Tại sao sống một mình trong thời gian dài dễ gây ra những vấn đề tâm lý?

Cách nói này rất hoang đường. Sống một mình trong thời gian dài cùng lắm sẽ khiến năng lực xã giao của con người bị giảm xuống (muốn khôi phục lại cũng rất dễ), chứ không phải dễ gây ra những vấn đề tâm lý hơn khi sống bầy đàn. Nói về bản thân tôi, đã sống một mình hơn hai năm, ngày nào cũng đọc sách rèn luyện, trồng tre tưới hoa, tham thiền ngộ đạo, nhưng không hề cảm thấy mình có vấn đề gì về tâm lý. Thậm chí còn bình tĩnh và thanh thản hơn rất nhiều so với lúc hấp tấp vội vã giữa thế gian nhộn nhịp.

Nhưng vẫn thỉnh thoảng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ví dụ như khi xem tin tức, cảm thấy bây giờ phần lớn mọi người (người trong cộng đồng) đều tồn tại vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Có người hám lợi đen lòng, vì tiền và danh lợi mà bỏ qua tất cả; có người nham hiểm độc ác, nghĩ trăm phương ngàn kế chỉ để hại người khác; có người yêu chuộng hư vinh, nhờ có gương mặt đẹp mà bán rẻ cơ thể; có người đánh mất chính mình, cả ngày ngây ngô dại dột không biết làm gì…

Nếu căn cứ theo cách nói của tiêu đề, tôi cũng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận hoàn toàn ngược lại:

Sống bầy đàn trong thời gian dài dễ gây ra những vấn đề về tâm lý.

Không tin thì các vị sống bầy đàn có thể xem thử người bên cạnh mình, có mấy ai tinh thần hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh đâu?

Trên thực tế, nếu chúng ta nhìn bản chất thông qua vẻ ngoài, thì sẽ phát hiện mọi tội ác trong xã hội loài người đều do người sống bầy đàn tạo ra. Ví dụ những hành vi xấu xa như nham hiểm, độc ác, nịnh bợ, giả dối, lừa gạt, tổn thương, tàn sát… chỉ có người sống bầy đàn mới có thể gây ra. Một người sống một mình không có tội ác, bởi vì người đó sẽ không gây tổn thương cho bất kỳ ai.

Vì vậy, một người sống một mình, cho dù bạn không tán đồng hành vi của người đó, cũng không nên chỉ trích tâm lý của họ. Bởi vì, ít nhất người đó chỉ lo thân mình, ít nhất người đó cũng đáng tin cậy hơn người sống bầy đàn khi nói về việc người đó có gây tổn thương cho người khác hay không.

Nói xa hơn nữa, trong lịch sử, rất nhiều nhà triết học vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới như Trang Tử, Spinoza, Kant,… đều được coi là những người sống một mình, không tranh chấp với đời. Con người trong thời nay, ai dám nói phẩm chất đạo đức của mình cao hơn họ, tâm lý khỏe mạnh hơn họ?

Tóm lại, một người lựa chọn sống một mình chẳng qua chỉ là lựa chọn một cách sống khác với mọi người, là quyền tự do của họ, cũng không dính dáng gì đến vấn đề tâm lý. (Còn về những vấn đề tâm lý của người bị ép sống một mình thật ra là đã tồn tại từ trước khi sống một mình rồi, chẳng qua vì lúc sống một mình không khống chế nổi dục vọng của bản thân, nên phóng đại nó lên mà thôi). Trên thực tế, tâm hồn của người sống một mình, đặc biệt là tâm hồn của người không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài (ví dụ ẩn sĩ), người ngoài hoàn toàn không thể dò xét được, chỉ dựa vào kết luận chủ quan của bản thân để chỉ trích họ có vấn đề tâm lý thì quả thật cực kỳ ngu xuẩn.

Hoặc có thể nói thế này, những người suy bụng ta ra bụng người, tự cho mình là đúng, nhận định sai trái về người khác mới thật sự có vấn đề về tâm lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *