“Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền”

” Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền.”

Đây là câu khuyên nhủ trực tiếp, mặt đối mặt cuối cùng của Gia Cát Lượng đối với Quan Vũ về cách giữ Kinh Châu trước khi ông rời nơi đây tiến quân vào Bội Quan trợ giúp cho Lưu Bị đang bị nguy khốn ở đây sau sự kiện quân sư Bàng Thống bị Trương Nhiệm dùng kế mai phục dính loạn tiễn mà chết trong chiến dịch chinh phạt Tây Thục.

1) Vì sao Kinh Châu lại là mục tiêu chính của cả 3 nhà Ngụy, Thục, Ngô mà không phải nơi nào khác?

– Xét về vị trí địa lí, chúng ta có thể nhận ra Kinh Châu nằm ngay giữa thiên hạ và gồm cả 1 phần sông Trường Giang lúc bấy giờ. Nhiêu đó đã khiến Kinh Châu trở thành vị trí hiểm trở đối với những lực lượng muốn tiến công vào thành trì này. Ở một nơi trọng điểm như vậy, có rất nhiều lợi thế về quân sự lẫn chính trị cho bên nắm giữ được Kinh Châu nói riêng và cả 9 quận Kinh, Tương nói chung. Cơ bản là nơi đây giàu tài nguyên, nhân tài gồm đủ, quân lực cũng không kém cạnh gì những nơi khác, theo tướng Vương Tiễn nhà Tần ngày xưa:” Đất Kinh Sở, thời chiến có thể huy động đến trăm vạn, nên dùng 20 vạn quân chinh phạt Sở là không đủ.”

– Lợi ích đối với nhà Ngụy, sau khi Lưu Tôn dâng thành đầu hàng thì Tào Tháo đã tận dụng triệt để vị trí ưu việt cũng như mặt quân sự( thủy quân) của Kinh Châu khi dùng nó làm bàn đạp tiến quân theo đường thủy lẫn bộ đánh Tôn Quyền ở trận chiến nổi tiếng trong Tam Quốc, sau này dẫn đến hình thành thế chân vạc là Xích Bích.

– Còn với nhà Ngô nó có lợi ích gì? Như đã nói ở trên, khu vực Kinh Châu có một vị trí gồm thâu cả 1 phần sông Trường Giang khiến cho hàng phòng thủ đường thủy của Đông Ngô đã mạnh nay lại càng mạnh hơn, toàn vẹn hơn nữa, nhất là khi Đông Ngô lại thạo nghề đánh thủy nên đây là một lợi thế chiến lược mà chỉ riêng Đông Ngô mới được hưởng một cách trọn vẹn lợi ích của con sông Trường Giang như vậy.

– Riêng Lưu Bị, thì Kinh Châu có vẻ như chỉ là một vùng đất tạm trú, kéo dài thời gian mở rộng lãnh thổ về phía tây là đất Hán Trung với Tây Thục hơn là tận dụng 1 cách tối đa lợi ích của nó. Bởi lẽ, sau khi trận Xích Bích diễn ra với bên thắng lợi là liên minh Tôn – Lưu thì mặc dù, Lưu Bị đã có cả vài khu vực trong quận Kinh, Tương là trọng điểm như Linh Lăng, Vũ Lăng, Quế Dương, Tràng Sa, nhưng vẫn còn Tôn Quyền ở phía đông hăm he lấy lại, Tào Tháo ở phía bắc đe dọa phục thù, đa số thuộc hạ của Lưu Chương ở phía tây luôn luôn coi Lưu Bị là kẻ thù,… Thì chuyện muốn giữ đất, yên phận ở Kinh Châu này không phải dễ. Do đó, Bàng Thống và Gia Cát Lượng mới khuyên Lưu Bị đem quân đánh vào Tây Thục để giải tỏa thế kiềm nén này.

2) Tại sao lại phải hòa Tôn Quyền cự Tào Tháo mà không phải hòa Tào Tháo, cự Tôn Quyền?

– Nghe hết câu, chúng ta có thể liên tưởng tới thuyết “liên minh tương trợ” nổi tiếng thời Chiến Quốc của Tô Tần. Chủ trương của ông là các nước yếu liên kết với nhau chống lại nước mạnh. Tại sao lại phải liên kết với nước yếu? Vì những nước yếu, họ luôn đặt lợi ích chung lên đầu khi gặp hoạn nạn hơn là lợi ích riêng của nước mạnh. Bởi lẽ, những nước mạnh thì luôn dùng sức mà đè ép các nước yếu để đạt được mục đích riêng. Bây giờ, quay lại về câu nói trên, xét thời thế ngày ấy, tuy chỉ có 3 nước lớn là Ngụy, Thục, Ngô, mà liên minh Tôn – Lưu còn kém hơn liên minh tương trợ của Tô Tần tới 4 nước thế mà vẫn còn rục rịch nội bộ khi thời bình đối với cả 2 nhà.

-Khi nhìn vào cục diện, chúng ta có thể thấy Ngụy là nước mạnh nhất, nắm giữ thiên tử điều khiển thiên hạ, ngược lại, 2 thế lực Tôn Quyền và Lưu Bị có phần yếu thế hơn Ngụy khi tách ra hơn là hợp vào. Giả sử, thời đấy, Quan Vũ liên kết Tào Tháo đánh Tôn Quyền thì dẫu nhà Ngô mất thì theo thời gian, Thục cũng không đứng vững một mình được, bằng không diệt được, sẽ gây oán với Ngô và khiến Tôn Quyền thân Tào Tháo hơn thì sẽ tự đẩy Kinh Châu vào thế nguy nan, nhất là khi Tào Tháo vừa nham hiểm, mưu trí lại có nhiều quỷ kế xảo quyệt khiến ai cũng khiếp sợ.

– Nếu Quan Vũ hòa với Tôn Quyền qua việc cầu hôn của Đông Ngô cũng như nhớ lại lời khuyên của Gia Cát Lượng trước khi rời đi về việc cùng chống Tào Tháo thì những quận Kinh, Tương mà Quan Vũ trấn thủ có thể vững như bàn thạch vì liên minh Tôn – Lưu vốn đã đem lại nhiều thành quả to lớn từ trước có thể che lấp đi những bất đồng sau này giữa 2 nhà mà cùng chung chí hướng diệt Tào. Nhưng chuyện người xưa làm thì người thời nay rất khó để giải thích chắc chắn hay phỏng đoán bất cứ điều gì. Do vậy, những điều này cũng chỉ là phỏng đoán thôi chứ không thể dám chắc đúng hết 100% được.

3) Hậu quả.

– Sau sự việc Quan Vũ từ hôn Đông Ngô một cách mạnh mẽ khi nói:” Con gái ta dòng hổ lại thèm đi gả cho loài chó à!” với Gia Cát Cẩn. Khi nghe câu đó, Tôn Quyền đã quay sang bắt tay với Tào Tháo cùng chinh phục những quận Kinh, Tương còn sót lại của Thục với điều kiện đất Kinh Châu thuộc Tôn Quyền kiểm soát. Sau những thắng lợi không đáng kể về việc chiếm Phàn Thành, lấy Tương Dương, bắt Bàng Đức, thì chính sự tấn công ồ ạt của Tào Tháo cũng như sự phản bội bất ngờ của Tôn Quyền ở cả 2 mặt Bắc, Đông đã khiến Quan Vũ không kịp trở bàn tay và đã bị Tôn Quyền bắt và xử trảm cùng các tướng cũng như con nuôi Quan Bình của ông. Cũng như những quận Kinh, Tương trọng điểm, cực quan trọng khi trước vì 1 trận mà có cả thì nay cũng vì 1 trận mà mất trắng cả. Mất khu vực Kinh Châu đã gây một thiệt thòi lớn cho Thục dù đã có Đông Xuyên nói chung và đánh mạnh vào tâm lí Lưu Bị nói riêng và rồi dẫn đến sự mất mát liên tiếp sau này của nhà Thục.

4) Nguyên nhân dẫn đến mất 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Tràng Sa, Vũ Lăng.

– Sau khi phân tích kĩ lưỡng, lỗi mất Kinh Châu của Quan Vũ không hoàn toàn quy về ông nhưng vì quá nghĩa khí của đại trượng phu, tính kiêu ngạo, tự cao tự đại mà con người ai cũng gặp phải nên ông đã trót quên đi lời dặn dò mấu chốt của Gia Cát Lượng về việc giữ Kinh Châu này.

– Do sự tấn công bất ngờ của Tôn Quyền không kịp báo trước của các hỏa đài trong lúc Quan Vũ đang đánh nhau với quân Ngụy ở Phàn Thành và Tương Dương đã khiến ông không kịp đề phòng sự phản trắc đột ngột đó.

– Mạnh Đạt, Lưu Phong không cùng đồng tâm hiệp lực phát binh đi cứu Quan Vũ dù đang ở vị trí khá gần so với Kinh Châu cũng như quân lực trong tay hai người gồm đủ hơn 10 vạn có khi đánh chiếm lại được một số vùng đã mất.

5) Truyền thuyết

Tương truyền sau khi bị Tôn Quyền xử trảm, hồn phách Quan Vũ chưa tan nên hay quây quẩn đây đó. Một hôm, có 1 nhà sư ngồi gõ mõ trong chùa, Quan Vũ hiện đến và nói:” Mau trả đầu ta đây.”, nhà sư giật mình liền gõ nhẹ ở khung cửa và nói:” Vân Trường ở đâu?” Tức thì Quan Vũ hiện ra cùng với Quan Bình, Châu Sương trước mặt ông, Quan Vũ hỏi:” Nơi đây là nơi nào, sư cụ cho tôi xin được biết pháp hiệu?” Nhà sư trả lời:” Lão tăng tên là Phổ Tĩnh, khi ở trong chùa Trấn Quốc, cạnh cửa ải Dĩ Thuỷ, đã được gặp quân hầu, nay quên mất rồi ư?” Quan Vũ nhớ ra và nói:”Trước kia nhờ sức cứu cho, tôi vẫn ghi dạ không dám quên, nay tôi đã gặp nạn chết rồi, xin cầu lời thanh hối, chỉ điểm đường mê muội cho tôi.” Phổ Tĩnh tiếp lời:”Xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn, nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế. Nay tướng quân bị Lã Mông làm hại, kêu lên rằng: “Đem trả đầu cho ta đây!” Thế thì đầu Nhan Lương, Văn Sú, cùng những đầu sáu tướng ở năm cửa ải, và bao nhiêu đầu nữa thì đòi vào đâu?” Quan Vũ chợt nhớ ra liền cáo từ, tạ lỗi rồi đi. Từ đó ông hay hiển thánh giúp dân tại núi Ngọc Toàn.

6) Người sau có thơ khen rằng:

Cuối Hán ai là giỏi?

Vân Trường mấy kẻ tày!

Thần oai, võ đã mạnh.

Nho nhã, văn cũng hay.

Lòng ngay tỏ như kính,

Khí nghĩa cao ngất mây.

Nghìn thu danh tiếng để

Không những nhất đời nay!

7) Kết

– Tuy chỉ là một câu nói gồm 8 chữ ấy vậy mà còn tầm ảnh hưởng đến thời khắc quan trọng sau này. Thế mới biết dưới trướng Lưu Bị toàn người tài cả, nào là Ngũ Hổ Tướng Quân, Phục Long – Phượng Sồ,… dẫu thế mà vẫn thất bại thì mới biết ý trời như vậy thì không ai thoát được.

– Lại nhìn về đời Tần Thủy Hoàng nằm mộng thấy vầng thái dương và 2 cậu bé áo xanh và áo đỏ đang giành giật nó, lúc sau cậu áo đỏ đạp chết cậu áo xanh và lấy vầng thái dương. Tần Thủy Hoàng hỏi:” Ngươi là ai? Hãy để vầng thái dương lại cho ta.” Cậu trả lời:” Ta là dòng dõi Nghiêu Thuấn quê ở Phong Bái vì dân dấy nghĩa, thượng đế đã cho ta hưởng lịch số 400 năm rồi.” Ấy mới biết, nhà Hán cũng chỉ tồn tại trên dưới 400 năm gồm cả Tây Hán và Đông Hán vì lẽ ấy chăng?

– Cuối cùng, cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng để lại nhận xét bên dưới, mọi sai sót mình xin tiếp thu và nếu có thảo luận xin dùng ngôn từ nhẹ nhàng cho hợp tình huống. Thân.

– Những dẫn chứng, luận điểm trên mình đã lược bỏ những yếu tố hảo huyền khi không nhắc về số lượng, tổn thất, chỉ nhắc đến hậu quả đã xảy ra, có sách sử ghi chép rồi.

Nguồn tham khảo:
+ Tam Quốc Diễn Nghĩa Quyển 2( tác giả là La Quán Trung- Bản dịch do cụ Phan Kế Bính)
+ Toàn bộ bài viết do mình đọc sách cũng như tiếp thu từ những bài trước, tự phân tích và viết nên các lí lẽ.
+ Bản đồ thời Tam Quốc( ảnh tự chụp nên hơi mờ do bản đồ quá lớn mong các độc giả thông cảm).





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *