Tâm sự của 1 thầy giáo có con trai bằng tuổi với sinh viên mất tích và công an kết luận là tự tử:
Khi chuyện thằng bé mất tích xuất hiện, mình cảm thấy có chút gì đó ngờ ngợ.
Rồi chiều nay đọc tin về cuộc họp báo của công an.
Thằng bé đã tự kết thúc cuộc đời của nó, ở một nơi thật xa gia đình, dưới dòng nước lạnh lẽo, chiếc balo với tảng bê tông 10kg. Nó đã chuẩn bị kỹ, và nó đã không cho nó một cơ hội nghĩ lại.
Thằng bé 19 tuổi, vào Sài Gòn học đại học. Lẽ ra nó đã vào Sài Gòn từ tháng 9 năm ngoái, chứ không phải bây giờ. Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ, kể cả số phận con người. Nếu nó hồ hởi đi hồi tháng 9, có thể nó đã khác, biết đâu!
Thằng bé hẳn là mang nặng nề trầm cảm trong lòng. Nó đã không đi theo cuộc hẹn với người thân mà rẽ theo hướng khác. Nó thuê nhà trọ để ngủ, rồi trả phòng trọ. Rồi nó lại thuê phòng trọ trở lại, hẳn là lúc đó trong nó loé lên mong muốn tiếp tục sống. Nhưng mong muốn đó không đủ lớn để giữ nó lại. 3:55 phút sáng, nó ra bờ sông Sài Gòn, hẳn là nó đã thức trắng đêm để chống lại với chính bản thân nó.
Quê nhà miền Trung của nó, nghèo, với ba mẹ làm nông. Mà ba mẹ làm nông thì chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nuôi con cái đủ ăn, họ nào biết gì hơn điều đó. Họ không đủ kiến thức để nhận ra những nỗi niềm con mình đang trải qua, thì làm sao họ biết sẻ chia, thì làm sao họ biết vực con mình dậy. Họ chắc chắn không hiểu tại sao con họ đau khổ như thế, và điều duy nhất họ làm là sững sờ nhìn quan tài con mình trở về nhà, họ cứ nghĩ con họ đi để hiển vinh trở về.
Cuộc sống hiện đại ào ạt lắm, dữ dội lắm. Một đứa trẻ lớn lên như thằng bé nhận được gì từ cuộc đời. Ở trường nó cắm đầu học chữ, nó là đứa học giỏi, giỏi nó mới đậu đại học. Trường học làm quá ít những công việc nhằm nâng đỡ tinh thần trẻ con, phần lớn sa vào thành tích học tập. Ở nhà, đứa trẻ không biết nói chuyện với ai, cha mẹ ai nấy đều bận làm công việc đồng áng, thời gian đâu để gần gũi con mình. Một đứa trẻ với tâm thần vững vàng sẽ vượt qua thử thách, một đứa trẻ cô đơn và mong manh thì gục ngã dễ dàng.
19 tuổi, sinh năm 2003, thằng bé cùng tuổi con trai tôi. Vợ chồng tôi là người có học thức, có hiểu biết về nuôi dạy con, nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy những điều mình nói, mình làm, mình cư xử với con còn chưa đúng đắn. Có những lúc mâu thuẫn với con mình xong, tôi nhìn con từ đàng sau, tự dưng thấy thương con và hối hận vô cùng. Những gì bạn làm với con, thường thì xuất phát từ tình thương cho con, lo lắng cho con, sợ con mình thất bại giữa cuộc đời. Nhưng cũng chính vì điều đó, đôi khi cha mẹ quên mất việc phải nghĩ đến cảm xúc của con mình.
Tôi đọc tin trên báo kết luận về cái chết của thằng bé, thấy lòng mình nặng trĩu. Học trò lớp 10 của tôi đang ngồi dưới lớp làm bài thi, những đứa trẻ xinh xắn, non nớt, hiền lành. Khi nãy đầu giờ cả lớp vừa bị tôi mắng vì không đọc kỹ thông báo trước khi trở lại học trực tiếp. Khi tôi mắng, bọn trẻ nhìn tôi hối lỗi, ánh mắt đứa nào cũng trong veo.
Tôi đọc tin về thằng bé, thấy lòng thương nó vô cùng. Thằng con trai của tôi vừa ở phòng thu của nó về, giơ tay chào tôi. Trưa nay nó ăn cơm xong bèn qua ngủ bên phòng thu, nó bảo lát ngủ dậy viết bài cho dự án âm nhạc của nó. Xế trưa, tôi nhìn camera thấy nó ngủ chèo queo trên salon, tôi chỉ vợ và bảo nhà không ngủ nệm ấm chăn êm, vợ tôi bảo anh cằn nhằn, nhắc nhở deadline này nọ sao nó vui được. Tôi im lặng, tôi nghĩ vợ tôi nói không sai, nhưng tôi cũng không sai khi cận kề bên nó. Làm cha mẹ quả là khó khôn cùng!
Vậy là thằng bé đã chọn dừng lại trên chặng đường đời vừa mở ra của nó. Không ai biết nó đã nghĩ gì vào những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời nó. Hẳn là nó đau khổ lắm. Nhưng nó không biết cha mẹ ông bà của nó còn đau khổ hơn nó ngàn lần.
Vì họ còn sống để khổ đau
Vì nó không còn sống nữa để biết họ sẽ khổ đau
Vì nó sẽ không còn khổ đau nữa
Nếu một ngày nào đó các con đau khổ quá, các con nhớ phải tìm ai đó để chia sẻ, các con nhớ hãy tìm đến những bệnh viện ung thư, các con nhớ hãy đến thăm những đứa trẻ tàn tật. Trở về rồi, các con sẽ thấy nỗi đau của mình nhẹ bớt, lẽ sống của mình sẽ lớn lên…
Nguồn tin: Thầy Võ Anh Triết.