525 NĂM NGÀY HOÀNG ĐẾ LÊ THÁNH TÔNG QUA ĐỜI: BIÊN CƯƠNG DẬY SÓNG 

Ảnh: Văn Trần Bảo 

Biên giới phía Bắc chưa bao giờ yên ổn và miếu hiệu Thánh Tông cũng không phải ngồi phê phán tiền nhân “ăn may” mà có 

Cuộc xung đột đầu tiên giữa hai nước là năm 1467 tại phía bắc Cao Bằng ngày nay. Sử chép: Viên thổ quan phủ Trấn Yên (thuộc địa phận Quảng Tây) là Sầm Tổ Đức đem hơn 1000 quân đóng ở Am Đông. Ông ta tung tin đuổi bắt Sầm Vọng đã thừa cơ tràn sâu vào địa phận Châu Nông (thuộc Cao Bằng) phủ Bắc Bình. Quân họ bắt người, cướp trâu bò và súc vật mang đi. Sau đó, Sầm tấn công Bảo Lạc (Cao Bằng). Trước tình hình này, triều đình một mặt sai bắt viên trấn thủ Bắc Bình về trị tội, mặt khác gửi công văn cho Ty Bố Chính Quảng Tây đòi người và súc vật. Theo Minh Thực Lục, khi quân của Sầm vượt biên giới đã bị quân Lê đánh trả. 

Tháng 4 cùng năm, thổ quan phủ Trấn Yên lại sai Tống Thiệu mang quân xâm lấn ải Tỏa Thoát thuộc huyện Quảng Yên (Cao Bằng), cướp hoa màu và súc vật. Hoàng đế Đại Việt phản ứng rất nhanh, ông cho quân đánh trả và lệnh cho sứ đoàn Đại Việt phải tố cáo việc này. Nhà Minh phản bác nhưng sau Binh Bộ phải điều tra sự việc và báo cho Đại Việt biết kết quả. 

Vào năm 1468, tại phía đông Lạng Sơn, 1000 quân Đại Việt xâm nhập vào Bằng Tường. Cần phải nói thêm, Bằng Tường là nơi có ải Nam Quan và ải này chưa bao giờ thuộc về nước ta cả. Sử Việt không chép sự kiện này nhưng theo Minh Sử: “Năm đầu Thành Hóa (1465), Hạo hùng cường, tự cho là nước giàu quân mạnh. Năm thứ tư (1468) xâm chiếm Bằng Tường, Quảng Tây. Hoàng đế (Minh Hiến Tông) nghe tin, ra lệnh cho quan biên giới phải phòng thủ cẩn thận”. 

Năm 1480, có hai vụ tranh chấp nổ ra. Thứ nhất, Bắc Bình Tổng Binh là Trần Ao sai Đào Phu Hoán mang 600 quân tới Cảm Quả, mở ải Thông Quan thuộc châu Ôn, tiếp giáp châu Tư Lạng của Minh. Đội quân này lấn đất, dựng gióng rào chắn ngang. Viên đầu mục nhà Minh là La Truyền đem quân phá bỏ hàng rào. Sự việc được báo cáo về triều, Đại Việt cho người đến xem xét; vẽ địa đồ rồi gửi công văn biện bạch với Quảng Tây. 

Thứ hai, dân châu Tư Lãng tràn sang châu Lộc Bình (thuộc Lạng Sơn) cướp của, bắt gia súc mang đi. Lê triều gửi công văn sang trách châu Tư Lãng và yêu cầu họ phải trả những gì đã cướp từ Đại Việt. Đồng thời, gửi thông tư chất vấn Tổng Đốc Lưỡng Quảng vì sao để dân họ cướp của dân ta. 

Theo Minh Thực Lục, vào năm 1464, triều Minh phát hiện ra việc Tri Phủ Lâm An (Vân Nam) không báo cáo chuyện đầu mục ở Mạnh Thích, châu Ninh Viễn (Mường Lễ, Lai Châu) chỉ huy người Thái Đen xâm nhập một số thôn thuộc phủ Lâm An. 

Năm 1473, Thánh Tông mượn cớ giải tội nhân ở Long Châu, Quảng Tây đi từ Vân Nam tới Bắc Kinh. Quân Lê bắt hơn 600 phu đi trước rồi mang quân lính theo sau khiến Vân Nam rối loạn. Nhà Minh sai quan biên giới biện bạch (nguyên văn: dụ bảo) với Đại Việt và canh phòng nghiêm ngặt hơn (Minh Sử). 

Năm 1474, châu Bảo Lạc (Tuyên Quang) có Hoàng Chương Mã nổi dậy cướp phá lung tung. Vì thế, quân đội nhà Lê trấn áp. Hoàng Chương Mã chạy trốn. Quân Lê đuổi theo đến hai phủ Trấn An và Quảng Nam của Vân Nam. Nhà Minh gửi “công văn” răn đe, khuyên không nên quấy rối biên giới. Thái độ của hoàng đế nhà Lê rất tốt, ông cho quân rút về và gửi thư “xin lỗi” hàng xóm: “… Ngờ đâu trong lúc quân đuổi bắt đã làm sai kỷ luật, lấn vượt bờ cõi làm dân sợ hãi. Họ giấu diếm (việc vượt biên) không dám nói ra, tôi bị lừa mà không biết. Tuy quân lính vượt biên giới làm rối loạn, song đó không phải là sự cố ý. Tuy nhiên, lãnh đạo kẻ dưới không nghiêm, tôi cũng khó tránh sự chê trách”. (Minh Sử, q. 321, tr. 202 – 203). 

Có lẽ xung đột ở biên giới 2 nước quá thường xuyên, Tuần Phủ Lâm An (Vân Nam) đã tấu xin vua Minh điều 4000 người chia 2 ban để bảo vệ biên giới. Theo Minh Sử, năm 1470, Hồng Đức Đế lấy cớ đuổi bắt trộm cướp để sai 800 quân vượt biên giới huyện Mông Tự, Vân Nam và đóng quân ở đó. Viên quan Minh giữ biên ải phải cố sức thì quân Lê mới lui. 

Phải từ sau năm 1480, trận chiến Việt – Lào chấm dứt, Bồn Man về tay Đại Việt thì biên giới Việt – Trung mới yên. Có thể nói, trong những cuộc xung đột này, triều Lê từ gửi công văn biện bạch đến chủ động tạo các cuộc quấy rối Quảng Tây – Vân Nam là một quá trình dài. Có lẽ, đây là thời ngoại giao quân sự mạnh mẽ nhất trong hơn 300 năm tồn tại của triều Hậu Lê. 

Nguồn: Lê Thánh Tông Về tác gia và tác phẩm, NXB GD, 2007

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *