lấy tôi, xoa đầu, xoa cổ.
Ấy ấy, đừng làm người ta buồn chứ, theo bản năng tôi giẫy ra, lăn lưng xuống đất, giơ bốn cẳng lên trời để lộ khoảng bụng mềm với lớp da trắng ởn. Tôi lần đầu tiên nhìn thấy sinh vật kỳ lạ, trên đầu con bé có một cái sừng màu đen. Mãi sau này tôi mới biết đó là cột tóc. Trên người quây một tấm vải hồng gắn những hạt nhỏ lấp lánh trước ngực. Con bé đưa bàn tay nhỏ xíu, khum búp ra sờ sờ vào đầu tôi. Tôi lè lưỡi liếm tay con bé. Chúng tôi quen nhau từ đó.
Cô chủ nhỏ bế thốc tôi vào lòng. Ra sức xoa vuốt. Bỗng đâu một mụ mèo tam thể lững thững đi qua, ưỡn ẹo cái mông như người mẫu. Rồi dụi dụi đầu vào tay cô chủ ra vẻ đáng yêu. Nhưng lại quay sang tôi nhe răng nạt nộ.
– Meo, con chó kia, mày định tranh cô chủ với tao sao. Nhanh nhanh mà lượn đi, nếu không tao móc mắt.
Nói đoạn mụ ta lười biếng nằm dài ra mặt sân, sải người, vươn vai, móng vuốt cọ xuống sàn sồn sột, như kiểu làm nóng gân cốt đầy doạ nạt.
Cô chủ rất thích tôi, nhưng bà chủ không cho cô bế tôi vào nhà. “Chó thì phải trông nhà. Chỗ của nó là ngoài vườn”. Tôi buồn bã nhìn cô chủ bế mụ mèo tam thể vào lòng. Mình thì quay lại chuồng với mẹ.
– Mẹ ơi, sao con mèo tam thể được lười biếng đứng ngồi trên bậu cửa sổ, thích ngủ thì ngủ, thích đi thì đi. Được ở bất cứ đâu trong nhà ấm áp. Mà mẹ con ta lại chỉ được ở ngoài vườn ạ.
– Vì chúng ta là chó con ạ.
A, vẫn là câu trả lời ấy. Vì xuất thân là chó. Nên phải chịu mọi bất công. Có lẽ, mẹ tôi cũng không hiểu hết lý do. Cái lý lẽ của cuộc đời bà cũng chỉ đến thế. Bà cũng chỉ cần hiểu là số phận sắp đặt mình là chó. Mà là chó thì phải an phận.
Một hôm, mẹ tôi bị bà chủ đánh, lý do là bà cắn thầy giáo của cô chủ đến dạy học. Bà bị đánh vì tội không phân biệt được đâu là người quen, đâu là người lạ.
– Vì sao mẹ lại cắn ông ta?
– Trực giác của mẹ, nói cho mẹ biết ông ta là người xấu.
Ồ, mẹ tôi là kiểu “chó” sống khá bản năng. Kẻ nào bà không ưa thì chắc chắn kẻ đó là người xấu.
– Tại sao mẹ làm đúng chức trách lại vẫn bị bà chủ đánh.
– Vì mẹ là chó.
Cho đến một hôm, khi tôi đang mải đuổi theo một con bướm trong bụi lá lốt, thì phát hiện mùi lạ. Mùi lạ ở đây là mùi chó. Không phải mùi của mẹ tôi. Tôi lao ra khỏi vườn thì thấy một tên “bạch tạng”.
A, không phải nó bạch tạng. Mà là toàn thân nó trắng muốt, nó giơ hàm răng ra gừ gừ sủa inh ỏi.
– Thằng chó kia, mày là ai? Tôi hỏi
– A, đừng láo nha mày, trông tao nhỏ con nhưng đáng tuổi cha chú của mày đó.
Hoá ra, đó là một chú chó cảnh. Thấy bảo giống chó nhật quý hiếm nào đó. Được thầy giáo của cô chủ tặng cho cô chủ, giống chó này rất đắt tiền. Từ ngày có hắn, cô chủ quên hẳn tôi luôn. Hàng ngày cô ấy ngủ với hắn, tắm cho hắn, chăm sóc vuốt ve hắn như em bé. Tôi thường xuyên nghe tiếng hắn và con mèo cãi cọ nhau.
– Mẹ ơi, tại sao cũng là chó, mà chúng ta phải ngủ ở ngoài vườn lạnh lẽo. Thức đêm trông nhà mà gã đó……
– Mẹ tôi nép lại gần tôi, an ủi: vì chúng ta là chó.
Ôi trời, câu trả lời của mẹ không hề thuyết phục một chút nào. Nhưng tôi cũng không muốn hỏi bà thêm nữa.
Tôi lớn nhanh như thổi, từ một chú chó con, đã trở thành một chú chó trưởng thành. Hàm răng tôi nhọn và sắc, các cơ bắp đã cuồn cuộn và lực lưỡng. Buổi tối, tôi và mẹ được bà chủ thả ra để trông nhà. Tôi nằm gần hòn non bộ. Tâm sự với lão rùa :
– Những ngôi sao trên trời cao kia thật sự tự do chú nhỉ?
– Haizzz, chú mày cũng muốn được tự do à?
Loài rùa vốn có tuổi thọ rất cao, nên lão rùa lúc nào cũng bình tĩnh. Cũng phải thôi, lão vác cái mai rõ nặng. Không bình tĩnh cũng chẳng vội được. Lão thở dài tỏ ra rất trải đời.
– Thế giới bên ngoài hung hiểm lắm, chỉ cần cháu thò cổ ra ngoài sẽ có kẻ tròng thòng lọng vào cổ cháu lôi đi ngay. Ngoan ngoãn mà làm kiếp chó. Nhiệm vụ của loài chó nhà là trông nhà, bảo vệ cho gia chủ. Cháu hãy cứ làm tốt nhiệm vụ của mình là được.
Tôi nghe lời lão, không thể không cảm thấy buồn tủi, cụp tai nằm im suy nghĩ, cảm thán cho số kiếp của mình. Đêm khuya thanh vắng, bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi kêu cứu. Bà mới vừa nãy còn đang khoẻ mạnh bỗng nhiên lăn ra sùi bọt mép.
– Mẹ, mẹ ơi, mẹ làm sao vậy, có ai không cứu mẹ.
——————————————
Bà chủ tìm cách đổ nước oxy già vào miệng cứu mẹ tôi nhưng bà không qua khỏi. Bà bị đánh bả chết. Đêm hôm ấy tôi nằm nép mình cả đêm bên xác bà lạnh lẽo. Tôi khóc ư ử, khóc thương cho số phận của bà, khóc thương cả cho số phận làm chó của hai mẹ con tôi. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ như bà, cũng chết một cách thảm thương như vậy hay sao. Sáng hôm sau thì bà chủ cho chôn mẹ tôi ở phía sau vườn.
Sau nhiều ngày ủ dột vì nỗi đau mất mẹ. Tôi bình tâm hơn, và bắt đầu nghĩ đến việc trả thù. Tôi theo dấu vết trên miếng bả để lại, tìm thấy mùi của kẻ thủ ác. Thù này tôi sẽ bắt hắn phải trả giá gấp nhiều lần.
Từ đó, đêm nào tôi cũng căng mắt ra rình rập. Nếu kẻ xấu đó xuất hiện, nhất định tôi phải cắn chết hắn.
Cuối cùng, tôi cũng đợi được đến ngày đó. Nửa đêm, tôi thấy bà chủ mở cổng cho một kẻ bịt mặt bước vào nhà. Tôi bằng “nghiệp vụ” của mình rón rén lẻn vào nhà và chui vào gầm giường nằm phục. Tôi ngửi thấy trên mùi gã có mùi quen thuộc của kẻ đã đánh bả mẹ tôi.
Chỉ thấy hắn và bà chủ ôm ghì lấy nhau như đấu vật. Họ miên quấn lấy nhau. Trời ơi họ cắn nhau. Họ cắn nhau liên tục đến mười mấy phút. Sau đó, hắn cởi quần áo của bà chủ ra. Tôi không dám nhìn nữa, nhắm mắt lại. Nhưng lại thấy bà chủ kêu ú ớ. Tò mò quá, tôi mở mắt ra thì thấy bà chủ bị gã đó nhét giẻ vào mồm, cột chặt tay chân, trói cứng ở giữa nhà. Tên này đúng là trộm rồi. Đến đây thì tôi không trốn nữa mà nhanh chân bò ra khỏi gầm giường, luồn ra phía sau lưng gã. Tôi lao vào gã, nhìn thấy tôi lao đến gã không kịp bỏ chạy.
Trong không gian kín, gã chạy sao được với tôi. Tôi cắn vào chân gã, kéo gã ngã xuống. Với lòng căm thù của mình, tôi không cho gã thoát, tôi nhào lên cắn vào cổ gã. Gã kêu cứu ầm ĩ. Máu của gã bắn đầy vào mặt tôi. Dường như mất máu nhiều quá, một lúc sau gã nằm im bặt.
Nghe tiếng gã kêu cứu, hàng xóm láng giếng nhào sang. Họ kéo tôi ra để cứu gã.
Sau hôm đó, Tôi nghĩ là mình đã xong đời rồi.
Gã sát hại mẹ tôi có lẽ đã chết. Người ta sẽ đối xử thế nào với một con chó đã cắn chết người chứ. Chắc chắn là đem tôi làm thịt. Tôi đã giác ngộ cái kết cục làm một con chó chết. Từ hôm tôi cắn chết người. Người ta nhốt chặt tôi trong chuồng. Có lẽ chờ ngày lên nồi nấu rượu mận.
Bà chủ đưa cô chủ bỏ đi đâu không biết, nhà đóng cửa để không. Tôi bị nhốt trong chuồng và rọ mõm. Tôi mong chờ duy nhất là ông chủ trở về. Có lẽ ngày ông ấy về sẽ là ngày phán quyết.
Cuối cùng thì ông chủ cũng xuất hiện. Ông vuốt ve tôi.
– Này chó ngoan. Mày đã sẵn sàng chưa?
– Tôi liếm tay ông chủ khẽ gật đầu. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận cái kết của một con chó chết.
Ông ôm tôi vào lòng an ủi: “từ giờ con sẽ không phải ở ngoài vườn lạnh lẽo nữa. Sẽ là một thành viên trong gia đình chúng ta”.
Sau này tôi mới biết, nạn nhân bị tôi cắn không chết. Gã bị bắt sau khi đưa tới bệnh viện chữa trị. Nhưng mọi chuyện cũng theo đó mà bị vỡ lở. Gã là nhân tình của bà chủ. Cũng chính là gia sư dạy thêm của cô chủ. Đợi ông chủ đi vắng gã mò sang để kiếm chác. Con chó Nhật gã tặng cho cô chủ cũng là một gã lưu manh. Hắn được gửi vào để tìm chỗ bà chủ giấu tiền vàng. Giúp chủ nhân của gã dễ dàng đắc thủ hơn. Còn mẹ tôi là nạn nhân trong kế hoạch của lũ đạo chích.
Cả đời của bà, chỉ biết mình là chó. Những gì bà phải chịu đựng vì bà là chó. Và khi bà chết đi, cũng tức tưởi theo cách của một con chó chết.
Tôi là một con chó. Nhưng tôi không đầu hàng số phận của mình.
Hạ Cửu Long.