Có rất nhiều bộ phim kinh dị từ trước đến nay làm mưa làm gió trong thị trường phim kinh dị tại Việt Nam và có những phim còn là “sát thủ” phòng vé khi lúc nào lượng khán giả xem cũng chật kín. Và cũng có những phim là “chú hề” phòng vé khi khán giả vào xem phim kinh dị mà lại bật cười hay lượng người xem lác đác đến mức tội nghiệp.
Nhưng dù là “sát thủ” hay “chú hề” thì đều có một điểm chung là không-thể-dọa-được-khán-giả.
Có những phim kinh dị Việt Nam được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng xem xong chẳng mấy ai đọng lại được quá nhiều trong lòng. Điều này cũng ứng nghiệm cho một số tựa phim đình đám của Mỹ, đơn cử là phim về cô ma búp bê nhiều phần đến mức bây giờ Lee chẳng thể nhớ nó ra đến phần mấy nữa.
Phim kinh dị Việt Nam luôn nhắm đến những đề tài gây sợ hãi người xem, âm thanh tiếng động, dọa khán giả bằng jumpscare nhưng lại bỏ quên các yếu tố phụ dấy lên nỗi sợ tiềm tàng là nội tâm của nhân vật chính và nội tâm của những nhân vật phụ, sự tương tác của nhân vật chính đối với những điều đẹp đẽ không ghê rợn trong phim để tạo ra khoảng nghỉ trong phim, khoảng nghỉ này sẽ làm người xem bị lơ đễnh, không đề phòng để rồi khi sự sợ hãi ùa đến, lúc ấy cơn ác mộng mới chính thức bắt đầu.
Jumpscare trong phim kinh dị là điều không thể thiếu, tuy nhiên nó giống với việc bạn ăn một cú đấm vô tình vào mặt và sau đó thứ còn lại chỉ là cơn đau thể xác thôi. Nhưng nếu bạn bị một ai đó giày xéo nội tâm bạn đến cùng cực rồi mới cho bạn ăn một đấm, thì Lee chắc chắn với bạn là bạn sẽ nằm bẹp luôn. Vừa đau lòng vừa đau thân xác. Một combo tuyệt vời để có thể hạ gục.
Con người sợ những gì họ không thấy được.
Những bóng người áo trắng, máu me bê bết, các bài đồng dao do giọng con nít hát rền rĩ, ma không đầu, ma bay bay, những cành ngải với hương khói, bùa chú dán đầy nhà, những con búp bê bị ám, xác chết biết đi hoặc tựa đề phim gây sốc chưa bao giờ là thứ làm người xem ám ảnh cả. Nó chỉ là một xô nước lạnh giữa sa mạc nóng cháy da thôi, khán giả cần một đại dương sâu thẳm mà không ai có thể nhìn thấy đáy cơ.
Lee.