Cảm thấy trống rỗng ư? Đừng cố lấp đầy khoảng trống

Cảm giác trống rỗng thường bị xem là một điều tiêu cực ở phương Tây. Chúng ta liên tục xao lãng bản thân để không phải đối diện với sự buồn chán. Nhưng đối với một số người, cảm giác trống rỗng không thể bị “tắt đi”. Bất kể họ có làm gì đi nữa, nó vẫn thống trị cuộc sống của họ.

Trong triết học phương Đông, cảm giác trống rỗng là một cột mốc tâm linh. Nó được xem là một phép lành, một cánh cửa dẫn tới sự tự do. Khi bạn cảm thấy trống rỗng, bạn trở nên dễ tiếp nhận hơn. Tôi biết là cảm giác đó không nhất thiết phải dễ chịu. Đừng lo, cảm giác trống rỗng không phải là đích đến cuối cùng đâu. Nó là công cụ để trưởng thành.

Cuộc đời của bạn bị chiếm lĩnh bởi những mong muốn và khẳng định vô thức. Khoảnh khắc bạn quyết định chịu trách nhiệm cho chúng là lúc bạn bắt đầu sống một cách có ý thức. Bước đi với tư cách là người lãnh đạo sự tồn tại của chính mình sẽ đem lại phần thưởng xứng đáng, nhưng cũng đầy thử thách.

Để không còn phải sống như nạn nhân của hoàn cảnh, bạn cần có sự độc lập; tự do. Và bạn sẽ không bao giờ tự do được, trừ phi bạn học được cách đối diện với cảm giác trống rỗng. Cảm giác trống rỗng ban đầu có thể sẽ khiến bạn khó chịu, nhưng nếu phát triển được mối quan hệ lành mạnh với nó thì cuộc đời bạn sẽ trở nên toàn vẹn hơn.

Trống rỗng là khoảng không sẽ xâm chiếm khi bạn không còn tìm cách làm xao lãng bản thân nữa. Nó là thứ mà bạn gặp phải khi thức dậy vào buổi sáng. Nó là thứ cuối cùng xảy ra trước khi bạn ngủ. Thường thì bạn không chú ý tới nó, nhưng nó luôn hiện diện phía sau. Đó là trạng thái căn bản mà bạn sẽ quay về khi không còn làm gì nữa. Khi sự trống rỗng lọt vào tầm mắt bạn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy trống trải. Và nếu bạn không thể đối diện với cảm giác trống rỗng này, cả cuộc đời bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong một thế giới khuyến khích sự năng động thì sự trống rỗng bị xem là lãng phí. Bạn càng làm được nhiều thứ thì càng cảm thấy tốt hơn. Mọi giây phút đều phải được tận dụng tối đa. Không còn khoảng trống nào cả. Trường học dạy bạn rằng nếu như không làm việc và không đạt được thành tựu gì thì bạn vô dụng.

Bằng cách lấp đầy thời gian với những trách nhiệm, hành động mang tính xây dựng và những điều xao lãng, chúng ta thường quên đi điều gì đằng sau chúng. Chúng ta đã khiến bản thân quen với việc chán ghét những khoảng trống chính giữa các hoạt động của ta. Trạng thái căn bản không hoạt động của chúng ta – khoảng trống – trở thành một thứ mà ta phải trốn chạy. Chúng ta cố gắng trốn chạy cảm giác trống rỗng bên trong. Có thể chúng ta sẽ học cách thiền, nhưng kể cả điều đó cũng có thể trở thành một hoạt động phải làm. Mười phút thiền được thêm vào lịch làm việc. Lại một mục nữa trong danh sách những việc cần làm.

Thói quen luôn luôn lấp đầy khoảng trống này khiến chúng ta bị phụ thuộc. Vì chúng ta không thể đối mặt với việc không vận động, chúng ta hạ tiêu chuẩn về những hành động và suy nghĩ mà mình chấp nhận xuống. Mọi thứ đều tốt hơn là không làm gì cả. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận những điều tầm thường. Ít nhất thì khi làm những điều tầm thường, chúng ta cũng không cảm thấy trống rỗng.

ĐI SIÊU THỊ TRONG TÂM TRẠNG TRỐNG RỖNG

Đã bao giờ đi siêu thị mua đồ khi đang đói chưa? Vậy chuyện gì đã xảy ra? Rốt cuộc bạn lại mua quá nhiều thứ vớ vẩn. Vì đói, bạn hạ thấp tiêu chuẩn xuống và mua những món ăn mà bình thường bạn sẽ không mua. Bạn trở thành nạn nhân của chính sự thiếu thoải mái của mình.

Còn những người luôn cố gắng tìm tình yêu bất kể thế nào thì sao? Họ hạ thấp tiêu chuẩn và cuối cùng lại yêu những người tồi tệ nhất. Họ chấp nhận những mối quan hệ không tốt bởi vì như thế vẫn tốt hơn là cảm thấy trống rỗng và cô đơn.

Cuộc sống của bạn bị thống trị bởi những điều tương tự như vậy. Mọi hành động bạn làm đều bắt nguồn từ khát khao thay đổi cảm giác hiện tại. Điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, khi bạn thấy không thoải mái với cảm giác trống rỗng, bạn sẽ liên tục hành động trong sự túng thiếu. Bạn sẽ sống như một con thú đang đói, liên tục tìm cách lấp đầy cái ly đang đầy-một-nửa của mình bằng những sự kiện bên ngoài. Những hành động của bạn đều là do phản ứng lại, và cả môi trường của bạn đều sẽ phản ánh điều đó.

Bạn có thể đảo ngược hoàn cảnh và sống trong một nền tảng của sự hài lòng và bình yên. Cảm giác trống rỗng có thể trở thành thứ khiến bạn sống được. Bạn có bao giờ tự hỏi cuộc sống sẽ thế nào nếu bạn thấy thoải mái với… sự trống rỗng không? Thử tưởng tượng xem mọi thứ sẽ đơn giản như thế nào. Không còn cần phải lấp đầy thời gian trống nữa. Không cần phải lo sợ việc chờ đợi ở bất cứ đâu nữa. Không còn phải sợ hãi việc ở một mình nữa.

Cuộc sống không chỉ gói gọn trong việc làm điều gì đó. Đừng che lấp nó nữa và hãy để nó tỏa sáng. Bạn sẽ thấy khoảng trống đó chính là cánh cửa dẫn tới cách suy nghĩ sáng tạo. Sự trống rỗng sẽ phá vỡ những rào cản trong tâm trí bạn. Hãy dùng cảm giác trống rỗng để giải phóng bản thân mình.

Cảm thấy trống rỗng bên trong cũng không sao cả. Đừng trốn chạy. Hãy rơi xuống tận đáy vực luôn đi.

Hãy xem thử bạn có thể trở nên trống rỗng đến thế nào.

Từ trang: http://www.updevelopment.org/feeling-empty/

_____________________

Vậy nói chung thông điệp ở đây là hãy cứ ở lại với tâm trạng trống rỗng (ví dụ như theo cách thiền) lâu hết mức bạn có thể và để yên cho nó đi qua bạn à?

Điều này nghe khá giống với những điều mà nhiều người theo đạo Phật thường nói, nhưng tôi không rõ phải áp dụng như thế nào.

Nếu ai có bí quyết gì thì tôi sẽ rất cảm kích : )

>u/[deleted]

Ừ, tôi hiểu ý ông, kiểu chúng ta cứ ngồi không và không làm gì hết theo đúng nghĩa đen và cứ chấp nhận điều đó à? Hay là chúng ta thiền?

>>u/[deleted]

“Bằng cách lấp đầy thời gian với những trách nhiệm, hành động mang tính xây dựng và những điều xao lãng, chúng ta thường quên đi điều gì đằng sau chúng. Chúng ta đã khiến bản thân quen với việc chán ghét những khoảng trống chính giữa các hoạt động của ta. Trạng thái căn bản không hoạt động của chúng ta – khoảng trống – trở thành một thứ mà ta phải trốn chạy. Chúng ta cố gắng trốn chạy cảm giác trống rỗng bên trong. Có thể chúng ta sẽ học cách thiền, nhưng kể cả điều đó cũng có thể trở thành một hoạt động phải làm. Mười phút thiền được thêm vào lịch làm việc. Lại một mục nữa trong danh sách những việc cần làm.

Thói quen luôn luôn lấp đầy khoảng trống này khiến chúng ta bị phụ thuộc. Vì chúng ta không thể đối mặt với việc không vận động, chúng ta hạ tiêu chuẩn về những hành động và suy nghĩ mà mình chấp nhận xuống. Mọi thứ đều tốt hơn là không làm gì cả. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận những điều tầm thường. Ít nhất thì khi làm những điều tầm thường, chúng ta cũng không cảm thấy trống rỗng.”

Có vẻ như đúng là bạn nên ngồi yên không làm gì cả cho tới khi bạn quen với việc không làm gì và luôn luôn cảm thấy trống rỗng.

_______________

Dịch bởi Julian Stella

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *