Không biết có ai từng để ý đến các cô lao công trong trường chưa.
Sáng nay lúc đánh răng, tôi nghe một cô lao công khẽ lẩm bẩm “thiu hết cả rồi.” Mặc dù giọng có lẫn tiếng địa phương, nhưng câu nói ngắn thế, tôi cũng không đến nỗi nghe nhầm.
Nhìn thoáng qua nơi phát ra tiếng nói, tôi thấy cô lao công quay lưng lại bên bệ cửa sổ, móc cái bánh màn thầu nhàu nát trong bọc ni lông ra ăn. Cái bánh rõ ràng đã bị tét ra và cắn mất mấy miếng.
Tôi dậy sớm, khi đó nhà vệ sinh không có nhiều người, cô ăn chưa được bao lâu thì vội vàng quấn bọc lại rồi vứt đi. Tôi dời ánh mắt về trước gương ngay, sợ cô biết có người nhìn cô. Khoảnh khắc đó, tôi xót thương vô cùng.
Sở dĩ tôi biết cô ăn đồ bỏ mứa của sinh viên như vậy, là vì tôi từng tận mắt chứng kiến nhiều lần.
Trong lúc tự học ở giảng đường, rất nhiều sinh viên ăn uống còn đồ thừa thì vứt luôn lên bàn hoặc trong ngăn bàn. Các cô lao công khoảng hơn chín giờ tối tới dọn dẹp giảng đường, người phụ trách lau sàn, người phụ trách lau bảng lau bàn, người còn lại cầm thùng rác đi từng bàn khom lưng xem có còn rác không.
Mỗi lần thấy hộp cơm còn dư lại chút đồ thừa, cô thường sẽ than với người khác mấy câu kiểu “hết ăn được nữa rồi.” Sau đó, thay vì bỏ vào sọt rác như bỏ giấy vụn, cô sẽ đem tới dãy bàn đầu, quay lưng lại ăn vài miếng, hoặc mang đi luôn.
Vì các bạn sinh viên ai nấy đều bấm điện thoại hoặc tự học, lao công tới trước mặt lau sàn chỉnh bàn ghế thường cũng không để ý tới, nên cô tưởng rằng sẽ không có ai thấy họ.
Còn có lần kia, tôi nổi hứng mua một bịch bánh xốp (hiệu Nghĩa Lợi, mấy tệ là mua được cả bịch to), nhưng ăn không được mấy cái. Lúc ấy tôi bỏ bịch bánh ở chỗ ngồi, nghĩ có thể để lại cho cô ăn một ít. Lát sau tôi ngồi tự học ở bàn ăn gần đấy (mới chớm hè nên chỉ có căn tin mở máy lạnh), thì thoáng thấy hai cô lao công ngồi đằng kia vui hớn hở vừa ăn bánh xốp vừa tám chuyện.
Tôi không biết mình nên vui hay là đau lòng, nhưng dẫu sao vẫn rất xót xa, xót hơn xát muối vào tim.
Tôi nhớ hồi xưa thầy từng bảo, đồ mình ăn không hết có thể cho bạn học ăn cùng. Tôi đem cho, có bạn còn chê cậu cho tớ đồ thừa à, có bạn hỏi có phải vì tôi không thích ăn nên mới cho không. Đôi lúc tôi cũng để ý, những món đồ ăn vặt mình chia cho bạn cùng phòng bị vứt luôn vào thùng rác. Không thích ăn thì cứ khỏi ăn, cứ vứt bỏ, đây là cách mà người hiện đại chúng ta được dạy.
Thế nên, bây giờ tôi hay viết một tờ giấy note lên những món quà vặt mình ăn không hết để lại cho các cô. Trên giấy ghi rõ một mình cháu ăn không nổi, chia các cô ăn, và cháu rất biết ơn các cô. Có lần tôi để hộp bánh sơn trà lên bàn trong phòng nghỉ các cô, khoảng nửa tiếng sau đến xem thì hộp bánh đã có người lấy đi, khi đó tôi vui hết biết. Các cô còn quý trọng thức ăn hơn cả chúng tôi.
Bây giờ, chỉ có những dịp trường tổ chức hoạt động chụp ảnh hoặc hoạt động nhân ái, các cô lao công mới được sinh viên chú ý đến. Thế nhưng, có bao nhiêu người trong chúng ta mới thực sự để ý đến họ lúc thường ngày?
Các cô lao công thực chất là tầng lớp thấp trong xã hội gần với chúng ta nhất, không biết những trường khác như thế nào, khi viết bài này tôi cũng hy vọng mọi người có thể tiết kiệm thức ăn, bình thường tan học tiện tay mang luôn rác đi, thấy họ đến bên mình quét dọn thì nói một lời cảm ơn (mỗi lần tôi cảm ơn, họ đều rất nhiệt tình đáp lại), gửi đến họ chút động lực ấm áp.