VƯỜN THƠ CỦA CLAUDE MONET

Nhiều nghệ sĩ Ấn tượng thường đi tìm cảm hứng sáng tác từ thiên nhiên. Đối với Claude Monet, ông dành hết tình yêu và tâm huyết trong những năm cuối đời để xây dựng và chăm sóc một khu vườn cổ tích với bạt ngàn hoa cỏ rồi từ đó sáng tác những chùm tranh khiến người ta phải nhớ mãi.

Năm 1883, sau khi dành 40 năm cuộc đời rong ruổi để thử nghiệm và định hình phong cách hội họa, Monet chuyển đến vùng ngoại ô Giverny. Tại đây, ông bắt tay vào tạo dựng vương quốc nghệ thuật của riêng mình: một ngôi nhà ngập tràn màu sắc, một khu vườn rực rỡ những loài hoa, một studio mỹ thuật nơi ông treo những bức họa yêu thích và thực hiện những tác phẩm bất hủ.

Trong vương quốc ấy, khu vườn chính là nơi Monet tâm đắc nhất, trở thành cảm hứng nghệ thuật chính cho ông trong suốt 30 năm cuối cuộc đời. Tại đây có con đường mái vòm xanh cây lá đan xen với những cành hồng leo, dẫn dắt người ta vào một thế giới cổ tích bừng sáng với vô vàn các loài hoa, tựa như một bức tranh điển hình của nghệ thuật Ấn tượng. Nổi bật nhất phải là ao hoa súng với cây cầu gỗ nhỏ bắc qua. Phần vườn này được ông xây dựng sau khi mua mảnh đất cắt ngang con suối nhỏ bên cạnh ngôi nhà với ý tưởng được lấy cảm hứng từ những bức tranh khắc gỗ Nhật Bản mà Monet cực kỳ yêu thích.

Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra, Monet thoát ly khỏi hiện thực tàn khốc bằng việc chìm đắm trong thế giới kì ảo tại khu vườn của mình. Năm 1918, khi hiệp ước đình chiến cuối cùng cũng chấm dứt chiến tranh, người họa sĩ già ăn mừng bằng việc trao tặng bảo tàng l’Orangerie 8 bức tranh hoa súng Giverny khổng lồ mà ngày nay vẫn còn được trưng bày tại thủ đô Paris.

Sau những cống hiến và tâm huyết cả đời dành cho nghệ thuật, người nghệ sĩ tài năng đã chọn trở về với những giá trị bình dị và thân thuộc nhất để sống, hưởng thụ và tiếp tục sáng tạo theo cách mà ông mong muốn. Khu vườn là giấc mơ cả đời của Monet, là nơi trú ẩn bình yên và là niềm cảm hứng giúp người nghệ sĩ thăng hoa với những kiệt tác để đời.

Còn bạn, giấc mơ của bạn là gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *