Nga xâm lược Ukraine sẽ để lại những hậu quả gì?

Cuộc xâm lược chắc chắn sẽ là sự kiện làm xoay chuyển ván cờ chính trị và an ninh châu Âu hiện tại. Đó sẽ là cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai và tôi tin rằng nó sẽ mở ra một kỷ nguyên với những trật tự mới trong lịch sử châu Âu, trên nhiều phương diện. Chưa thể khẳng định đó sẽ là một trận chiến lớn, bởi vì chỉ có giới cầm quyền Nga mới thực sự biết liệu có xảy ra chiến tranh hay không, nhưng nếu nó được kích nổ, sức ảnh hưởng mà cuộc chiến này để lại sẽ không hề nhỏ.

Trước tiên, tôi nghĩ chúng ta nên xem xét động cơ đã thúc đẩy tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị của Nga.

Nga là một đất nước luôn bị ám ảnh với việc bảo vệ bờ cõi. Quốc gia này trải dài từ vùng đồng bằng bằng phẳng ở Đông Bắc Âu, gần như không có biên giới tự nhiên nhưng kẻ thù thì ở tứ bề. Xuyên suốt lịch sử, người Nga đã bị tấn công từ khắp mọi nơi. Người Mông Cổ, Tatars, Thổ, Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Litva, và thậm chí cả người Pháp. Mọi dân tộc đều cố gắng xẻo đi một miếng thịt từ lãnh thổ Nga. Phải công nhận rằng, hầu hết trong số đó đều thất bại. Nhưng sự kiện đó đã dạy cho người Nga bài học nhãn tiền về địa chính trị. Do đó, về cơ bản, Nga luôn cố gắng xâm chiếm càng nhiều đất càng tốt để đẩy mạnh biên giới ra xa khỏi những vùng đất chủ đạo của mình.

Bạn có thể thấy rõ điều đó thông qua việc mất đồng thuận hiện nay giữa phương Tây và Nga khi cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong khi phương Tây chủ yếu cho cuộc xâm lược Nga-Ukraine là một hành động xâm lược đối với một quốc gia có chủ quyền, thì Nga lại coi đây là một phần của cuộc tranh giành quyền lực giữa Nga và Mỹ. Ở phương Tây, việc gia nhập NATO chỉ được coi là hành động có chủ đích của một quốc gia có chủ quyền đang lựa chọn vận mệnh của mình. Nhưng Nga thì coi đây là một nước cờ quyền lực của quân đồng minh do Mỹ điều khiển chống lại Nga. (hình 1)

Giờ đây, hệ thống biên giới phía tây của Nga gần như là không thể bị phá vỡ. Đó là những vùng đất bằng phẳng hàng ngàn dặm từ Baltic đến Biển Đen, địa hình lý tưởng để xe tăng có thể lăn qua (bạn còn nhớ chiến dịch Barbarossa chứ?). Người ta có thể tranh luận rằng không nước nào sẽ tấn công hoặc có kế hoạch tấn công Nga đâu, nhưng công bằng mà nói, người Nga đang nhìn nhận nó từ quan điểm thực dụng và dài hạn. Cái sự thật rằng châu Âu hiện chỉ toàn những nhà bảo vệ môi trường yêu hòa bình không có nghĩa là mọi thứ sẽ tiếp diễn như vậy trong 50 năm nữa.

Sẽ có ý kiến cho rằng những lo lắng và quan ngại của Nga đã bị lờ đi sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990 (khi NATO bắt đầu mở rộng sang Đông Âu) và nước Nga bị coi thường (NATO ném bom Serbia, đồng minh lâu năm của Nga). Nhưng cũng cần phải nói rằng lỗi thuộc về không ai khác ngoài nước Nga, khi một nửa dân số từ Baltic đến Adriatic và Biển Đen đều ghét và sợ họ. Đó là do họ. Sự căm ghét và lo sợ đó không được hun đúc từ những hoạt động tuyên truyền chống Nga do Mỹ thực hiện, mà hoàn toàn được tạo nên từ ký ức lịch sử của cả 1 vùng đất đó.

Như tôi đã đề cập trước đó, giới lãnh đạo Nga coi biên giới phía tây hiện tại là một mối nguy tiềm tàng và luôn muốn làm những gì họ đã và đang làm. Nới rộng vòng biên giới để tìm những vùng biên giới tự nhiên có thể phòng thủ được. Theo quan điểm của Moscow, những biên giới thời chiến tranh lạnh của khối phía đông (khối Xô Viết) là một giấc mơ. Nga đã kiểm soát vùng đồng bằng Bắc Âu (từ nơi diễn ra các cuộc tấn công khốc liệt nhất trong các cuộc chiến Napoléon, Thế chiến I và Thế chiến thứ hai) cho đến điểm hẹp nhất và kiên cố nhất ở phía đông nước Đức. Các trung tâm dân cư của Nga ở châu Âu đã an toàn.

Dù Nước Nga ngày nay chỉ còn là cái bóng của SSSR, vì vậy kiểu mở rộng này là phi thực tế, tuy nhiên, tôi muốn cho bạn xem tấm bản đồ này (nó từ một cuốn sách của Peter Zeihan, tôi biết rằng có nhiều tranh cãi về ông ấy, nhưng tấm bản đồ diễn đạt chính xác những gì tôi muốn nói đấy) (hình 3).

Nó cho thấy những vùng biên giới mà Nga thèm khát nhất hiện tại từ góc nhìn chiến lược. Nó mở rộng biên giới/ vùng ảnh hưởng hoặc quyền kiểm soát của Nga tới các hàng rào địa lý có thể bảo vệ gần nhất, từ Biển Đen, qua dãy núi Carpathian, đến phần hẹp hơn của đồng bằng Bắc Âu ở giữa Ba Lan và đến Biển Baltic. Tôi không nói rằng giới lãnh đạo Nga thực sự muốn tiến hành một cuộc chiến tranh tầm cỡ ở châu Âu để có được những biên giới này. Điều đó tôi không thể biết được. Nhưng cuộc chiến đó sẽ vô cùng ăn khớp với tư duy chiến lược dài hạn của Nga. Và khi bạn nhìn vào tình hình quốc tế hiện tại thì rõ ràng rằng nếu có một thời điểm hợp lý nhất để xúc tiến những hành động đó, thì có lẽ chính là lúc này.

Châu Âu đang mệt mỏi và kiệt quệ bởi cuộc khủng hoảng coronavirus đang diễn ra và không có khả năng gây ra những rắc rối đáng kể cho Nga. Các cường quốc lục địa chủ chốt, Đức và Pháp, thực sự khó có thể đưa ra một lập trường cứng rắn chống lại sự bành trướng của Nga. Trong trường hợp của Đức, người ta gần như cho rằng có một loại hiệp ước hợp tác bí mật nào đó giữa họ và Nga. Hoa Kỳ thì đang chìm trong những cuộc tranh luận nội bộ về chính trị và xã hội, buộc họ phải tập trung hơn vào nội bộ đất nước. Và điều quan trọng cần lưu ý là, nếu không hành động lúc này, vị thế của người Nga trong dài hạn sẽ không bao giờ tốt hơn được nữa.

Các xu hướng dài hạn đang không có lợi cho Nga. Nền kinh tế Nga không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của hiện đại hóa và thoát ly khỏi việc chỉ là một nhà cung cấp dầu mỏ khí đốt cho hầu hết các nền kinh tế phát triển hơn. Ngay trong hiện tại, và trong những năm tới, khi sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt và dầu mỏ của Nga vẫn còn rất đáng kể, thì chiến lược dài hạn của hầu hết các nước là chuyển hướng khỏi hydrocacbon vì mục đích sinh thái. Bây giờ, ngay cả khi những mục tiêu đó còn quá xa vời và có thể sẽ không thành hiện thực toàn bộ, những nỗ lực cắt giảm hydrocarbon của Nga ở châu Âu (dự kiến xây dựng những nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn, đột phá công nghệ trong các lò phản ứng mô-đun nhỏ hơn, phát triển kho dự trữ điện từ năng lượng tái tạo hydrogen…) là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế và ngân sách của Nga.

Nhân khẩu học của Nga cũng rất đáng quan tâm (hình 4). Dân số Nga sẽ giảm mạnh trong những thập kỷ tới, do đó, ngoài tình trạng thiếu lao động và những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến việc tỷ lệ người dân tộc Nga trong nước ngày càng giảm và cộng đồng dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi ngày càng tăng, sẽ có ít nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. Rất khó để tiến hành cuộc chiến tranh bành trướng với tình hình nhân khẩu như vậy, bởi vì người trẻ rất khan hiếm, và nếu hàng chục hay thậm chí hàng trăm nghìn người trong số họ được đưa về trong quan tài, dư luận có thể sẽ nhanh chóng phản đối nỗ lực chiến tranh. Giờ đây, hầu hết các nước Đông Âu cũng đang ở trong tình trạng tương tự, nhưng một cuộc chiến tranh tấn công sẽ đòi hỏi nhiều binh lực hơn nhiều so với việc phòng thủ.

Tiếp theo, là sự thay đổi tổng thể về cán cân quyền lực. Mặc dù Nga rõ ràng là một siêu cường về quân sự và luôn duy trì sức mạnh áp đảo so với bất kỳ quốc gia nào lân cận, cán cân quyền lực vẫn đang không ngừng xê dịch và điều đó không hề có lợi cho họ. Nền kinh tế của các nước như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan hay Romania đang phát triển nhanh và hiện đại hóa không ngừng. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải phân bổ nhiều tài nguyên hơn cho quân đội. Ngân sách quân sự đã tăng lên kể từ năm 2014 ở Đông Âu và xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, thậm chí còn nhiều hơn nếu Nga gây hấn với Ukraine. Nhưng cũng có khả năng khá cao là trong trường hợp nếu Nga mở rộng biên giới ở Đông Âu, Thụy Điển và Phần Lan có thể gia nhập NATO hoặc một số liên minh bài Nga mới và cũng sẽ làm gia tăng đáng kể ngân sách quân sự của họ. Điều đó cũng sẽ thay đổi đáng kể khoảng cách trong khu vực. Thụy Điển chắc chắn không hề muốn biển Baltic trở thành cái ao của nước Nga.

Người Nga rất say mê ý tưởng về liên minh với Trung Quốc để chống lại phương Tây, bán tài nguyên của họ cho Trung Quốc, tái cấu trúc lại quan hệ của họ ở phần phía tây và bắt đầu thực sự là 1 đứa con lai Á-Âu (Eurasia), với trọng tâm được đặt nhiều hơn ở phần châu Á. Nhưng điều đó rất khó xảy ra vì một số lý do. Nga không thể thay đổi thực tế rằng 75% dân số đang sống ở phần châu Âu. Nước Nga ở Châu Á hầu hết trống rỗng và thiếu thốn về mặt cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của Nga hầu hết nằm ở phía đông bắc Siberia, rất xa các vùng trung tâm đô thị ven biển của Trung Quốc và cơ sở hạ tầng cũng không có ở đó. Trung Quốc và Nga cũng không có nhiều lợi ích chung ngoài quan điểm chống lại trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Trên thực tế, về lâu dài, sẽ thật khó tin nếu Trung Quốc không bắt đầu dòm ngó các nguồn tài nguyên phong phú và vắng bóng người Nga ở vùng Viễn Đông. Tỷ lệ giữa người Nga và người Trung Quốc ở biên giới Nga-Trung đang bị đảo chiều thành 18:1 nghiêng về người Trung Quốc (chưa bao gồm người Nga nhưng không phải dân tộc Nga và người Trung Quốc ở Nga). Khi bạn hiểu về tình hình ở đó, bạn đã có thể thấy rõ ảnh hưởng về kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc (hình 5).

Ngoài ra còn có một bộ phận người Nga yếu ớt ở vùng Trung Á. Đó là khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh chóng (73 triệu người tính đến năm 2020) với phần lớn là dân cư Hồi giáo, nơi Nga phải cạnh tranh sự ảnh hưởng với cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sẽ ngày càng khó duy trì sự ảnh hưởng của họ tại khu vực này.

Tôi nghĩ rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, chắc chắn Nga sẽ chiến thắng. Sau đó có thể cài cắm một kiểu lãnh đạo bù nhìn nào đó để Ukraine trở thành quốc gia trung lập trên giấy tờ, và là một quốc gia thân Nga trên thực tế. Thực sự khó có thể dự đoán được mức độ thiệt hại của cả hai bên. Tôi hoàn toàn không phải là chuyên gia quân sự, nhưng tôi đã đọc rất nhiều phân tích cho rằng mặc dù quân đội Ukraine rõ ràng yếu hơn nhiều so với quân đội Nga, nhưng năng lực chiến đấu của họ đã mạnh hơn nhiều so với năm 2014. Ukraine đã đoàn kết hơn trong nội bộ trên khía cạnh quốc gia và tinh thần của quân đội và đất nước nói chung đang lên khá cao. Họ có vũ khí và các đợt huấn luyện từ các tướng lĩnh phương Tây. Vì vậy, những tổn thất mà lực lượng phòng vệ Ukraine gây ra cho quân đội Nga có thể là đáng kể, ngay cả khi người Nga rõ ràng sẽ chiếm thế thượng phong. Tôi không biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dư luận Nga liên quan đến cuộc xung đột, nhưng có lẽ không nhiều lắm.

Phương Tây sẽ phản ứng bằng những động thái trừng phạt về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là mức độ nghiêm trọng của các trừng phạt là bao nhiêu mà thôi. Tôi cho rằng câu hỏi lớn hơn chính là liệu Đức có chịu thỏa hiệp trước áp lực và đồng ý trục xuất Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT và đồng thời ngăn Nord Stream 2 (hình 6) hoạt động. Bây giờ nếu các lệnh trừng phạt này được thông qua, Nga sẽ gánh chịu được. Nga có rất nhiều tiền trong ngân khố cho chiến tranh của họ (ít nhất là hàng trăm tỷ đô la) và có thể tự cung về nhiều mặt quan trọng (ngũ cốc, khí đốt, dầu mỏ, kim loại ..). Nhưng nó sẽ khiến nền kinh tế Nga bị đẩy ra rìa trong giao thương kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Sẽ có một cuộc di chuyển vốn ồ ạt ra khỏi đất nước và cùng với đó có lẽ là sự chảy máu chất xám đáng kể đối với những người giỏi và kiệt xuất nhất (điều đã và đang xảy ra). Điều này sẽ có tác động đáng kể đến vị thế của Nga theo thời gian, bởi vì sẽ có ít nguồn lực hơn dành cho quân đội, thứ vốn là nền tảng cho sức mạnh của Nga.

Bây giờ nếu Đức không giáng xuống các lệnh trừng phạt, Nga sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhiều, vì vậy vị thế của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng thêm vào đó, tôi nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng cơ bản đến quan hệ giữa các nước châu Âu. Tôi tin rằng các nước Đông Âu chắc chắn sẽ mất hết, nếu họ đang có, niềm tin vào sự cứng rắn của Đức trong việc bảo vệ các đối tác phía Đông của mình. Đúng, Ukraine không thuộc NATO hay EU, nhưng nếu Đức không sẵn sàng vào cuộc với các hành động như sử dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraine, thì không chắc nước này sẽ dám thực hiện các hành động trên lý thuyết khác ở các nước chống Nga tại Trung và Đông Âu. Tôi nghĩ rằng nó có thể dẫn đến việc thành lập một liên minh an ninh mới ở châu Âu. Đã có những cuộc đàm phán về liên minh an ninh mới giữa Vương Quốc Anh, Ba Lan và Ukraine. Và một số quốc gia khác quan tâm đến kế hoạch này sẽ là Thụy Điển, Phần Lan, các nước Baltic, Cộng hòa Séc và Romania. Hoa Kỳ có thể sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập cấu trúc này. Rất có thể sẽ có làn sóng di cư khổng lồ từ Ukraine đổ vào các nước EU phía Đông. Con số thậm chí có thể lên đến hàng triệu người, nếu cuộc xung đột trở nên xấu đi. Giờ đây, các quốc gia Đông Âu như V4 chắc chắn nên cố gắng tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất có thể, vì người Ukraine là những người có nền văn minh tương tự và họ cũng sẽ là những người tị nạn chiến tranh có lai lịch rõ ràng. Những lập luận mà các nước V4 sử dụng một cách hợp pháp để chống lại việc tiếp nhận người di cư từ Trung Đông sẽ không được áp dụng trong trường hợp này. Kinh nghiệm của người Ukraine đối với sự áp bức của Nga cũng đáng để quan tâm đối với hầu hết các nước thuộc khối Xô Viết cũ.

Tất cả chúng ta nên hy vọng rằng cuộc xâm lược sẽ không xảy ra. Nó thực sự sẽ làm xoay chuyển hoàn toàn kiến trúc an ninh châu Âu và một thời kỳ mới với những trật tự mới sẽ bắt đầu. Vâng, xung đột đã ở đây vào năm 2014, nhưng cuộc xâm lược quy mô tổng lực sẽ là một con quái vật hoàn toàn khác. Nó thậm chí sẽ còn trầm trọng hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh Nam Tư. Mặc dù các cuộc chiến tranh Nam Tư thực sự khủng khiếp trên phương diện nhân đạo, nhưng chúng không có khả năng dẫn đến các cuộc xung đột quy mô rất lớn khác. Cuộc chiến chỉ bị giới hạn trong lãnh thổ Nam Tư và mối quan ngại lớn nhất đối với phần còn lại của thế giới là thiệt hại về dân cư và người tị nạn (nhưng họ đã đổ về các nước Nam Tư khác). Nhưng việc quân đội Nga tràn qua lãnh thổ Ukraine và thường xuyên tham chiến với quân đội chính quy của một quốc gia châu Âu khác sẽ đẩy căng thẳng ở lục địa này lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Theo: KPTG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *