SINH VIÊN VÀ CĂN BỆNH “NGỒI” TRONG TƯ TƯỞNG

Sinh viên bây giờ thích ngồi quá. Họ thích “ngồi” trong vòng tròn thoải mái của mình. Thích ngồi trong quán nét, thích ngồi trong phòng trọ, thích ngồi trong quán ăn, vỉa hè, quán karaoke. Họ cũng thích ngồi trong thói quen xấu hàng ngày. Và đặc biệt, là thích ngồi trong những sai lầm của tư tưởng không chịu thay đổi. Đây không chỉ là một hiện tượng tâm lý mà còn là một “căn bệnh” tâm lý.

1. Làm sao bạn có thể thành công nếu cứ “ngồi” quá lâu trong cái tư tưởng cũ kỹ?

Bước chân vào cánh cửa đại học, ai cũng nghĩ kể từ đây mình sẽ tự do, phía trước là bầu trời. Nhưng sự thật thì luôn không như vậy. Khi đi làm, khó khăn và thử thách lớn hơn rất nhiều. Lúc đó, nhìn đâu cũng thấy thiếu. Thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu các mối quan hệ. Những gì bạn có trong hiện tại là kết quả của những lựa chọn trong quá khứ. Những gì sẽ xảy ra trong tương lai phụ thuộc vào lựa chọn của bạn ở hiện tại. Cho nên, nếu tuổi trẻ mà bạn “ngồi” nhiều quá, thì làm sao bạn có thể tiến xa về phía trước trong tương lai?

Chưa bao giờ, chúng ta có một thế hệ trẻ gặp nhiều khủng hoảng như bây giờ. Cách đây không lâu, báo chí rùm beng về sự việc cô gái thủ khoa đại học đầu ra phải ở nhà nuôi heo vì không có việc làm. Dĩ nhiên, chúng ta không bình luận về sự đúng sai hay phán xét chuyện này. Thế nhưng, nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bạn trẻ về việc “chúng ta đã ngồi quá lâu trong cái tư tưởng cũ kỹ”, rằng chỉ có học, học, học là đủ để thành công.

2. Thách thức cho sinh viên bây giờ đó là chúng ta đang có một thế hệ trẻ được bao bọc quá nhiều nhưng lại quá yếu đuối.

Về mặt tâm lý, nó xuất phát từ cách người lớn đối xử khi chúng ta còn nhỏ. Với văn hóa yêu thương chở che, vô tình cha mẹ, ông bà đã quá bao bọc quá nhiều. Cái gì cũng lo cho con cái, cái gì cũng chiều chuộng con cái. Chỉ cần nó khóc là nhiều cha mẹ sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi vô lý của trẻ. Vô tình, ngay từ khi còn nhỏ nó được gửi một thông điệp từ người lớn “cứ đòi hỏi là sẽ được đáp ứng”. Mà nếu như chỉ biết đòi hỏi thì làm sao tránh khỏi sự yếu đuối.

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cũng chính vì thế mà người lớn xót con mình, thương con mình quá. Thấy con bị bắt nạt, hay thấy con đánh nhau là lo lắng, bồn chồn, bằng mọi giá phải bênh vực con mình ngay cả khi con mình sai. Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra một điều rằng, những đứa trẻ được dán mác “ngoan” bởi thầy cô, gia đình, chỉ biết học và học, chỉ biết “gọi dạ bảo vâng” vô tình sẽ trở thành những đứa trẻ nhu nhược khi trưởng thành. Ngược lại, những đứa trẻ bị nói là “nghịch”, thậm chí đánh nhau, hung hăng nhưng nếu được người lớn chấp nhận, phân tích phải trái, đúng sai rõ ràng, khi trưởng thành sẽ là trụ cột vững chắc. Là bởi vì, ngay từ nhỏ nó đã được học bài học tự bảo vệ chính mình. Lớn lên, nó sẽ là một người có trách nhiệm. Nó có thể bảo vệ người yêu, gia đình, tổ chức và đất nước khi bị lâm nguy.

Cách đây không lâu, báo chí đăng tin một trường học tổ chức cho học sinh đi tập quân sự xa gia đình. Được vài ngày, con chưa chịu khổ được mấy thì cha mẹ đã hết sức hoang mang, năn nỉ ỉ ôi rơm rớm nước mắt vì xót con chịu khổ. Không thể chịu khổ ngay từ khi còn trẻ đồng nghĩa với việc khi lớn lên, mỗi lúc sóng gió, thử thách đường đời, làm sao những đứa trẻ ấy có thể chịu được áp lực. Làm sao những người trẻ ấy có thể đương đầu với khó khăn. Cho nên, yêu thương sai cách không những không giúp con, mà một số người trưởng thành vô tình dẫn đến một thế hệ trẻ mỏng manh, yếu đuối, chỉ biết ỷ lại, không thể tự đứng trên đôi chân của chính mình.

3. Sinh viên và thói quen thích thành công sớm

Tuổi trẻ giờ đây là thế hệ bị ảnh hưởng bởi công nghệ và internet. Điều gì cũng là con dao hai lưỡi. Mặt tích cực của việc này là một tuổi trẻ giỏi, cập nhật thông tin nhanh, chia sẻ kiến thức với tốc độ chóng mặt. Điểm mạnh cũng là điểm yếu. Nhờ có mạng, chúng ta dễ dàng đọc về những tấm gương trẻ, với thành tích tuyệt vời, với những kết quả phi thường khi còn trẻ. Chính vì thế, vô tình chúng ta áp lực lên mình một kỳ vọng, phải thành công nhanh, thành công sớm. Trong khi, chúng ta chưa nhìn hết được đằng sau ánh hào quang là bao nhiêu nỗ lực, trả giá, mồ hôi, nước mắt. Tuổi trẻ bây giờ thích những cái trước mắt, thích những thứ nhìn thấy ngay, sờ được, cảm nhận được, nhìn thấy được. Một công việc ổn định, một chiếc điện thoại xịn, một bộ đồ hàng hiệu, một mức lương cao,… Cái gì cũng phải nhanh, phải có ngay. Và rồi nếu mọi thứ không như ý muốn, họ rất dễ bị bỏ cuộc.

Chính vì xu hướng tâm lý đó mà ngày nay, các bạn trẻ thích được công nhận và mong muốn được công nhận quá sớm. Điều này vô tình thổi phồng bản ngã và cái tôi của họ lên. Dẫn đến việc có nhiều người chưa có sự tích lũy đầy đủ về năng lực và tố chất, sự rèn luyện mà đã muốn thành công để rồi vấp ngã cũng rất đau. Cũng là làm từ cacbon, được coi là “anh em sinh đôi” nhưng kim cương và than chì lại có giá trị vô cùng khác nhau. Than chì màu đen, xấu xí, nhiều bụi và giá rẻ. Kim cương sáng nhoáng, tinh tế, quý giá và đắt tiền. Lý do là bởi vì các nguyên tử cacbon trong than chì liên kết lỏng lẻo với nhau, còn các nguyên tử cacbon trong kim cương liên kết mật thiết và tạo nên cấu trúc bền vững hơn. Cũng là con người, nhưng tư duy của ai tốt hơn, ai bền bỉ hơn, rèn luyện mình kỹ lưỡng và chu đáo hơn, chất hơn thì người đó sẽ thành công hơn. Vàng thử lửa, gian nan thử sức, chỉ những ai được tôi luyện và rèn luyện bởi môi trường chuyên nghiệp, khả năng chịu đựng áp lực tốt, hình thành những kỹ năng và tư duy tốt mới có thể thành công bền vững trong tương lai.

4. Khoảng cách giữa thế hệ trẻ trong tương lai.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), sự phân bổ tài sản giữa các tầng lớp có sự không đồng đều, cụ thể:

10% nhóm người giàu có nhất sở hữu 83% tài sản.

40% nhóm người ở mức trung bình sở hữu 15% tài sản.

50% nhóm người nghèo nhất sở hữu 2% tài sản.

Người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo. Nghiên cứu của Oxfam về tình trạng bất bình đẳng cho thấy trong một giờ, nhóm người giàu nhất có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Bill Gate được dự đoán sẽ trở thành siêu tỉ phú đầu tiên trên thế giới (Trillionaire – 1.000 Tỷ USD) vào năm 2042 ở tuổi 86 chỉ cần điều kiện ông ta còn sống. Trong khi, gần đây không ít người phẫn nộ về tình trạng có những sinh viên sức dài vai rộng vẫn xếp hàng đứng chờ để được ăn những suất cơm tình nghĩa với giá 2000đ dành cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Trong một tương lai không xa, khoảng cách giữa giới trẻ sẽ được phân tầng. Nhóm 10% giỏi nhất, có năng lực nhất sẽ giàu có nhất và nhóm còn lại sẽ loay hoay trong cuộc sống nghèo nàn, khó khăn kinh tế, các mối quan hệ kém chất lượng, căng thẳng và stress. Việc lựa chọn bứt phá đi lên ra khỏi vùng thoải mái của mình để lọt vào nhóm 10% hay vẫn “ngồi lì” trong cái vòng thoải mái an nhàn của mình, là lựa chọn của mỗi người. Nhưng để thành công trong tươi lai thì việc phải bứt phá ngay từ khi còn trẻ, đặc biệt trong thời sinh viên là điều vô cùng quan trọng.

5. Top 10 kỹ năng các bạn sinh viên cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ

Dựa trên bản báo cáo Việc Làm Tương Lai (The Future of Jobs) được đưa ra tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) năm 2016, nghiên cứu về vấn đề việc làm, kỹ năng và chiến lược dành cho lực lượng lao động tương lai đã chỉ ra kết luận: trong vòng 5 năm tới thôi, hơn 1/3 (khoảng 35%) những kỹ năng ngày hôm nay được xem là quan trọng trong công việc sẽ thay đổi.

Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 sẽ mang đến những thứ như là: rô-bốt công nghệ cao, các phương tiện di chuyển – vận chuyển không người lái, trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy, vật liệu công nghệ cao, kỹ thuật sinh học tiên tiến và công nghệ gen mang tính đột phá. Tất cả những tiến bộ đó sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và dĩ nhiên là cả cách chúng ta làm việc. Nhiều công việc hiện tại sẽ biến mất. Một số công việc mới sẽ xuất hiện. Những công việc thậm chí không tồn tại hôm nay hoặc ít phổ biến sẽ trở thành những công việc mà nhiều người làm. Thứ duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn đó là buộc phải liên tục điều chỉnh bản thân và tăng cường các kỹ năng của mình để đi cùng với thời đại.

Top 10 kỹ năng thành công phù hợp xu thế đó là:

– Complex problem solving (Giải quyết vấn đề phức tạp)

– Critical thinking (Tư duy khách quan)

– Creativity (Sáng tạo)

– People management (Quản lý con người)

– Coordinating with others (Phối hợp với người khác)

– Emotional intelligence (Thông minh cảm xúc)

– Judgment – decision making (Đánh giá và ra quyết định)

– Service orientation (Tinh thần phục vụ)

– Negotiation (Thương lượng)

– Cognitive flexibility (Tư duy linh hoạt)

Viết đến đây, tự nhiên câu thơ ngày nào của Chế Lan Viên xuất hiện:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”

Nếu cứ “ngồi” trong những “giấc mơ con” quá lâu, thì đến bao giờ chúng ta mới có một thế hệ trẻ trưởng thành? Tuổi trẻ bây giờ thích ngồi quá. Họ thích “ngồi” trong vòng tròn thoải mái của mình. Và đặc biệt, là thích ngồi trong những sai lầm của tư tưởng không chịu thay đổi.

Lẽ dĩ nhiên, “thiên hạ nhân thiên hạ tài” – những người khác biệt và những người thành công thời nào cũng có, dù chỉ là số ít. Sẽ vẫn luôn luôn có những bạn trẻ lựa chọn đứng ra khỏi đám đông, bỏ qua căn bệnh “ngồi” để đứng dậy đi về phía trước.

Tác giả: Edward – Tâm Lý Học Ứng Dụng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *