Tháng 9/1812, đã 10 tuần kể từ khi “Đội quân 20 thứ tiếng” của Hoàng đế Napoléon I (1769-1821) bắt đầu cuộc xâm lược Nga. Napoléon muốn một trận thắng chóng vánh và quyết định việc Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825) phải cầu hòa và chấp nhận mọi yêu cầu mà Pháp đưa ra. Nhưng tại Vitebsk và sau đó là Smolensk, quân đội Nga đã thoát khỏi nanh vuốt quân Pháp trong gang tấc. Thành phố Smolensk gần như bị phá hủy. Napoléon và đội quân của ông đã tiến vào rất sâu nước Nga, nhiều tuần trời hành quân khiến binh lực hao mòn bởi bệnh tật. Hiện tại, họ chỉ còn một nửa sức mạnh vốn có, và mùa đông đã bắt đầu cận kề.
Nhưng cuối cùng, cách Moscow 70 dặm về phía tây, Mikhail Illarionovich Kutuzov (1745-1813), Tổng chỉ huy quân đội Nga đã quyết định không rút lui nữa, họ sẽ chiến đấu, và địa điểm được chọn là gần làng Borodino. Napoléon sẽ có cơ hội cho một chiến thắng quyết định trước quân Nga, một chiến thắng mà ông đang tìm kiếm suốt từ đầu cuộc chiến.
Quân đội Nga, dưới sự chỉ huy của viên tướng già 67 tuổi, Kutuzov “độc nhãn” đã chiếm được một vị trí phòng thủ trên hai trục đường chính dẫn từ Smolensk đến Moscow. Tập đoàn quân số 1 của Barklay-de-Tolli (1761-1818) đặt ở cánh phải, nơi có sông Kalatsha che chắn trước mặt.
Tập đoàn quân số 2 của Hoàng tử Pyotr Bagration (1765-1812) ở cánh trái, nơi ít chướng ngại che chắn nhưng được gia cố thêm bằng ba công sự rất lớn, nơi người Pháp gọi là “The flèches”, ngoài ra còn có đồn Shevardino rất kiên cố.
Quân Nga của Kutuzov có khoảng 121.000 người và 680 khẩu pháo (con số còn đang tranh cãi). Ngày 5/9/1812, Napoléon bắt đầu tiến đến từ phía tây với 130.000 quân và 585 khẩu pháo.
Khi đến nơi, Napoléon thấy ngay đồn Shevardino cần được chiếm ngay để ông triển khai thêm quân cho trận đánh, vì vậy, Hoàng đế Pháp ra lệnh tấn công ngay lập tức. Sư đoàn 5 của Jean Dominique Compans (1769-1845) mau chóng tiến lên với sự yểm trợ của Quân đoàn Ba Lan số 5 của Hoàng tử Józef Antoni Poniatowski (1763-1813). Sau vài giờ giao tranh ác liệt, Shevardino đã đổi chủ nhiều lần. Đến tối, quân Nga rút đi, bỏ lại Shevardino. Quân Pháp thương vong 4000 người còn quân Nga là 6000 người.
Sau trận đánh, Napoléon nhận ra có rất ít tù binh Nga và đó là dấu hiệu cho thấy quân Nga sẽ quyết sống chết chiến đấu.
Cả hai bên đều cho quân nghỉ ngơi vào ngày hôm sau, chiến trường trở nên yên ắng. Tại doanh trại quân Pháp, Thống chế Louis Nicolas Davout (1770-1823), Thống chế xuất sắc nhất mà Napoléon đang có ở Borodino, đã đề xuất việc cho Quân đoàn 1 của ông tấn công mạnh xuống phía nam và chọc thủng phòng tuyến Nga ở đó. Tuy nhiên, nó khá mạo hiểm và vị Hoàng đế từ chối đề xuất này, thay vào đó, ông dự định đánh tổng lực lên toàn bộ hệ thống phòng thủ quân Nga.
Bình minh ngày 7/9/1812, các vị linh mục mang bức tranh Đức Mẹ Smolensk ra diễu hành trước quân Nga. Chỉ huy Kutuzov và các binh sĩ cùng quỳ xuống và cầu nguyện. Rất nhiều người trong số họ sẽ không thể sống đến lúc hoàng hôn.
6h sáng, trận chiến bắt đầu, các khẩu đội pháo binh Pháp nã đạn xối xả xuống vị trí quân Nga phòng thủ. Quân đoàn Ý số 4 của Phó vương Ý Eugène de Beauharnais (1781-1824) tiến vào làng Borodino thì bị bộ binh hạng nhẹ của Cận vệ Hoàng gia Nga chặn lại. Nhưng Eugène mau chóng dọn dẹp ngôi làng, ông cho quân vượt sông Kalatsha và tấn công Đại Đồn ở bên kia sông. Quân đoàn Ý số 4 tổn thất nặng, rút về Borodino, quân Nga không truy kích mà chỉ đốt bỏ cây cầu bắc qua Kalatsha. Thấy không sang sông được nữa, Eugène cho pháo bắn từ Borodino vào Đại Đồn.
Ở trung tâm, Quân đoàn 1 của Thống chế Davout tấn công vào Flèches với hòa lực vượt trội. Trong khi ở cánh phải quân Pháp, Hoàng tử Poniatowski được lệnh tấn công làng Utitsa. Nhưng Poniatowski tiến quân rất chậm cho phép chỉ huy Quân đoàn 3 Nga tại Ultitsa là Nikolay Alexeivich Tuchkov (1765-1812) gửi một sư đoàn lên Flèches để hỗ trợ phòng thủ trước Davout.
Kutuzov, tại trụ sở chính ở làng Gorki, tham gia rất ít vào trận chiến, ông chỉ ra các quyết định về chiến thuật cho hai cấp dưới của mình là Bagration và Barklay mà thôi. Hai người đã dành phần lớn mùa hè để tranh cãi nhau về các chiến lược đánh Pháp thì nay, tại chiến trường Borodino, mọi mâu thuẫn được gạt sang một bên. Hai viên tướng đều dốc lòng chiến đấu với quân Pháp.
Thấy cuộc tấn công chính của Pháp đang nhằm vào trung tâm quân Nga, Barklay lệnh cho Quân đoàn 2 của Karl Gustav von Baggovut (1761-1812) xuống phía nam tăng viện cho Bagration.
Trận đánh tại Flèches ngày càng ác liệt, quân Pháp đã chiếm được một trong ba công sự của Flèches nhưng bị đánh bật ra, Thống chế Davout bị thương, ngã khỏi ngựa nhưng kiên quyết ở lại chiến đấu với binh lính của mình. Quân đoàn Kỵ binh số 4 Nga phản công Davout thì Thống chế Joachim Murat (1767-1815) dẫn Quân đoàn Kỵ binh số 1 ra ứng cứu.
Ở phía sau, Quân đoàn 3 của Thống chế Michel Ney (1769-1815) cũng được tung vào để tấn công Flèches. Kỵ binh hạng nặng Nga đánh rất rát, kỵ binh của Murat yếu thế dần nhưng may mắn có bộ binh từ Vương quốc Württemberg triển khai đội hình hộp rỗng để che chắn cho Murat. Thống chế Murat trong bộ trang phục sặc sỡ nổi bật lên trong khối hộp rỗng. Quân Nga biết đến ông vì sự dũng cảm và giờ đây, kỵ binh Cossacks Nga thì rất muốn tìm cách bắt sống ông nếu có thể.
Ở phía nam, Poniatowski chiếm được Utitsa, quân Nga rút đi sau khi đã đốt cả ngôi làng. Vừa lúc, quân tiếp viện của tướng Baggovut đến và yểm trợ quân Nga rút lui.
10h sáng, Eugène lại cho quân đánh vào Đại Đồn, Sư đoàn 1 của Charles Antoine Morand (1771-1835) công chiếm thành công nhưng lại bị quân Nga phản công đánh lui. Chỉ huy pháo binh của Đại Đồn là Alexander Ivanovich Kutaisov (1784-1812) tử trận. Pháo binh Nga ở Đại Đồn sẽ chiến đấu mà không có chỉ huy cho đến cuối ngày.
Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra dữ dội ở Flèches. Quân Pháp tổ chức 6 đợt tấn công, với hơn 45.000 quân tham gia và hàng trăm khẩu pháo mỗi bên xả đạn mù trời làm chiến trường ngập trong xác chết và người bị thương. Đã hơn một lần bộ binh Pháp tràn vào công sự rồi bị bộ binh Nga đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê đẩy lui. Cùng lúc, Quân đoàn Westphalian của Jean-Andoche Junot (1771-1813) được lệnh vòng xuống phía Nam để bao vây Flèches.
Hoàng tử Bagration thân chinh cưỡi ngựa ra tuyến đầu để chỉ huy và khích lệ tinh thần binh sĩ. Trong lúc đó, một mảnh đạn bay tới găm vào chân Bagration. Bị thương nặng, ông được đưa về tuyến sau và không qua khỏi. Quân Nga dao động vì mất chỉ huy, quân Pháp thừa thắng chiếm Flèches.
Thấy thế trận đảo chiều, Murat tung sư đoàn dự bị của Louis Friant (1758-1829) vào trận địa và mở cuộc tấn công bằng kỵ binh Cuirassier. Lính phóng lựu Nga triển khai đội hình hộp rỗng để trống đỡ trong khi đội kỵ binh của Cận vệ Hoàng gia Nga lao vào trận hỗn chiến với Murat. Hai bên tổn thất nặng nề. Quân Nga núng thế và dần rút lui, Friant dẫn quân vào chiếm làng Semenovskaya. Trung tâm quân Nga dần vụn vỡ, gần như rơi vào hỗn loạn.
Tại Shevardino, trụ sở chính của Napoléon, vị Hoàng đế đang tỏ ra mất bình tĩnh và cáu kỉnh. Nhận được yêu cầu của người em vợ Murat đang ở Flèches rằng nên tung Đội Cận vệ Đế chế vào, Napoléon từ chối: “Nếu ngày mai có một trận đánh nữa, thì quân đội của ta ở đâu????”
Bên kia, Barklay chuyển quân từ cánh phải sang giúp trung tâm. Quân đoàn 4 của Alexander Ivanovich Ostermann-Tolstoy (1770-1857) được điều động đi. Lúc này, Napoléon mới dùng đến Cận vệ Đế chế, nhưng chỉ dùng đội Pháo binh của Jean-Barthélemot Sorbier (1762-1827), Sorbier cho quân nã đạn tới tấp vào quân Nga, đội hình của Ostermann-Tolstoy bị chưa cắt nhưng vẫn đứng vững.
Ở cánh phải quân Nga, chiến sự nhẹ nhàng hơn, thấy vậy, chỉ huy kỵ binh Cossacks Sông Don là Matvei Platov (1753-1818) dẫn quân đánh vào làng Borodino. Nhưng rơi vào vòng vây quân Pháp-Ý, quân của Platov hoảng loạn. Quân đoàn Kỵ binh số 3 của Emmanuel de Grouchy (1766-1847) ùa ra đánh giết. Platov vội rút lui.
15h, Napoléon mở cuộc tấn công tổng lực vào Đại Đồn. Pháo binh Nga nhả đạn dữ dội vào đội hình bộ binh Pháp. Nhưng kỵ binh Saxon vòng ra phía sau đánh úp, tiêu diệt các khẩu đội pháo đến người cuối cùng. Eugène cho bộ binh tràn vào Đại Đồn thì bị đội kỵ binh dự bị cuối cùng của Nga tấn công. Eugène cầu xin cha dượng Napoléon hãy tung toàn lực Đội Cận vệ Đế chế vào nhưng Napoléon vẫn từ chối: “Ta không thể hủy diệt Đội Cận vệ của mình!!!”
17h, hai bên đều đã quá rệu rã, chiến trường ngổn ngang xác chết và người bị thương. Một số tiểu đoàn chỉ còn một phần ba quân số. Kỵ binh không thể thúc ngựa thêm nữa. Pháo binh cũng dần hết đạn và cạn kiệt sức lực. Hoàng hôn đến gần, chiến trường cũng dần chìm vào tĩnh lặng. Hôm sau, khi biết tổn thất kinh hoàng của mình, Kutuzov cho quân rút lui.
Quân Nga tổn thất 44.000 người, trong khi của quân Pháp là 30.000 người, gồm 49 viên tướng, trong số này lại có 12 tướng chết. Borodino đã trở thành trận đánh đẫm máu nhất Chiến tranh Napoléon.
Kutuzov quyết định bỏ Moscow, ông cho quân đốt sạch thành phố trước khi rút đi. Ngày 15/9/1812, Napoléon vào Moscow và nhận về một đống hoang tàn. Cuộc chiến ở Nga vẫn chưa kết thúc.
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.
#Napoelon. #Borodino. #Moscow. #Kutuzov.
#Lịch_sử. #Phương_Tây.