Bài: Phan Chi
Trước hết xin khẳng định tôi và bạn đều là người, những ai tự cho mình không phải là người xin đừng đọc tiếp vì tút này nói về con người.
Mỗi người là một cá thể độc đáo, không ai giống ai. Chúng ta khác nhau về học vấn, thói/ nếp suy nghĩ, tính cách và tình cảm. Chúng ta khác nhau về sở thích, nhu cầu và ước mơ. Chúng ta khác nhau về ưu điểm và khuyết điểm.
Chúng ta còn khác nhau về sứ mệnh Thượng đế đã trao cho ta khi gửi ta đến cõi đời này. Bạn làm nhà khoa học, ông kia làm thơ, còn tôi xây cho nhà cao cao mãi…
Người nọ khác người kia đã đành, trong mỗi người cũng luôn có những khác biệt, đó là những ưu điểm và khuyết điểm song hành, đan xen, đối lập nhau.
Ông nhạc sĩ nọ sáng tác nhiều bài hát rất hay làm say đắm lòng người nhưng ăn nói ồn ào, gặp gái đẹp là lăn vào tán, mắt sáng như chưa yêu lần nào.
Ông họa sĩ kia vẽ tranh bán mỗi bức vài ba chục triệu đều như vắt tranh nhưng lần nào nhậu với bạn bè cũng hát bài Đôi bờ cũ rích cũ rác bằng thứ tiếng Nga bồi, chủ yếu là để nhắc mọi người khỏi quên ông ta từng nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Lại có ông nhà thơ viết được nhiều bài được phổ nhạc, tính tình hiền lành nhưng lại mắc bệnh đại ngôn chửi người khác. Chính trị gia thì ông chê lú, nhà khoa học thì ông bảo bằng giả, nhà thơ thì ông chê thơ đái chưa qua ngọn cỏ.
Không có người nào là hoàn thiện, kể cả các vĩ nhân. Vĩ nhân hơn người thường ở tư tưởng tiến bộ, hành động thành công, có tác động lớn đến sự phát triển của dân tộc và loài người chứ không phải vì ông ta không có khuyết điểm. Chẳng qua là khuyết điểm bị ưu điểm làm lu mờ hoặc truyền thông không biết những khuyết điểm hoặc tật xấu của vĩ nhân mà thôi.
Khuyết điểm của người khác là khách quan tồn tại, nó khẳng định các ưu điểm của chính ta. Thằng kia ăn cắp, ta mừng là ta chưa ăn cắp. Đứa nọ nói sai sự thật, ta vui vì ta không nói dối. Con mẹ mặt dày kia tham nhũng hàng triệu đô, ta tạ ơn trời đất ông bà không bắt ta ngồi vào cái ghế mà trong cơ chế này không tham nhũng coi như… đã chết.
Chính ta cũng đầy rẫy khuyết điểm, may mà toàn khuyết điểm nho nhỏ, chưa tới mức phạm pháp. Nếu không có khuyết điểm, ta đâu còn là người, mà là pho tượng thạch cao trống rỗng, vô tri vô giác và vô vị.
Sống chung với khuyết điểm, cố đẩy lùi khuyết điểm là lối sống tích cực. Nhận biết, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội là việc làm cần thiết nhưng phải trên tinh thần xây dựng. Vạch ra cái xấu của người khác nếu chỉ để tỏ ra ta tinh đời, ta thông minh thì chưa chắc đã hay. Vạch cái xấu của người khác để tỏ ra ta tốt hơn người ấy, chưa chắc đã là việc làm tử tế.
Người Việt có thói quen chê bai người khác. Ai càng có danh tiếng địa vị càng bị soi mói, chê trách, đôi khi bị nhét chữ vào mồm để ăn bão dư luận.
Bà Thủ tướng Đức xem bóng đá, nhảy cẫng như trẻ con, được cho là rất đời, rất người. Bà cứ nhảy cẫng, chả ai quên bà là vị thủ tướng giỏi nước Đức từng có.
Ông Thủ tướng Việt Nam xem bóng đá cũng nhảy cẫng, hồn nhiên như cô tiên, một vài người chê là thiếu nghiêm túc. Ở đây tôi không có ý nói thủ tướng của ta cũng giỏi như thủ tướng Đức, cái này hạ hồi phân giải. Cái muốn nói thủ tướng cũng là con người, cũng có những gì thuộc về con người. Ông ta hãy làm tốt công việc của mình, không cần đạo mạo khi xem bóng đá, không cần tỏ ra long trọng khi đi vào phòng vệ sinh. Tại sao lại phải phong thánh cho lãnh đạo để khi thấy họ không phải là thánh thì ta bực tức?
May mắn thay tôi là một người như mọi người với không ít khuyết điểm. Ví dụ tôi ăn tham, ham chơi, bủn xỉn và hay cả nghĩ. Bạn không cần vạch những cái xấu đó ra, tôi tự biết.
Và mừng vì nhờ có những khuyết điểm đó tôi vẫn đang là người. Còn gì vui hơn được làm người?