(Ngày 23/2 được coi là ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, xin phép được share lại bài viết của mình về môn nghệ thuật độc đáo này, từng đăng trên L’Officiel Vietnam năm 2020. Thời điểm đó, ca trù đang có những dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ với nhiều đêm diễn được tổ chức thường xuyên. Tiếc rằng do ảnh hưởng của Covid 19, hai năm sau, nhiều CLB ca trù được nhắc đến trong bài viết này gần như đã bặt tăm, không còn nhiều hoạt động)
Văn phòng ngoài Hà Nội của L’Officiel Vietnam nằm ngay sát phố Khâm Thiên từng là thủ phủ của hát ả đào một thời. Những năm 30, 40 của thế kỷ trước, nơi đây từng là trung tâm ăn chơi, hiện đại nhất Hà thành với những danh ca, danh cầm đệ nhất. 80 năm sau, tiếng sênh phách đã trở lại với phố Khâm Thiên, một tín hiệu mừng cho thấy một di sản văn hóa đang dần được hồi sinh.
Những đêm chủ nhật huyền diệu
Tám rưỡi tối, người phụ nữ nền nã trong chiếc áo dài lụa đen, tóc vấn chít khăn, cổ đeo kiềng bạc…bước ra trước quan khách, giới thiệu về nghệ thuật hát ả đào. Sau lưng nàng, là chiếc sập gụ đã trải sẵn chiếu hoa, trên đó, đào kép đã đợi sẵn. Người đào nương vẫn còn rất trẻ, mặc áo dài lụa trắng, đượm vẻ thanh tân, chân xếp bằng ngay ngắn, tay cầm bộ phách. Bên phải nàng, là kép đàn đang tranh thủ nắn nót lại dây tơ, bên trái là người quan viên đang ung dung bên chiếc trống chầu. Sau cùng là tấm mành vẽ cách điệu ba nhạc khí linh thiêng, làm nên linh hồn của bộ môn ca trù. Đó là chiếc đàn đáy, hay còn gọi là vô đề cầm, với phần cán rất dài; chiếc bàn phách và hai lá phách; chiếc trống chầu nhỏ gọn, khoan thai bên cạnh roi chầu.
“Tom! Tom! Chát!” – Ba tiếng trống đĩnh đạc vang lên, phát lệnh bắt đầu bài hát. Tiếng đàn đáy cất lên dìu dặt, nâng đỡ cho giọng đào nương trẻ, giọng vẫn chưa thực chín, nhưng rất trong và thanh, thổn thức điệu Gửi thư: “Thư tình, tình thư một bức – Nỗi ân ái thư tình một bức – Tâm sự này vằng vặc bóng trăng soi…”
Tiếp theo là điệu hát nói Hỏi gió của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu. Người hát là ca nương lúc đầu xuất hiện giới thiệu chương trình. Tiếng luyến láy ngân nga, tiếng ư hự như than van, nức nở, khi lại uy quyền, phóng khoáng…thể hiện một giọng ca “có nghề”. Tiếng đàn đáy sâu thẳm cùng tiếng trống như thúc dục, khuyến khích người ca nương cùng với lời thơ trác tuyệt của thi sĩ Tản Đà…càng khiến đêm trở nên huyền diệu.
Những nghệ sĩ trên là đào kép của CLB Ca Trù Phú Thị, được truyền nghề trực tiếp từ hai cố nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc. Khoảng hai tuần một lần, lại có một đêm ả đào như vậy tại phòng trà Cao Sơn, nằm tại tầng 2 của một biệt thự cổ ngay ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên.
Sênh phách một thời vang bóng
Ca trù hay còn gọi là Hát cô đầu, Hát Ả đào, Hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt nam. Tương truyền ca trù xuất hiện từ thế kỷ 11, thịnh vượng nhất là từ thế kỷ 15. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc nên rất được giới quý tộc và trí trức yêu thích. Chẳng thế mà từ thế kỷ 16, đã có chàng Trạng Nguyên Hoàng Nghĩa Phú viết bài thơ Dạ du phỏng đào nương bất ngộ (Đang đêm đi tìm cô đào mà không gặp). Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Trần Tế Xương…đều là những nho sĩ nổi tiếng rất mến mộ các cô đào.
Nhà văn Tô Hoài trong Chuyện cũ Hoài Nội cho rằng phố Hàng Giấy là phố ả đào cổ nhất của Hà Nội. Ngày xưa từng lưu truyền câu ca dao: “Trải qua Hàng Giấy dần dần/ Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa” khi nói về không khí sinh hoạt, biểu diễn hát ả đào sôi nổi của đất Kẻ Chợ xưa. Sang thế kỷ 20, các nhà hát ả đào dần chuyển về ấp Thái Hà, rồi chuyển sang đại bản doanh là phố Khâm Thiên. Trong một cuốn sách viết năm 1938, Đốc lý Hà Nội Virgitti khi nhận xét về Khâm Thiên là xóm ăn chơi nhất, có cho biết thêm “Trên một đoạn phố không đầy 800m mà có tới 40 nhà hát với trên 200 con hát, thêm 5 tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhảy và có hai nhà săm cho thuê buồng”. Theo ký giả Hồng Lam trên tờ Trung Bắc chủ nhật số 129, năm 1942 cho biết năm 1938, ngoại ô Hà Nội có 216 nhà hát và gần 2.000 cô đầu.
Vũ Bằng từng gọi phố cô đầu Khâm Thiên là “Cái nôi văn nghệ của Hà Nội” và khẳng định “chưa thấy nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”. Nguyễn Tuân vì hay nghe hát ả đào mà viết Chiếc lư đồng mắt cua hay Chùa Đàn tuyệt hay. TychiA viết Ai hát giữa rừng khuya với nhân vật chính là nàng Oanh Cơ, một đào hát tài hoa nhưng bất hạnh. Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, hay Lưu Trọng Lư…đều từng đi nghe hát ả đào và có những tác phẩm được truyền cảm hứng từ đây.
Ca trù những nốt thăng trầm
Số phận của ca trù cũng giống như một người đàn bà đẹp phải chịu nhiều truân chuyên bất hạnh. Ca trù từng phát triển rực rỡ qua nhiều thế kỷ nhưng sau Cách mạng tháng 8, ca trù được coi là tàn dư của chế độ cũ, bị xem là “trò chơi hư hỏng, trụy lạc” cần phải cấm đoán. Các ca nương bỏ hát, các kép nam bỏ đàn, long đong tứ tán khắp mọi miền. Mãi đến cuối thập niên 1990, ca trù mới được nhìn nhận lại, cho đó là di sản văn hóa dân tộc và được phép tự do trình diễn. Năm 2009, ca trù được đề cử là bộ môn Di sản thế giới UNESCO, từ đó mới được công nhận để nghiên cứu bảo tồn.
Bên cạnh CLB Phú Thị với các đêm ả đào Khâm Thiên tổ chức khá thường xuyên, ở Hà Nội phải kể đến CLB ca trù Lỗ Khê, giáo phường Ca trù Thăng Long, CLB ca trù thôn Chanh, CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Bích Câu Đạo quán…Tại Hà Tĩnh, Bắc Giang, cũng có nhiều CLB ca trù truyền dạy và đào tạo được một số ca nương, trống chầu, kép đàn có chuyên môn vững. Những tối cuối tuần thong thả, thay vì một buổi xem phim thường lệ, hãy ghé thử không gian kín đáo, ẩn mật của một phòng trà, nghe hát ả đào để chìm đắm vào một không gian nghệ thuật xưa cũ rất quý phái và muôn phần quyến rũ.
- Tranh minh họa của Bùi Trọng Dư