Nhân sự kiện tôi bị sốt cao nằm liệt 1 chỗ không phải cày cuốc, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình, nếu quay ngược lại thời gian, tôi sẽ làm gì!
Tôi hiện 28 tuổi, tài sản gần đạt mốc 1 triệu đô. Tôi tham gia kiếm tiền từ 10/2014, vậy là 7 năm rưỡi, cũng đúng ở thời điểm 20 tuổi. Tôi không có nhiều kinh nghiệm đầu tư, nhưng rất tự tin về kinh nghiệm nâng thu nhập và học làm sao cho nhanh nhất, tối ưu nhất trong cùng 1 khoảng thời gian – cũng là 2 bước chuẩn bị cơ bản để đầu tư thành công: vốn + tri thức.
Đây là những thứ tôi sẽ làm, không sắp xếp theo trình tự hay mức độ quan trọng:
1) Tìm những người thầy giỏi
Sau gần 8 năm nhìn lại tôi mới biết mình nên làm gì để tối ưu nhất (mà tôi biết hiện tại), nên nếu có 1 người có trình độ của Huy Trần năm 2022 dẫn dắt, Huy Trần năm 2014 chỉ mất tầm 3-4 năm để có 1 triệu đô, tránh được nhiều sai lầm, nhiều thời gian thử nghiệm ngu ngốc, và kiến thức + kinh nghiệm nhiều hơn bây giờ rất nhiều. Tạo đà tốt cho 30 năm tiếp theo.
Khoa học đã chứng minh cấu tạo bộ não người hiện đại chả khác gì với người tiền sử. Điều này có nghĩa là, người hiện đại thông minh hơn là vì được kế thừa tri thức của tiền nhân để lại, và xét trên những người có chức năng não bình thường như nhau, thì những người vượt trội trong xã hội này là do môi trường giáo dục (hoặc tự giáo dục) trong rất nhiều năm, từ lúc lọt lòng. Vì thế có thể nói rằng việc học hỏi là quan trọng nhất. Chúng ta không thể chọn hay thay đổi môi trường nơi chúng ta sinh ra, nhưng bằng sự cố gắng, chúng ta có thể lựa chọn môi trường mà chúng ta phát triển.
Những thứ mà chúng ta nghĩ là sáng tạo, hay thử nghiệm, khả năng cao, trên 90% là có người tìm ra hoặc đã thử nghiệm từ lâu lắm rồi. Chúng ta không cần phải mất thời gian nghiên cứu chế tạo ra 1 chiếc xe đạp, trong khi người ta đã phát minh ra tàu vũ trụ rồi. Chúng ta chỉ cần ra tiệm và mua 1 chiếc xe đạp thôi. Cũng như vậy, hầu hết thời gian, chúng ta chỉ cần học hỏi người đi trước là đủ để kiếm 100 tỷ trong vòng 20 năm, loại bỏ hầu hết thời gian trải nghiệm, thử nghiệm và sai lầm vô ích.
Những người thầy giỏi là nhất thiết phải có.
2. Xác định rõ mục tiêu, định hướng nó, lập chiến lược, thay đổi dần và liên tục theo đuổi mỗi ngày.
Công thức của hầu hết dân số Việt Nam đang theo đuổi là: đến trường, học những thứ trong trường, ra trường, cố gắng làm tốt, bò lên từ từ, dư tiền, học cách dùng tiền. Trong thời gian đó luôn thắc mắc không biết mình muốn cái gì.
Còn công thức của những người thành công là: xác định cái họ muốn, xác định thứ cần học, đi học, làm.
Nhưng người đang vất vả với cuộc sống này (theo góc nhìn cá nhân của tôi) học ĐỦ THỨ, nhưng không biết những thứ đó giúp ích được gì và như thế nào. Nhiều người tin rằng bác sĩ giàu, học bác sĩ trước, tính sau. Nhiều người nghe thời buổi này cần tiếng anh, nên học cho 7 thứ tiếng hầm bà lằng, cuối cùng kiếm tiền cũng không bằng ai. Những người làm tiền kém hiệu quả, họ làm thường không có 1 kế hoạch rõ ràng nào để đưa họ đến thành công, mọi thứ thường xuất phát từ cảm tính và sự bảo ban của gia đình, môi trường xung quanh (mà hầu hết họ nghèo). Nếu nghĩ theo hướng này, bạn có thể qua đại học hoặc không, không quan trọng. Những thứ hỗ trợ mục tiêu cuối mới quan trọng.
Nếu bạn không biết mình đang đi kiếm cái gì thì khả năng bạn không bao giờ tìm thấy nó. Đó là vì sao bạn cần 1 mục tiêu. Mục tiêu này sẽ thay đổi theo thời gian vì trình độ và tư duy của bạn không cố định mãi mãi, nó sẽ thay đổi, và mục tiêu sẽ thay đổi theo.
Ví dụ mục tiêu tuổi 19 của tôi là 10 triệu 1 tháng, nhưng khi bắt đầu vào làm thì tôi mới đặt mục tiêu 30 triệu, vì tháng đầu tiên đã 20 triệu rồi.
30 triệu là mục tiêu nhỏ. Mục tiêu lớn hơn là thu nhập thụ động 300 triệu 1 năm, sau khi đã trừ 300 triệu tái đầu tư, tôi sẽ cần thu nhập tầm 600 triệu 1 năm, vậy là tôi cần có 3 tỷ. Với thu nhập 30 triệu, tỷ lệ tiết kiệm 65%, lợi suất trung bình 20% (có thể nhiều hoặc ít hơn, nhưng như anh Tuấn nói, chúng cần 1 tầm nhìn để biết mình sẽ đi đâu. Những thứ mình nhìn thấy được là thứ mình có thể với tới được. Những thứ mình không thấy, khả năng rất cao mình không bao giờ có được. Những người chê bai lãi kép và 1 kế hoạch nghiêm túc, chúng ta sẽ bỏ qua họ) tôi sẽ cần khoảng 10 năm để đạt được mục tiêu này. Tôi hiểu rằng thu nhập càng cao tôi sẽ càng đạt được mục tiêu này nhanh hơn, vậy mục tiêu rất quan trọng và cấp bách hơn là nâng thu nhập. Tôi cũng hiểu rằng nếu thu nhập tôi 300 triệu 1 tháng, chi tiêu gấp đôi, thì thu nhập giữ lại sẽ là 93%, 1 tỷ lệ quá khác biệt.
Vì thế tôi sẽ cần những người thầy giỏi, leo lên top nghề và kiếm được thu nhập cao.
Sẽ có người bảo là ai cũng giỏi rồi ai dở. Câu trả lời là những người hỏi câu này! Trên 1 lớp học 30 người, kiểu gì cũng chỉ có tầm 6 người là thực sự hứng thú và đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Còn lại chả hứng thú, chả học và yếu kém.
Trong bất kì lĩnh vực gì, luôn có tầm 20% người học hỏi nghiên cứu nghiêm túc, và 80% còn lại tự mãn và hỏi những câu như “ai cũng giỏi thì ai dở”. Nếu bạn hiểu điều này, bạn đã sẵn sàng mở đầu ra và bước chân và nhóm 20% vượt trội đó.
Chốt lại, những thứ quan trọng nhất tôi cần làm thời gian này là nâng thu nhập cao nhất có thể, đồng thời dành vài tiếng mỗi tuần nghiên cứu về đầu tư, chuẩn bị cho đầu ra của thu nhập giữ lại được.
Hiện ở thời điểm tháng 2 năm 2020, thu nhập giữ lại của tôi khoảng 93% (tiêu xài 25 triệu), chưa kể thu nhập từ đầu tư.
3. Nâng thu nhập
Tôi mất 5 năm để học hỏi tư duy người thành công, và ở năm thứ năm thu nhập tôi tăng vọt từ 20 triệu – 400 triệu 1 tháng.
Để bạn nâng thu nhập trong bất kì ngành nghề gì, thì đây là 1 số điều nên làm
– Hỏi. Khi hỏi chúng ta sẽ tìm cách. Còn khi khẳng định chúng ta đã đóng não lại rồi.
Những câu hỏi tôi thường hỏi là:
+ mấy thằng giỏi nhất trong nghề nó nghĩ gì, làm gì, core – hay những điều quan trọng nhất cần học là gì.
+ Nếu tôi có kiếm được 100 triệu (hiện 30) thì tôi sẽ nghĩ và làm khác bây giờ thế nào.
– Quy thời gian ra tiền.
Tôi hiểu rằng nếu thằng đồng nghiệp tôi kiếm được 50 triệu 1 tháng, tôi kiếm được 30, nghĩa là mỗi tháng tôi quăng 20 triệu vô hình xuống sông. Điều đơn giản này, tôi nói đi nói lại nhiều năm nay, 7/7 người học trò của tôi không hiểu được. Nếu bạn hiểu được điều này: tiền vô hình, thu nhập của bạn sẽ tăng vọt.
Điều này cũng có nghĩa là, chỉ cần tôi cải thiện những điểm còn thiếu sót, tôi sẽ có thêm 20 triệu mỗi tháng, 240 triệu mỗi năm, và hàng chục tỷ sau 30 năm đầu tư. Tư duy kiểu này luôn thôi thúc tôi học hỏi để tháng sau giỏi hơn tháng trước.
4. Chuẩn bị cho sự nghiệp của tiền giữ lại.
Tháng 3 năm 2020 là cơ hội lớn với tất cả mọi người có sự chuẩn bị về vốn và tri thức. Rất nhiều công ty tốt được bán với pe bằng 3-4, đúng là 1 cơ hội ở trên trời rơi xuống. Tôi luôn tự trách mình vì đã không tận dụng hết cơ hội này. Vốn thì ít mà còn bị phân tán qua các kênh kém sinh lời khác, kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư thì cùi bắp. Mua bank pe 3 4 là đánh cược vào nền kinh tế Vn, nếu những ngân hàng này sập, khả năng vài chục triệu người dân chết đói, mà khả năng này cực khó để xảy ra. Khi đó tôi sợ không dám đầu tư lớn, mà mang 50% tiền cho vay lấy lãi 20%/ năm.
Khi chúng ta kiếm được 300 triệu 1 tháng, từ đó cho đến suốt cuộc đời, khả năng cao chung ta sẽ kiếm được mức đó.
Khi chúng ta chưa có khả năng làm ra tiền, chúng ta không thấy gì cả.
Điều này có nghĩa là, “khi bạn nhìn thấy cơ hội, bạn sẽ mãi mãi nhìn thấy chúng” (trích robert kyosaki). Khi bạn đủ trình độ cần thiết, cơ hội là có sẵn, tiền ra bao nhiêu thì cơ hội luôn có đủ để hấp thụ.
Kết luận, bạn phải chuẩn bị trước, đừng đợi có tiền mới học, sẽ không kịp. Nếu bạn không chuẩn bị, sẽ chả có cơ hội nào cả, vì bạn chẳng nhìn thấy gì cả.
Lời kết: Nếu bạn kiếm 20 triệu 1 ngày, mỗi tiếng của bạn trị giá 2 triệu, hãy sử chúng chúng sao cho tạo ra hiệu quả cao nhất. Những lời khuyên của mấy con hot girl tài chính như “nấu ăn ở nhà cho tiết kiệm”, đối với tôi là vô cùng xàm xí. Để chuẩn bị cho 1 buổi ăn tự nấu, tôi thiệt hại 2-4 triệu.
Cuộc sống này ngắn lắm. Nếu quay lại tuổi 20 và làm lại, tôi đã khác bây giờ rất nhiều.