Thế hệ sau 00 đang lo lắng điều gì?

Tôi sinh năm 2003, sống ở thành phố bậc 3, năm nay học lớp 12.

*Ở Trung Quốc phân thành 4 bậc thành phố, trong đó thành phố bậc 3 có dân số giao động từ 150 nghìn đến 3 triệu người, GDP đạt khoảng 18-67 tỷ đô. 

Sau khi tan học lúc 10 giờ tối, vừa mới lúc nãy, người bố đang làm ở Thiên Tân cách đó vài trăm km gọi điện cho tôi. 

Trong điện thoại, giọng nói của ông vô cùng kiệt quệ, khác hẳn so với mọi ngày. 

“Sao nghe giọng bố có vẻ mệt thế?” tôi hỏi.

“Bố có mệt đâu, hôm nay bố bị ngã, gãy mất một chiếc răng, rách miệng đi khâu rồi, đau quá đi mất.” Ông ấy nhẹ giọng nói. 

17 năm nay, lần đầu tiên tôi nghe thấy bố tôi dùng giọng điệu này để nói chuyện, dường như hoàn toàn biến thành một đứa trẻ vậy.

Tôi nén nước mặt vào trong, an ủi bố vài câu, chúc bố ngủ ngon rồi tắt máy. Vừa tắt máy, tôi điên cuồng khóc trong im lặng, tôi sợ mẹ ở phòng ngoài biết được mặt yếu đuối của tôi. 

Áp lực đè lên họ đã quá lớn rồi. 

Mấy năm trước, bố tôi bị người anh em tốt nhất cũng chính là lãnh đạo của ông lừa một vố. Năm anh em đứng ra đảm bảo cho công ty, cả nhà từ già đến trẻ thế chấp cả nhà lẫn xe, chỉ vì tin tưởng vào cái gọi là “anh em”.

“Người anh em tốt” đó không chỉ nợ lương cả công ty mà còn vơ vét hết số tiền đã vay ngân hàng. 

Mười triệu tệ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như vậy, tôi cũng chẳng dám nghĩ tới. 

Bố mẹ tôi bị liệt vào danh sách đen, cũng chính là “kẻ trốn nợ” trong truyền thuyết. 

Tôi cũng được biết từ bố tôi rằng “người anh em tốt” của ông đã nợ ông gần hai năm tiền lương, khoảng 400 nghìn tệ. 

Sau này tôi khóc hỏi bố rằng: “Tại sao bố lại tin ông ta, ông ta phản bội bố rồi đấy!”

Bố tôi chỉ biết thở dài: “Bố quen ông ta 30 năm rồi.”

Tôi chứng kiến bố tôi gọi ông ta từ “sếp X” biến thành “XXX”, mái tóc chải chuốt gọn gàng biến thành bộ dạng có chút buồn cười do tự dùng tông đơ để cắt, bộ vest sạch sẽ gọn gàng cũng chẳng có quyền được ra khỏi tủ đồ nữa…

Có lần bố tôi đi ứng tuyển, ông ấy lôi bộ vest đã lâu không mặc ra ủi một cách rất nghiêm túc, rất lễ độ, tuy rằng tôi biết cơ hội rất mong manh. Ông ấy học không cao, chưa từng học đại học, chỉ có khả năng được trau dồi qua nhiều năm kinh nghiệm, dựa vào bản lĩnh đi nghe diễn thuyết luận đàm ở các trường đại học 985, đạt danh hiệu công nhân kiểu mẫu của thành phố,… Nhưng có doanh nghiệp nào quan tâm chứ…? Bọn họ chỉ quan tâm đến tuổi tác và học lực của bạn mà thôi. 

*Các trường thuộc đề án 985 là những trường đại học trọng điểm của Trung Quốc, bao gồm 38 trường. 

Bố tôi đã 50 tuổi rồi, đối với những công ty tư bản mà nói, ông ấy không đáng một đồng. 

May mắn thay, hồi còn trẻ bố tôi từng làm giáo viên dạy toán mấy năm, cũng nhờ đám học sinh thời ấy của bố giới thiệu cho công ăn việc làm. Bố tôi không ngần ngại chọn công việc có mức lương cao nhất, không quan tâm đến công ty đó gần hay xa nhà, chức vụ cao hay thấp, đãi ngộ như thế nào, ông ấy đều không quan tâm. 

Tổng cộng mỗi tháng bố và chị gái tôi kiếm được chưa đến 15 nghìn tệ, sau khi trừ các khoản đóng hàng tháng, tiền bảo hiểm và tiền học phí thì cuộc sống của một gia đình bốn người rất khó khăn.

Mẹ tôi nhìn vào khoản tiền tiết kiệm ít ỏi, áp lực đè nặng lên bố tôi, tiền học phí đại học và cao học của tôi mà nghiến răng nghiến lợi, nhận công việc mà dì tôi giới thiệu. 

Thực ra, đây cũng không thể gọi là công việc được. Một công nhân đóng gói chuyển phát nhanh theo giờ nhận được hơn mười tệ một giờ, hoặc vài xu cho một nhãn mác được dán. Mẹ tôi không chê bai, chỉ cần kiếm nhiều là được, tốn nhiều thời gian đến mấy mẹ cũng không sợ. 

Tôi cũng chỉ có thể bỏ mặc bản thân vùi đầu vào học. 

Kiến thức thay đổi vận mệnh, câu nói này không sai. 

Trong xã hội mà những mâu thuẫn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì kiến thức của ba bốn thế hệ có thể thay đổi số phận của một thế hệ.

Thực ra, tôi hận đám bạn học của tôi, hận bọn họ được bao bọc một cách thái quá, hận bọn họ vô tri vô giác với hiện thực xã hội, hận mối ưu phiền lớn nhất của bọn họ là cãi nhau với bạn trai.

Tôi cũng hận mình quá yếu đuối để thay đổi hiện trạng, tôi hận bản thân đầu óc nhỏ nhen đáng lẽ ra không nên có những suy nghĩ tiêu cực đó.

Bây giờ tôi chỉ hy vọng bố tôi có đủ tiền vào viện, bù lại vào hàm một chiếc răng vững chắc, lúc đi ngủ không còn cảm thấy đau khổ nữa. 

Nếu như thật sự có Thượng Đế, vậy thì cầu xin người, bố con đã 50 tuổi rồi, đừng giày vò ông ấy nữa, hãy giày vò con đi này.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *