Chiều ngày 1/12/2021 tại con đường Nghệ thuật Phúc Tân, nhóm nghệ sĩ Phúc Tân (họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự) đã ra mắt tác phẩm “Con đường Chula” nhân 49 ngày mất của Diego Chula, để tưởng nhớ và tri ân người nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế đã có nhiều đóng góp cống hiến cho văn hóa sáng tạo của Hà Nội nói riêng lẫn Việt Nam nói chung trong suốt 20 năm qua.
Một tâm hồn bị lôi cuốn bởi văn hóa Việt
Diego Chula đến Việt Nam, hay Việt Nam gặp gỡ Diego Chula, như một cơ duyên tao ngộ. Ông cùng vợ từ Madrid, Tây Ban Nha sang Hà Nội, Việt Nam vào năm 2003 với mục đích ban đầu chỉ để thăm người quen, thế nhưng rồi, nét yêu kiều và diễm lệ của Hà Nội, sự độc đáo giàu bản sắc của văn hóa Việt đã lôi cuốn nhà thiết kế quyết định chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.
Điều này bởi lẽ, Hà Nội, với những di tích lịch sử cổ kính nhuốm màu thời gian, điểm xuyết phảng phất kiến trúc Pháp tuyệt đẹp hiện diện ở mọi ngóc ngách, khiến ai lại không muốn khám phá thành phố giàu văn hóa, nghệ thuật và lịch sử này? Còn văn hóa Việt Nam, tựa như một giao điểm thú vị của sự tiếp biến văn hóa Đông – Tây, một mặt bảo lưu những giá trị truyền thống Á Đông, nhưng một mặt tiếp thu tích cực những thành tựu văn hóa Tây phương hiện đại.
Thế nên, những người nước ngoài làm nghệ thuật ở Việt Nam, luôn khởi lên trong họ một mỹ cảm song trùng. Một mặt, họ tò mò trước sự mời gọi của những nét đẹp văn hóa nước sở tại, một mặt, họ dễ dàng tìm thấy sự cộng cảm và đón nhận của người Việt khi đưa một cái nhìn khác để diễn giải nghệ thuật Việt. Và thế là, rất nhiều “ông Tây” đã trở thành một người Việt trong tim tự lúc nào. Diego là một người như vậy.
Diego – người sáng tạo/kiến tạo
Phải lòng với Việt Nam, và với tư cách là một nhà thiết kế thời trang, Diego tất yếu phải lòng với những chất liệu truyền thống Việt. Tơ tằm, thổ cẩm, những chất liệu là giá trị đã được kết tinh của tinh hoa thủ công truyền thống, và là biểu kiến vật chất đặc trưng nhất của văn hóa tộc người, là những chất liệu Diego tìm đến và say mê.
Còn ngôn ngữ thể hiện trong những tác phẩm của Diego, là những chi tiết “đời thường” nhất, tưởng như là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Việt – gạch bông, ô cửa chớp, biến số nhà, lồng chim, ấm đun phích nước quán trà vỉa hè… cho đến những diện mạo kiến trúc lớn, như phố cổ Hà Nội với đường dây điện chằng chịt vắt qua, cột cờ Hà Nội, Khuê Văn Các hay cầu Long Biên.
Những mảnh ghép Hà Nội đã được Diego “gói ghém” lại trong các sản phẩm thời trang, vừa để lưu trữ gìn giữ, vừa để cho thấy một “cách diễn giải khác” của ông về truyền thống, hay là sự phát ngôn cá tính và tư duy thiết kế trong sáng tạo nghệ thuật của riêng mình. Với tư cách một “người Việt ở trong tim,” Diego đã đưa hình ảnh áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, để giới thiệu chất liệu và họa tiết mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt đến với thế giới.
Không chỉ đơn thuần là một người sáng tạo, mà Diego còn là một người tham gia kiến tạo nên không gian văn hóa sáng tạo của Hà Nội, một phần của cộng đồng sáng tạo nghệ thuật Việt. Đã từ lâu, studio Chula của Diego ở Nhật Chiêu trở thành một điểm đến quen thuộc với giới nghệ sĩ lẫn công chúng yêu thích nghệ thuật, với những buổi trình diễn thời trang, âm nhạc, đọc thơ đa dạng chủ đề từ truyền thống đến hiện đại được tổ chức thường xuyên.
Rất nhiều nghệ sĩ trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau thời trang, âm nhạc, hội họa đã được Diego giúp đỡ và truyền cảm hứng thông qua các hoạt động tổ chức của mình. Mặt khác, ông còn mang lại sinh kế cho nhiều mảnh đời khó khăn, khuyết tật, tạo điều kiện cho họ tham gia cộng tác vào quá trình sản xuất sản phẩm.
Không những vậy, Diego còn là một thành viên tham gia tích cực trong các dự án nghệ thuật công cộng/cộng đồng tại Hà Nội, đưa nghệ thuật đến gần gũi hơn với đại chúng. Điển hình nhất trong số đó là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), khi Diego là một trong 16 nghệ sĩ kể câu chuyện nghệ thuật của riêng mình về Hà Nội trên bức tường dài 500m từ chân cầu Long Biên.
Tác phẩm của Diego trong dự án này, mang tên “Rồng của dòng sông” (The Red River’s Dragon), là tổ hợp sắp đặt giữa những chiếc bu gà ở chợ Long Biên được sơn nhiều màu sắc để tạo thành những chiếc lồng đèn chiếu sáng lên hình vẽ rồng trên tường, với hậu cảnh là cầu Long Biên được xếp từ những mảnh gương vỡ. Dự án đã góp phần cải tạo cảnh quan và chuyến biến ngoạn mục diện mạo một con phố Hà Nội bị khuất lấp, đồng thời tái hiện lại văn hóa đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ một thời.
Có một con phố mang tên Chula…
Diego qua đời đột ngột vào tháng 10/2021 khi vẫn còn đang dang dở thiết kế bộ sưu tập về thổ cẩm cho chương trình “Ngày quốc gia Việt Nam” 30/12/2021 tại Hội chợ triển lãm Expo 2020 ở Dubai. Và để tri ân những gì Diego đã cống hiến cho đóng góp cho Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân nói riêng, và không gian sáng tạo văn hóa Hà Nội nói chung, nhóm nghệ sĩ Phúc Tân đã ra mắt tác phẩm “Con đường Chula” vào chiều ngày 1/12/2021 tại con đường Nghệ thuật Phúc Tân.
Tác phẩm được thực hiện trên chất liệu sắt cắt CNC sơn màu, inox gương, thực chất, là một sự mở rộng đặc biệt của dự án nghệ thuật Qua phố nhớ gì đã được họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng nhóm cộng sự trình làng trước đó vào năm 2010. 36 biểu tượng biển phố trước đó, là 36 dấu mốc ký ức về 36 phố phường Hà Nội, di dưỡng, phục hồi và ghi giữ bất tử hình ảnh Hà Nội xưa, với những phố nghề như Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Cân, Hàng Hòm…
Và con phố tượng trưng “thứ 37,” cũng là con phố đặc biệt nhất, nhằm lưu lại ký ức về một người bạn, một người nghệ sĩ, một người Tây nhưng mang trái tim Việt Nam, như trong thông báo nghệ thuật của mình, nhóm nghệ sĩ Phúc Tân đã viết: “Tác phẩm ‘Con đường Chula’ có hình thái của 1 tấm biển chỉ đường, một tấm biển chỉ dấu văn hóa, tri ân một con người có tâm hồn nghệ sỹ đầy nhân văn, luôn nặng lòng và trân quý những giá trị văn hóa bản địa và con người Hà Nội. Ngày hôm đó chúng ta sẽ có thể trở thành những Diego viết tiếp những giá trị Chula.”
“Con đường Chula” sẽ luôn ở đấy, để chúng ta qua phố và nhớ về Diego Chula. Hãy nhớ một Diego rong đuổi lãng đãng ngắm nhìn chợ búa, phố phường Hà Nội. Hãy nhớ một Diego yêu nhạc Trịnh, cầm chiếc đàn du ca. Hãy nhớ đến một Diego cần mẫn lao động sáng tạo và luôn chân tình truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
Chào nhé, Diego!
「Nhà thiết kế Diego Chula (1972 – 2021)
• Tên thật là Diego Del Valle Cortizas, sinh ngày 16/9/1972 tại Madrid, Tây Ban Nha.
• Năm 2004 cùng vợ sang Việt Nam và quyết định ở lại định cư, ban đầu kinh doanh nội thất rồi chuyển sang thiết kế thời trang.
• Các bộ sưu tập của Diego thường xuyên được giới thiệu ở Tuần lễ thời trang Việt Nam từ đầu những năm 2010.
• Tổ chức show thời trang mini trên du thuyền giữa vịnh Hạ Long năm 2015.
• Giới thiệu bộ sưu tập tưởng nhớ David Bowie năm 2016.
• Tổ chức show thời trang thổ cẩm có chủ đề Hương rừng sắc núi trong khuôn khổ của Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam tại Đăk Nông, tháng 11/2020 .
• Là 1 trong 16 tác giả tham gia dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 của báo Thể thao và Văn hóa.」