“Một đạo quân dũng cảm không ai sánh bằng, dẫn đầu các đạo quân La Mã về kỷ luật, năng lực, và kinh nghiệm chiến trường, do sự cẩu thả của vị tướng của họ, sự xảo trá của địch, và sự vô cảm của số mệnh bao quanh … Bị vây khốn trong rừng và các cuộc mai phục, nó gần như bị hủy diệt đến khi còn một người duy nhất do chính một kẻ thù mà nó thường chém giết như gia súc” – Marcus Velleius Paterculus
Vào mùa thu năm 6, một quan chức hành chính có kinh nghiệm thuộc dòng dõi quý tộc, có quan hệ mất thiết với Hoàng gia La Mã, được Hoàng đế Augustus giao nhiệm vụ củng cố các tỉnh mới tại vùng Germania. Người đó là Khâm sai Publius Quinctilius Varus. Có lẽ Varus được bổ nhiệm do ông là cháu rể của Augustus.
Vì tưởng lầm rằng vùng Germania đã hoàn toàn được bình định nên Augustus lệnh cho Varus khởi động chương trình La Mã hóa. Thế là người dân Germania phải sống dưới sự thống trị tàn bạo và hà khắc mà Varus áp đặt. Varus đặt ra những chính sách như tịch thu lương thực mùa đông của dân, làng nào không thần phục La Mã sẽ bị giết sạch.
Những hành động đó làm cho người dân các tính vùng Germania vừa khiếp sợ, lại vừa căm ghét, họ quy tụ lại trong một liên minh các bộ lạc người German dưới sự chỉ huy của tù trưởng Arminius nhằm chống lại ách đô hộ tàn bạo của La Mã.
Arminius là con trai của Segimerus “Người chinh phục”, ông đã bị cha mình giao nộp cho người La Mã cùng với em trai là Flavus “tóc vàng”, sau khi bộ tộc Kerusk của ông bị Drusus khuất phục trong các cuộc chiến vào năm 11-9 trước Công nguyên. Arminius làm con tin ở thành La Mã trong thời trai trẻ, được đào tạo về quân sự cũng như được nhập quốc tịch La Mã. Với tư cách này, ông ta đã đạt được cấp bậc Kị sĩ, cũng như chức vụ đội trưởng kỵ binh trong đạo quân của Varus.
Khi Arminius trở về Germania, ông được Varus tin tưởng phong làm quân sư cho mình, không biết rằng một liên minh chống La Mã đã được bí mật thành lập.
Trên đường di chuyển từ doanh trại mùa hè ở phía tây sông Weser đến nơi trú đông gần sông Rhine, Varus được biết tin về một cuộc nổi dậy địa phương, do Arminius bịa đặt.
Varus quyết định dập tắt cuộc nổi dậy này ngay lập tức, nhưng phải đi đường vòng qua vùng lãnh thổ không quen thuộc với những người La Mã. Để tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc phục kích quân La Mã, Arminius – lúc ấy đi cùng Varus – đã hướng dẫn Varus đi theo một tuyến đường do mình chọn.
Âm mưu này đã bị Segestes, một quý tộc người Kerusk thân La Mã, tố cáo với Varus vào đêm trước khi quân La Mã khởi hành, thậm chí Segestes gợi ý rằng Varus nên bắt Arminius cùng với một số tù trưởng German khác mà ông xác định là những người bí mật tham gia lên kế hoạch nổi dậy. Nhưng Varus bác bỏ, cho rằng những lời tố cáo đó phát xuất từ thù oán cá nhân. Sau đó Arminius tìm cớ rời đi, ông đến với đội quân của mình để chỉ huy họ trong trận đánh sắp đến.
Các lực lượng La Mã dưới quyền Varus – bao gồm ba binh đoàn 17, 18 và 19, sáu tiểu đoàn trợ chiến và ba đội kỵ binh – đã không hành quân theo đội hình chiến đấu mà đi xen kẽ với rất nhều những người dân đi theo quân đội.
Khi đoàn quân này tiến vào rừng Teutoburg được 15km, trên một con đường mòn hẹp và lầy lội, thì thảm họa ập tới, những mũi lao phóng tới tấp như mưa xuống đội hình hành quân dài lê thê. Các chiến binh German được trang bị với kiếm, giáo bao vây toàn bộ đoàn quân đội La Mã. Quân La Mã thực sự vô vọng, nhưng sau nhiều nỗ lực họ đã lập được một tuyến phòng thủ vào ban đêm. Sáng hôm sau họ đã phá vây và trốn thoát về khu vực đất hoang phía bắc Wiehen, gần thị trấn Ostercappeln ngày nay. Vụ phá vây cũng như nỗ lực chạy trốn bằng cách hành quân qua một khu vực rừng khác dưới những cơn mưa xối xả đã gây ra tổn thất nặng nề cho quân La Mã.
Không thể phòng thủ, cũng chẳng thể tấn công, tình trạng của quân La Mã thật là vô vọng, tia sáng hiếm hoi có thể giúp họ bây giờ chính là 1 pháo đài gần đó và bắt buộc phải hành quân trong đêm để tăng cơ hội sống sót, thế nhưng họ lại tiến vào một cái bẫy khác mà Arminius đã giăng ra, dưới chân đồi Kalkriese trên một khoảng trống khoảng 100 mét giữa rừng cây và vùng đầm lầy. Xa hơn về phía dưới chiến tuyến, quân German đã dựng một thành lũy ngoằn ngoèo dài 400 mét, với hàng rào chắn phía trước, chứng tỏ Arminius và bộ tham mưu đã lên kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận cho cuộc phục kích.
Người La Mã cố liều lĩnh xông vào thành lũy, nhưng không thành công, và sĩ quan cấp cao nhất bên cạnh Varus, Binh đoàn trưởng Numonius Vala, đã bỏ binh đoàn ở lại để cưỡi ngựa đào thoát cùng với kỵ binh. Tuy nhiên, ông đã bị kỵ binh Đức đuổi kịp và bị giết ngay sau đó. Các chiến binh Đức sau đó xông vào bãi đất trống và tàn sát các lực lượng La Mã đang tan rã. Quân La Mã chỉ có thể bị thảm sát chứ không thể nào áp dụng được chiến thuật của mình ở địa hình hiểm trở, theo sử gia Tacitus, một trong những lý do khiến quân Đức giành chiến thắng trong ngày này là do dây cung của người La Mã bị chùng vì ướt đẫm nước mưa và trở nên vô dụng. Trong hai ngày sau đó, quân German tiếp tục quét sạch tàn binh đối phương.
Tổng chỉ huy Publius Quinctilius Varus đã tự sát vì lo sợ bị quân German bắt sống. Một số viên tướng La Mã cũng noi theo Varus mà kết liễu mạng sống của mình. Velleius ghi lại rằng một viên chỉ huy La Mã là Giám binh Ceionius đã đầu hàng một cách đáng hổ thẹn và sau đó cũng tự sát, trong khi viên đồng cấp của ông ta, Eggius, đã anh dũng hy sinh khi dẫn dắt tàn quân của mình.
Sau khi trận đánh kết thúc, 3 binh đoàn lê dương bị xóa sổ hoàn toàn, người ta ước tính có hơn 2 vạn quân La Mã tử trận, chỉ có khoảng hơn 1000 người trốn thoát; nhiều tù binh La Mã bị người German mang đi cúng tế chư thần, một số bị bán làm nô lệ. Con số thương vong của các bộ tộc German không được ghi chép chính xác nhưng theo nhiều sử gia thì chúng không lớn bởi họ luôn giành quyền chủ động trong những lần giao tranh.
Thông tin về thảm bại kinh hoàng này nhanh chóng bay về La Mã. Bầu không khí hoảng hốt lan khắp thủ đô.
Thừa thắng, Arminius tung quân quét sạch tất cả các pháo đài, đồn trại và thành phố của La Mã phía đông sông Rhine; hai quân đoàn La Mã còn lại ở Germania, do cháu trai của Varus là Lucius Nonius Asprenas chỉ huy, cố gắng giữ phòng tuyến sông Rhine. Quân La Mã ở pháo đài Aliso đã chống đỡ liên minh Đức trong nhiều tuần, thậm chí có thể là vài tháng. Sau khi không thể chịu nỗi áp lực, quân đồn trú dưới quyền của Lucius Caedicius, cùng với những người sống sót trong Rừng Teutoburg, đã phá vỡ vòng vây và đến sông Rhine. Họ đã kháng cự đủ lâu để Lucius Nonius Asprenas củng cố tuyến phòng thủ La Mã trên sông Rhine với hai binh đoàn và chờ Tiberius đến với một đội quân mới, ngăn không cho Arminius băng qua sông Rhine và tràn vào vùng Gaul
Trận Rừng Teutoburg là thất bại nặng nề nhất của các chiến binh La Mã kể từ sau trận Carrhae hồi năm 53 trước CN và cũng là lần đầu tiên họ bị thua một “man tộc” trong một trận đánh lớn.
Theo sử gia Suetonius, khi nhận hung tin, hoàng đế Augustus bị sốc đến nối ông đập đầu vào tường và luôn miệng hét:
Quintili Vare, legiones redde! (Quintilius Varus, trả các binh đoàn lại cho ta!)
Suốt nhiều tháng, Augustus luôn ủ rũ, không cho bất cứ ai cắt tóc hay cạo râu của mình. Cũng từ đó, những con số 17, 18, 19 không bao giờ được dùng để đặt phiên hiệu cho các binh đoàn.
Trận chiến này mang tầm vóc vĩ đại, có tính quyết định trong lịch sử Châu Âu: nó giáng một đòn sấm sét vào kế hoạch chinh phạt miền Đại Germania của người La Mã, khiến họ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện thôn tính miền đất này nữa. Từ trận này, biên giới với đế chế La Mã và vùng Germania được xác lập ở sông Rhine.
Tinh thần yêu chuộng tự do của người tộc German cũng như là tài mưu lược của Arminius đã được thể hiện qua trận đánh này. Với thanh thế lừng lẫy sau khi đại phá 3 Binh đoàn La Mã, Arminius được nhân dân Đức về sau coi là vị anh hùng dân tộc vĩ đại của mình. Sau này, chiến thắng tại rừng Teutoburg có ảnh hưởng sâu đậm đến chủ nghĩa dân tộc Đức, được ca tụng qua nhiều thời đại, trong đó có thời của đảng QX.
The Battle That Stopped Rome: Emperor Augustus, Arminius, and the Slaughter of the Legions in the Teutoburg Forest, Wells, Peter S.