THẢM SÁT HÀ MY: NHỮNG ĐAU ĐỚN ĐẾN TẬN TÂM CAN!

Theo tờ Kyunghyang Shinmun, một nhật báo lớn theo trường phái bảo thủ tại Hàn Quốc cho biết về cách thức mà những người lính Hàn Quốc tiến hành “các hoạt động bạo lực” lên những dân thường Việt Nam. Một ngày nọ, lính Hàn Quốc đột ngột tập hợp dân làng và tự dưng, một tên lính ném một quả mìn vào giữa đám người. Rất nhiều người thiệt mạng, có một số phụ nữ chấp nhận đưa tấm thân bỏng rát để che chở cho những người con. Có người phụ nữ bị mất đi phần cơ thể, họ cố ôm ấp những đứa con đang khóc toáng lên, người nào may mắn còn nguyên vẹn thì bị chúng cưỡng bức.

Một trường hợp khác, những người lính Hàn Quốc tràn vào một khu chợ và tàn sát hết người dân ở đó. Có người may mắn hơn, trở thành “trò chơi” của lũ lính, chúng trói và bắt những người này trở thành các mục tiêu tập bắn, ai may mắn sống thì sẽ được tha. Có trẻ em bị bắn đến trào cả ruột gan ra bên ngoài. Đứa trẻ ấy cố lết thân đi tìm người mẹ, nhưng người mẹ lại bị bắn chết cách đó khoảng 50m và thi thể của cô ấy không toàn vẹn. Thân thể bị tàn phá, người thân bị thảm sát, có nỗi đau nào hơn thế?

Ngày này ở 54 năm trước, 21/02/1968, khoảng 135 dân thường bao gồm người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật… bị Thủy quân lục chiến Rồng Xanh thảm sát, người ta gọi đây là thảm sát Hà My, diễn ra tại Hà My, Điện Bàn, Quảng Nam. Điều đáng nói là sau cuộc thảm sát, không có bất cứ một món vũ khí nào, không có một chiếc hầm nào, không có bất cứ một dấu hiệu nào của quân Giải phóng được tìm thấy.

“Họ chỉ nhắm đến dân thường. Vì dân thường không thể phản kháng được. Trong 135 người, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em… Tôi không hiểu tại sao họ có thể làm vậy? Những người dân đó không có vũ khí mà. Trẻ em đâu có tội tình gì” – Giáo sư Lee Jung-woo của ĐH Quốc Gia Kyungpook.

Giáo sư Lee Jung-woo là một trong những giáo sư uy tín nhất của ĐH Quốc Gia Kyungpook, ông từng miệt mài theo đuổi các nghiên cứu về những vụ thảm sát của lính Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó có thảm sát Hà My. Giáo sư Lee Jung-woo nhớ lại buổi diễn thuyết tại núi Odaesan, tỉnh Gangwon. Có cựu binh vì quá mặc cảm trước những tội ác thảm sát ở Việt Nam nên đã đi tu, ông vượt hàng trăm cây số xuất hiện tại buổi diễn thuyết, quỳ xuống và khóc trước những người Việt ở đó. Hình ảnh đó làm giáo sư nhớ lại Cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt đã quỳ xuống trước Đài tưởng niệm tội phạm diệt chủng Ba Lan.

Trước khi giáo sư đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã yêu cầu ông không được nói lời xin lỗi Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng “người Việt Nam rất tự hào về bản thân và không muốn nghe những lời như vậy”. Giáo sư Lee làm theo và trong suốt chuyến đi, ông không nói một lời “xin lỗi” nào cả.

“Rất lâu sau, tôi mới thấy đó là một sai lầm”. Đó có lẽ là một nguyên nhân của phong trào “Xin lỗi Việt Nam” ra đời, một phong trào khiến xã hội Hàn Quốc chia rẽ và có rất nhiều ý kiến trái chiều. “Chủ trương không cần xin lỗi của Bộ Ngoại giao rõ ràng là sai vì nó đi ngược lại lương tâm và công lý. Làm thế nào chúng ta có thể chỉ trích Nhật Bản mà không thừa nhận và xin lỗi về quá khứ của chính chúng ta? – Giáo sư Lee Jung-woo.

Từ năm 2022, mỗi năm, Quỹ hòa bình Hàn – Việt sẽ đại diện cho các tổ chức, cá nhân tại Hàn Quốc gửi hoa viếng đến 25 ngôi làng từng bị lính Hàn Quốc thảm sát. Trong đó có một số ngôi làng như Phong Nhất – Phong Nhị, Hà My, Bình Hòa, Bình An… Nhiều hoạt động từ hai phía nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh sẽ được thực hiện. Tội ác đã qua, những người còn lại vẫn đang hết mình bồi đắp những tổn thương trong quá khứ. Chiến tranh, ngoài sự hào hùng thì còn có những đau thương. Ngoài sự hy sinh anh dũng thì còn có những sự ra đi oan ức. Lịch sử mà chúng ta thường biết đôi khi không truyền tải hết những điều ấy, sách giáo khoa không ghi hết được, báo chí truyền hình ít đề cập đến… Có những nỗi đau mà chúng ta sẽ không nghĩ rằng chúng thực sự diễn ra. Có những nỗi đau vượt ngoài ranh giới mô tả của những dòng viết hoặc những thước phim. Chúng chỉ xuất hiện trong tâm trí, ký ức của những người còn sống, có thể là nạn nhân, có thể là những người gây ra tội ác.

Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai! Nhưng khép lại, chứ không được lãng quên.


May be an image of 1 person and text

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *