TRUNG HOA – MỘT NỀN VĂN MINH 35 THẾ KỈ.

TRUNG HOA – MỘT NỀN VĂN MINH 35 THẾ KỈ

*bài so sánh nền văn minh Trung Hoa với các nền văn minh khác
Tần vương Doanh Chính, không như đánh giá của người đời sau về danh hiệu Hoàng đế đầu tiên của mình, có lẽ chưa bao giờ tự xem bản thân trong vai trò là Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa cả. Có vẻ ông ta thấy mình chỉ đơn giản là người cải tổ, làm mới một mô hình quyền lực Hoàng gia vốn tồn tại từ lâu đời, chứ không phải làm nên điều mới mẻ thực sự. “Tần Thủy Hoàng Đế” trong danh xưng mà ông tự đặt cho mình có nghĩa là “vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần”. Những Hoàng đế Tần tiếp theo kế thừa ông sẽ là “Tần Nhị thế”, “Tần Tam thế”,… cho đến muôn đời. Không may là cả “Tần Nhị thế” và “Tần Tam thế” chỉ cai trị được thời gian ngắn, và “Tần Tam thế” cũng là Hoàng đế cuối cùng của triều đại này.
Truyền thống của người Trung Quốc hiện nay, như chúng ta thừa nhận có nguồn gốc xây dựng một cách chính thức và thống nhất kể từ triều đại nhà Hán, triều đại thống nhất lại Trung Quốc sau một thời kì hỗn loạn bắt đầu từ sự sụp đổ của nhà Tần. Nhà Hán có những ghi chép về các triều đại trước đó, ba trong số những triều đại đầu tiên là: Hạ, Thương và Chu. Nhà Thương thì dù vẫn mang nhiều nét huyền sử, nhưng từ lâu đã được chứng minh là có tồn tại. Thông qua các văn bản miêu tả về triều đại này được khắc bằng chữ tượng hình cổ trên các khúc xương, mai rùa… được gọi là các bản “giáp cốt văn” (một vài từ trong các văn bản này thậm chí người ngày nay có thể suy luận mà đọc được), chúng ta khẳng định được sự tồn tại của nhà Thương. Nhà Thương dường như không phải là một hình thái xã hội nguyên thủy, nó có vẻ phức tạp và hẳn phải có một lịch sử tiến hóa lâu dài. Nhà Hạ, được cho là tồn tại trước nhà Thương cũng có thể là có tồn tại, dù mang tính huyền sử, truyền thuyết rất đậm nét. Dù sao sự tồn tại của nhà Hạ vẫn đang là vấn đề đang được đem ra tranh luận trong giới nghiên cứu.
Nền văn minh Trung Hoa xuất hiện cuối cùng trong bốn nền văn minh châu thổ rộng lớn, trong đó các nền văn minh châu thổ này đã đề ra những khái niệm chính của một “nền văn minh”. Lâu đời nhất phải kể đến văn minh Lưỡng Hà, dù rằng các thành bang của Lưỡng Hà thậm chí được xây dựng, tổ chức dựa trên các thành phố gần kề còn có tuổi thọ lâu đời hơn nữa. Catal Huyuk ở Anatolia là thành phố cổ xưa nhất mà chúng ta tìm thấy cho đến nay.
Lưỡng Hà khi nó tồn tại vào hơn 7000 năm trước, đã phần nào tạo dựng nên một quần thể con người sống trong các đô thị tương đối ổn định và bền vững. Cả các nền văn minh như Ai Cập, hay Ấn Độ đều canh tác các loại cây trồng có nguồn gốc từ Lưỡng Hà. Trung Hoa cổ đại thì ít bị ảnh hưởng bởi các loại cây trồng này hơn, họ có các loại cây trồng của riêng mình, ban đầu là hạt kê và sau đó là cây lúa đều có nguồn gốc từ các loài thực vật hoang dã ở Đông Á. Các truyền thuyết của Trung Hoa cổ đại thì lại có vẻ có ảnh hưởng từ bên ngoài: truyền thuyết Trung Hoa xuất hiện một loạt các nhân vật anh hùng trước thời nhà Hạ, họ đôi khi là người phát minh cho các môn nghệ thuật, hay kĩ thuật trồng trọt, sản xuất. Những nhân vật mang tính biểu tượng như Hoàng Đế chẳng hạn, đó vừa là một vị vua hiền triết vừa là nhà lãnh đạo quân sự thành công, nhưng đồng thời cũng là người tạo ra nền y học. Ông được coi như tổ tiên của tất cả người Hán.
(Thật thú vị khi để ý rằng, các truyền thuyết Trung Hoa cho thấy những người đứng đầu, cầm quyền bao giờ cũng là những người phát minh, sáng tạo nên những thứ có ích cho cuộc sống mới. Các tướng lĩnh hoặc chiến binh thì chỉ xếp ở vị trí thứ hai dù cho họ có là những kẻ chiến đấu anh dũng tới mức nào đi nữa. Có thể thấy, đối với người Trung Hoa cổ, chiến tranh chỉ được ngưỡng mộ, tán dương khi nó tạo ra hòa bình.)
Văn minh Trung Hoa cũng là một nền văn minh đơn độc và ít có những thay đổi sắc nét, mang tính đột phá trước thể kỉ 20. Ai Cập và Lưỡng Hà thì đều rơi vào tay những kẻ chinh phục ngoại quốc và không còn gìn giữ, tiếp nối các truyền thống văn hóa cổ xưa được nữa. Từ khoảng hai thể kỉ trước, đã chẳng còn ai có thể đọc được chữ tượng hình Ai Cập, hoặc các văn bản Lưỡng Hà khác nhau. Những văn bản này vẫn là bí ẩn cho tới khi các nhà nghiên cứu Châu Âu hiện đại bắt đầu tìm hiểu về chúng. Ngày nay, cả người Ai Cập và Iraq đều tự xem mình có nguồn gốc Ả Rập và Hồi giáo.
Triều đại đầu tiên của văn minh Ai Cập cổ bắt đầu từ khoảng 3100 TCN, các giá trị truyền thống thuần chủng của họ bắt đầu biến mất khi triều đại Ptolemy kết thúc với cái chết của nữ hoàng Cleopatra VII và con trai bà Caesarean năm 30 TCN. Sự “đứt gãy” văn minh diễn ra ngày một mạnh mẽ sau các cuộc chinh phạt của Hy Lạp ở Ai Cập, tuy nhiên những người cai trị Ptolemy vẫn tiếp tục phần nào giữ lại nhiều giá trị Ai Cập truyền thống trước đó. Dù rằng những giá trị này vẫn tiếp tục được bảo tồn ngay cả dưới sự thống trị của nhà nước Rome. Nhưng sự thất bại của của Anthony và Cleopatra trước Octavian kéo theo đó là Ai Cập trở thành một tỉnh của Đế chế La Mã, đặt dấu chấm hết cho một nền văn minh độc lập tồn tại suốt ba mốt thế kỉ.
Quay trở lại Trung Hoa, nền văn minh của họ được cho là tồn tại từ khoảng năm 2000 TCN, nếu chúng ta thừa nhận sự tồn tại của nhà Hạ. Nhưng vì điều này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nên ta sẽ bắt đầu từ khoảng 1600 TCN, giai đoạn nhà Thương. Sự liền mạch văn minh của họ kéo dài với vô vàn lần biến động khác nhau trong lịch sử cho đến khi Hoàng đế Mãn Thanh cuối cùng thoái vị vào tháng 2 năm 1912, ít nhất ba mươi lăm thế kỷ. Chữ tượng hình thời nhà Thương, thậm chí là tổ tiên với nhiều nét tương đồng có thể nhận ra với chữ tượng hình Trung Quốc ngày nay. Ngôn ngữ của những con người cổ xưa ở nước này là tổ tiên của tiếng Trung Quốc (Quan thoại) ngày nay, các phương ngữ ở các địa phương khác nhau có khi còn được cho là gần với nguyên bản xa xưa hơn.
Một nền văn minh lâu đời hơn có thể đem ra so sánh với văn minh Trung Hoa là văn minh Ấn Độ. Nền văn minh châu thổ Ấn Độ hay Harappan có từ 3300 TCN, lâu đời hơn nhiều so với văn minh Trung Hoa. Nhưng sự liên tục về mặt văn hóa, xã hội của người Harappans với nền văn minh Hindu đang bị nghi ngờ. Hệ thống chính trị và lịch sử thì vẫn còn rất mù mờ, nhưng một điểm đáng chú ý là không có bất cứ vị vua, hay nhà lãnh đạo nào đáng chú ý được thờ phụng phổ biến trong các cung điện, đền thờ thuộc về thời kì này.
Ngay cả khi nền văn minh Ấn Độ lâu đời hơn hẳn, Trung Hoa vẫn đáng chú ý vì đã nhiều lần thống nhất, đồng bộ nền văn minh của mình trong các đế chế hùng mạnh, rộng lớn.
Trung Hoa cổ đại mở rộng một phần nhờ việc hợp nhất, đồng hóa các truyền thống vừa có điểm giống vừa có điểm khác biệt của các chủng tộc ở phía Đông bắc nước CHDCND Trung Hoa ngày nay. Bởi nền văn minh của họ được khởi phát chủ yếu ở hai con sông rộng lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Dù là bằng cách gì đi nữa, thì các vùng đất này đều được xem là các thành phần của một khối chung dưới thời nhà Thương và Chu, để rồi dưới các cuộc bình định của nhà Tần và nhà Hán chúng trở thành các phần của một quốc gia thống nhất.
Từ “người Hán” ngày nay nên xem là từ chỉ một nền văn hóa, hơn là một từ để chỉ một đơn vị dân tộc. “Người Hán phía Bắc” – người Trung Quốc ở phía Bắc có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền với người Hàn Quốc và Nhật Bản hơn là “người Hán ở phía Nam”, những người lại giống với người Việt Nam hay các quốc gia Đông Nam Á khác về mặt kiểu hình. Như một người phương Tây đã nói:
“Chúng ta nhìn vào sự thống nhất rộng lớn của Trung Quốc mà quên mất rằng người Bắc Trung Quốc và người Nam Trung Quốc có sự khác nhau về mặt di truyền và thể chất tới đáng kinh ngạc: người phía Bắc thì giống với người Tây Tạng và Nepal nhất, trong khi người phía nam thì lại giống người Việt Nam và Phillippines. Những người bạn Bắc và Nam Trung Quốc của tôi có thể dễ dàng phân biệt ngoại hình trong nháy mắt: người phía Bắc có xu hướng cao hơn, nặng hơn, xanh xao hơn, đôi mắt nhỏ và có phần “xếch” hơn.
Bắc và Nam nước này cũng khác nhau về môi trường và khí hậu: miền Bắc khô và lạnh hơn; phía Nam thì ẩm và nóng hơn. Sự khác biệt di truyền do môi trường và khí hậu là minh chứng rõ nét nhất rằng, các chủng người này đã có thời gian rất dài sống ở những vùng hoàn toàn cô lập nhau về mặt địa lý, và không có sự lai tạp. Vậy làm thế nào những người đó vẫn có cùng ngôn ngữ và văn hóa rất giống nhau?”
Quá trình liên kết bằng văn hóa là thứ duy nhất có thể giải thích câu hỏi trên, điều cốt lõi cho sự thống nhất thành khối đông đặc khó bị bẻ gãy của nền văn minh Trung Hoa. Trong suốt các triều đại, quá trình này được nâng cấp và sử dụng thường xuyên và đã chứng minh sự thành công trong công việc vận hành đồng bộ một nền văn minh khổng lồ hoàn toàn phi công nghiệp.
Các quá trình liên kết này bắt đầu từ sớm và chắc chắn đầy những khó khăn. Các thành phố đầu tiên với “nền văn minh nông nghiệp” tiên tiến hơn sẽ thu hút và liên kết với các khu vực yếu kém hơn. Sự liên kết sẽ mạnh vào thời đồ đá mới khi mà sự giống nhau về công cụ sản xuất dễ dàng cho sự liên kết này hơn là trong thời đồ đồng hay đồ sắt, khi mà các khu vực khác nhau có trình độ công nghệ kim loại cũng khác nhau.
Tổ chức xã hội cổ Trung Hoa tương đối tốt vào thời đại đồ đồng của nó, thời nhà Thương và Chu. Sự xuất hiện của đồ sắt vào thời nhà Tần và Hán kích cầu cho công nghiệp quốc phòng, và sự phát triển về kinh tế. Nhà nước của họ vào thời này tồn tại cùng thời với những người thừa kế Alexandre và sau đó là Đế chế La Mã, nhưng theo các ước tính mang tính khảo cổ, rõ ràng Trung Quốc lớn hơn và được tổ chức tốt hơn. Hai đế chế khổng lồ, nhà Hán và La Mã cách biệt nhau bởi hàng ngàn dặm thảo nguyên, núi đồi do đó không bao giờ đụng độ quân sự trực tiếp, nhưng về kinh tế thương mại, chắc chắn nhà Hán vượt trội hơn. Nhà Hán đã lấy một lượng lớn kim loại quý trong các các cuộc buôn bán tơ lụa cho Đế chế La Mã.
Trung Hoa cũng không cho cho thấy các sự thay đổi căn bản trong văn hóa như Tây Á, Lưỡng Hà chuyển sang văn hóa Ba Tư rồi sang Macedonian – Hy Lạp rồi lại chuyển sang văn hóa Latin – Roman, trở lại Hy Lạp khi Constantine chuyển trung tâm đế quốc sang Byzantium. Sau đó tiếp tục bị gián đoạn, biến chuyển liên tục bởi các cuộc chinh phục của người Ả Rập/ Hồi giáo. Cuối cùng là người Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tạo ra đế chế của riêng họ tồn tại tới tận thế kỉ 20.
Sự liên tục của nền văn minh này khiến những người cai trị Trung Hoa ở thế kỉ 19 hoàn toàn có thể đọc về những tấm gương của các nhà cai trị nước này hàng thế kỉ trước. Không đồng nghĩa với một xã hội tĩnh, không có bất cứ thay đổi nào nhưng rõ ràng Trung Hoa là một xã hội mà bất kì cá nhân nào nếu biết chữ cũng có thể đọc được những cuốn sách viết từ hàng ngàn năm trước mà không cần dịch.
Nhưng kể cả khẳng định Trung Hoa cổ không phải xã hội tĩnh, thì nó vẫn không phải là một xã hội có thể cạnh tranh với Châu Âu về tốc độ phát triển sau sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại. Tốc độ thay đổi và tiến bộ của Châu Âu hiện đại nhanh hơn và kịch tính hơn bất cứ điều gì thế giới từng ghi nhận trước đó.
Nếu bạn có một doanh nghiệp vận chuyển bằng xe ngựa và rồi vài doanh nghiệp khác bắt đầu sử dụng ô tô để vận chuyển, bạn có thể mất hết các mối làm ăn nếu không tự thay đổi phương thức vận chuyển của mình, câu chuyện tương tự xảy ra với Trung Hoa. Trung Hoa đã tích lũy và phát minh rất nhiều thứ quan trọng, nhưng nó chỉ diễn ra trong vài ba thế kỉ. Còn Châu Âu chuyển mình và phát minh liên tục đủ thứ trong thời gian tính bằng thập kỉ, họ cứ thế phát minh mà chẳng cần quan tâm những thay đổi mà các phát minh này đem lại có thể gây ra nhiều hậu quả trong đó có đảo lộn tổ chức xã hội, các cuộc cách mạng tư sản như ở Pháp là một ví dụ. Trung Quốc thì không thể làm được điều đó, họ không thể tự phá vỡ và làm lại chính mình được. Không có lãnh đạo nào trước Mao đủ can đảm, hay sẵn sàng làm điều đó.
Thực ra thì người Châu Âu thế kỉ 18 vẫn chậm nhận ra những lợi thế của mình. Người Châu Âu thời đó vẫn xem Trung Hoa là quốc gia đáng ngưỡng mộ. Trong The Weath Of Nations, một cuốn sách thường được trích dẫn hơn là nghiên cứu kĩ, Adam Smith đã ca ngợi nó là một “Đế chế tiên tiến và hợp lý”:
“Trung Quốc là quốc gia giàu hơn bất kỳ khu vực nào ở Châu Âu và sự khác biệt giữa giá sinh hoạt ở đây so với Châu Âu là rất đáng kể. Gạo ở Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với lúa mì ở bất cứ nước châu Âu nào.
Ở quốc gia giàu có vượt trội so với châu Âu này, các kim loại quý cũng có giá trị hơn nhiều. Sự giàu có của Âu Châu tăng lên nhờ phần nhiều từ sự khai phá các mỏ kim loại ở Mỹ. Điều này đã làm vàng và bạc mất giá dần.
Nhờ đó, tài sản của một quý tộc Trung Quốc hay Ấn Độ nhiều hơn, lộng lẫy hơn bất cứ người ở tầng lớp giàu có nào ở phương Tây. Trong các hoạt động nghệ thuật, và công nghiệp, Trung Quốc dù kém hơn nhưng không phải là cách quá xa so với bất cứ lĩnh vực nào ở Châu Âu. Chi phí sản xuất ở đây cũng rẻ hơn nhiều.
Tóm lại, Trung Quốc từ lâu là một quốc gia giàu có nhất, màu mỡ nhất, giỏi trồng trọt nhất, dân số của họ thì cần cù và đông nhất thế giới. Nhưng dường như nó đã đứng chững lại từ lâu. Những miêu tả của Marco Polo khi đến thăm nó hàng trăm năm trước chẳng khác mấy so với những miêu tả của du khách ngày nay. Có lẽ ngay cả trước thời đại của ông, bản chất của thể chế và luật pháp ở quốc gia này đã khiến sự nghèo nàn của tầng lớp thấp ở nước này còn cùng cực vượt xa so với các quốc gia ăn xin ở Châu Âu.”
Adam Smith đã sai khi nghĩ rằng Trung Quốc chững lại từ thời Marco Polo. Thực ra, dân số thời đó của nó lớn hơn nhiều so với thời nhà Nguyên, sự nghèo đói ở tầng lớp thấp mà ông để ý có thể do điều này. Nhưng, ông đã đặt chính xác Trung Quốc và Ấn Độ ở thế kỉ 18 ngang hàng với Châu Âu ở vài khía cạnh, trong vài nhận xét khen ngợi kiểu như:
“Giống như phần lớn mô hình nhà thờ ở Châu Âu, nhà nước ở các quốc gia Châu Á chủ yếu được hỗ trợ tài chính bởi việc thu thuế đất, theo tỷ lệ 1/10, không phải tỉ lệ đất cho thuê mà là tỷ lệ giá trị sản phẩm trên mảnh đất đó. Tuy nhiên tỷ lệ này được tinh chỉnh rất phù hợp, có những vùng khó khăn chỉ cần đóng mức thuế với tỉ lệ 1/30. Thuế đất được trả cho chính phủ Mahometan của Bengal, trước khi vào tay Công ty Đông Ấn Anh và ở Ai Cập cổ đại thì lại thường tới mức 1/5.
Ở châu Á loại thuế đất này ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo trong việc tìm cách để tăng năng suất sản phẩm cho đất đai. Các vị vua Trung Quốc, những người Bengal dưới thời chính phủ Mahometan và cả ở Ai Cập nữa, được cho là rất chú ý tới chế tạo và duy trì hệ thống giao thông, đặc biệt là kênh rạch hỗ trợ điều hướng, qua đó giúp cho năng suất trồng trọt tăng càng nhiều càng tốt.”
Phải nói thêm rằng Adam Smith quan tâm và đánh giá cao điều trên bởi rằng, trong thế kỉ 18 vận tải nội địa của Anh thật sự tệ hại, dù có nhiều làn sóng xây dựng kênh đào. Trong khi đó Trung Quốc từ thời cổ đại đã có kênh Đại Vận Hà kéo dài hơn ngàn dặm từ Hàng Châu tới tận Thượng Hải ở phía Nam và Bắc Kinh ở phía Bắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *