Có ai nghe tôi không?

Người ta nói Dolores O’Riordan biết hát còn trước khi biết nói. Là con út trong một gia đình có đến bảy người con, Dolores sớm nhận ra thói “trọng nam khinh nữ” trong gia đình. Cô từng tâm sự: “Tôi phải múa hát mới được người lớn vỗ tay, yêu thương. Còn lũ con trai thì cứ ngồi yên, chỉ việc làm con trai thôi là đã quá dễ thương”.

Nhưng có lẽ việc phải múa hát giúp vui trong nhà đã giúp Dolores tự khai phá khả năng bản thân từ bé. Cô viết nhạc khi mới 15 tuổi. Đến năm 19 tuổi, khi hay tin nhóm nhạc địa phương The Cranberry Saw Us đang cần ca sĩ, cô đã đến thử giọng trong bộ đồ bóng bó sát người và một cây đàn organ Casio đã cũ. Cô nói với ba người đàn ông trong nhóm (hai anh em chơi guitar Noel Hogan và Mike Hogan cùng tay trống Fergal Lawlor): “Nào các chàng trai, hãy cho tôi xem các anh có gì”. Họ lên nhạc và Dolores vừa đàn vừa hát ca khúc mà mình vừa sáng tác. 

Bài hát việt về một nụ hôn đầu, cuồng say và rực lửa, nhưng chàng trai đã bỏ rơi cô gái trong một quán bar. Cô gái ấy chính là Dolores. Và bài hát ấy tên là Linger. Để rồi Linger một sớm một chiều tạo chỗ đứng cho ban nhạc Ireland từ trong nước ra đến quốc tế. Lúc này đã là linh hồn của nhóm, Dolores đổi tên The Cranberry Saw Us thành The Cranberries. 

Và dù các thành viên trong nhóm đều chưa đến 20, họ vẫn kiếm được hợp đồng thu âm với một hãng đĩa lớn. “Everyone Else Is Doing It, So Why Can’t We?” mau chóng trình làng, khởi đầu cho một sự nghiệp rực rỡ với hơn 50 triệu đĩa được tiêu thụ trong hơn 10 năm sau đó. Chỉ mất có 5 năm sau khi Dolores vào nhóm, Rolling Stone đã gọi Cranberries là “nhóm nhạc Ireland lớn nhất kể từ sau U2”.

Nhưng thành công đến sớm cũng để lại hệ lụy cho Dolores O’Riordan, cô gái mong manh vẫn đang tìm cách vượt qua nhũng ám ảnh thời thơ ấu, khi bị người thân quen lạm dụng tình dục suốt từ năm tám đến mười hai tuổi. Trên Rolling Stone sau này, Dolores cho biết mãi đến khi đã sinh con, cô mới thực sự đoạn tuyệt được với những ám ảnh ấy.

Trong hơn một năm đầu sau khi gia nhâp Cranberries, Dolores thậm chí phải quay lưng về phía khán giả khi trình diễn, vì cô sợ đám đông nhìn thẳng vào mình. “Tôi yêu âm nhạc, nó là cứu cánh của tôi, nhưng tôi chưa thực sự sẵn sàng để trở thành một người nổi tiếng,” Dolores từng tâm sự vào năm 2012. “Tôi cũng quá ngây thơ trước sự vận hành của ngành công nghiệp giải trí. Tôi tin những ai sớm nổi tiếng khi còn trẻ đều phải chịu ít nhiều tổn thương. Bạn lớn lên và nhận ra mình chỉ có một mình, bạn đánh rơi nhiều thứ sau lưng và bất giác lại muốn quay lại ngày xưa để tìm”.

Nhưng khi đã cưỡi trên ngọn sóng, hoặc là tiếp tục thăng bằng, hoặc bị nó nuốt chửng. Thế là cô bé Dolores chỉ chằm chằm nhìn xuống giày mình năm nào thấy mình leo lên trang bìa của Rolling Stone, xuất hiện trên những talkshow, bị paparazzi săn đuổi, hát cho đức Giáo Hoàng và song ca cùng Luciano Pavarotti.

Thật may là cô vẫn còn có chỗ để trút những nỗi niềm trong những năm tháng ấy: những bài hát. Từ Linger đến Dreams và đặc biệt là Zombie, những ca khúc trở thành một cuốn nhật ký tuổi trẻ của Dolores, đầy tự sự, đầy phản kháng, đi vào quảng đại quần chúng nhưng vất cất giấu những bí mật riêng tư. 

Năm 1994, MV của Zombie trình làng bởi Samuel Bayer, người đạo diễn năm nào đã quay “Smells Like Teen Spirit” cho Nirvana. Và ông đã lấy mảng màu vàng ám ảnh của Nirvana tô lên Zombie. Ông sơn màu vàng ấy lên người Dolores và cho cô đứng trước một cây thập giá.

Khi âm nhạc không còn cứu chuộc bản thân trên cây thập gia đời, Kurt Cobain đã chủ động tìm đến cái chết. Với Dolores, việc không còn được sáng tác thường xuyên vì đã một chồng ba con, nhóm nhạc dần thoái trào và rã đám, đã tác động rất mạnh lên cuộc sống của cô, tất nhiên là theo hướng tiêu cực. Mấy năm gần đây, Cranberries tái hợp, nhưng những chuyến lưu diễn đã lên lịch liên tục bị hủy. Lý do họ đưa ra là Dolores bị đau lưng, nhưng người ta biết trong năm năm cuối đời, cô hết bị trầm cảm lại phải chiến đấu với chứng rối loạn lưỡng cực. 

Cuộc ly hôn với người chồng đã sống cùng hai mươi năm vào năm 2014 cũng là một đả kích khác. Cùng thời gian đó, cô bị truy cứu vì tấn công một người quen trên máy bay, bị tạm giam sau đó được chuyển vào bệnh viện để điều trị tâm lý torng ba tuần. Mới một năm trước đó, tờ Mirror khui thế nào mà cô thừa nhận đã có lúc muốn uống thuốc ngủ tự sát, nhưng vì thương con nên dừng lại.

Nhưng đến hôm 15/1 vừa qua, mọi thứ đã đi quá giới hạn với Dolores. Người phụ nữ từng đặt tên cho album solo đầu tiên của mình vào năm 2007 là “Are you listening” (Bạn có nghe tôi không? Có ai nghe tôi không?) có vẻ đã tuyệt vọng vì không còn ai nghe mình nữa. Cô đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 46, bỏ lại một sự nghiệp cực kỳ đáng nhớ. Người phụ nữ chưa bao giờ mưu cầu nổi tiếng ấy không biết mình đã tạo ra một ảnh hưởng lớn như thế nào đến các thế hệ phụ nữ trên thế giới. Nhiều người, trong đó có cả ở Việt Nam ta, sau khi nghe Dolores cất giọng ca phẫn nộ và ám ảnh trong Zombie đã cắt phăng mái tóc, vận những bộ đồ sát người, cầm micro lên và gằn thật mạnh chữ Zombie khi cover lại bài hát của thần tượng.

Sáng nay, mấy con gà điên bên hàng xóm cứ gáy. Một con gáy, một con gáy theo, rồi cả xóm cùng gáy. Người ta bảo gà tức nhau tiếng gáy, nên con này gáy thì con kia phải gáy to hơn. Nhưng mình nghe thì thấy chả phải như thế, có cảm giác như nó đang nói chuyện vậy.

Con gà 1: “Có ai nghe tao không?”

Con gà 2: “Tao nè. Mày phẻ hôn?”

Con gà 1: “Trưa này sếp tao đãi tiệc, có lẽ tao sắp hết phẻ”

Con gà 2: “Tao thương mày quá, hôm qua chủ tao mới xốp vợ tao, vài bữa nữa đám giỗ chắc sẽ tới tao”.

Con gà 1: “Vậy mày ráng gáy đi, để tụi tao biết mày vẫn sống”.

Ghê hôn? Từ Dolores chuyển sang con gà. Hay như con sói tru vậy. Một con sói tru, xong cả đám tru theo. Hay như một tiếng dế vang lên trong đêm, và những con dế khác sẽ kêu theo, chả mấy chốc sẽ tạo thành một dàn hợp xướng. Mình nghĩ con người cũng vậy. Họ nói gì đó đôi khi để trấn an người khác và trấn an mình là mình vẫn ổn. Khi họ không có nhu cầu phát ngôn nữa, hoặc họ biết phát ngôn chả ai nghe nữa. Họ sẽ chọn giải pháp của Dolores và Kurt Cobain.

Có lẽ hơn bốn mươi năm trên đời, Dolores chưa bao giờ vượt qua được những ám ảnh của quá khứ, những khó khăn và áp lực của việc phải nổi tiếng từ sớm. Cô hát thật nhiều, viết thật nhiều, nhưng có lẽ chưa ai thực sự “nghe” cô cả. 

Và những tâm sự ấy giờ đã theo cô xuống mộ, về cõi niết bàn. Biết đâu ở đó, cô sẽ nhìn thấy Kurt Cobain!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *