NHỮNG CÔNG CHÚA, CÔNG NỮ NGƯỜI KINH LÀM DÂU DÂN TỘC KHÁC

Ảnh: TMai 

1. Các công chúa nhà Lý làm dâu Tày Nùng 

– Thời Lý Thái Tông: Năm Thiên Thành thứ hai (1029), vua Lý Thái Tông đã gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng (nay là đất Lạng Sơn, Bắc Giang) là Thân Thiệu Thái. Năm Thông Thụy thứ ba (1036), nhà vua lại gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong là Lê Tông Thuận vào tháng 3. Đến tháng 8, nhà vua lại gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thương Oai là Hà Thiên Lãm. 

– Thời Lý Thánh Tông: Năm 1058, gả con nuôi là công chúa Ngọc Kiều cho Châu mục Chân Đăng họ Lê. Tương truyền, phò mã là hậu duệ Ngự Man Vương, tức trực hệ của hoàng đế Lê Hoàn. 

– Thời Lý Nhân Tông: Năm Nhâm Tuất (1082), công chúa Khâm Thánh lại được gả cho châu mục châu Vị Long (vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là Hà Di Khánh. Năm Đinh Mùi (1127), nhà vua lại gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương (vùng Thái Nguyên, Bắc Giang) là Dương Tự Minh. 

– Thời Lý Anh Tông: Năm Giáp Tý (1144), nhà vua lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong cho ông làm phò mã lang. 

– Thiên Cực công chúa: Không rõ lai lịch, không biết xuất giá năm nào. Chỉ biết bà có chồng là Vương Thượng, tước Quan Nội Hầu. 

2. An Tư công chúa 

An Tư công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Bà cũng là em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược, không rõ cả năm sinh năm mất.  

Trong Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ chỉ ghi: “Sai người đem công chúa An Tư gả cho Thoát Hoan là muốn thư tai nạn cho nước đấy (công chúa là em gái út của vua Thánh Tông)”. 

Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua. 

Để có thời gian củng cố lực lượng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân, dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa. Sau đó, quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải “chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy” để về Tàu.Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.  

Bà thứ phi họ Trần của Trấn Nam Vương trong An Nam chí lược không phải An Tư mà là em gái Trần Tú Viên – một quý tộc hàng giặc khác. Và Trấn Nam Vương này không phải Thoát Hoan. 

3. Huyền Trân công chúa 

Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là con gái vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, em gái của Trần Anh Tông. Sách Việt sử giai thoại viết: “Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa trước đó của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem Công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân đã đem đất hai châu Ô và Lý – vùng tương ứng với phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay – dâng cho Đại Việt làm sính lễ”. 

Một năm sau, Chế Mân qua đời, Huyền Trân công chúa được vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung cướp về. Sau đó bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. 

Câu chuyện về công chúa được truyền tụng trong dân gian, khiến Huyền Trân trở thành một trong những công chúa nổi tiếng nhất và ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam. Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Hoàng đế triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa “trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng”, nâng bậc tăng là Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần. 

4. Công nữ Ngọc Vạn 

Con gái Thụy Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và trở thành Hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam. 

Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này”. 

5. Công nữ Ngọc Khoa 

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do chính Hội Đồng Nguyễn Phúc tộc viết lại, đã chép rằng: “Năm Tân Mùi (1631) bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (Sãi Vương) gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp…”. 

Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, phần tiểu truyện của Ngọc Vạn & Ngọc Khoa đề là “khuyết truyện”. 

6. Công nữ Ngọc Hoa 

Con nuôi Thụy Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619, Công nữ Ngọc Hoa được gả cho Araki Sotaro, nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi Samurai, thương nhân Nhật Bản đứng đầu các doanh nhân sang buôn bán tại Hội An. 

Một năm sau, bà theo chồng về Nhật, 15 năm sau, ông Araki mất, Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn. Bà sống 26 năm và mất năm 1645, chôn cất trong chùa Daionji tại Nagasaki. 

Vai trò của công nữ Ngọc Hoa quan trọng đến mức sau thời điểm 1645, khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn suốt một thời gian rất dài mới được nối lại. 

Tập san Đô thành hiếu cổ của người Pháp xuất bản vào năm 1920 có nhắc đến những người Nhật đầu tiên ở Đông Dương, trong đó có đoạn: “Trong số chủ tàu buôn Nhật Bản giao thương với Đông Dương vào thế kỷ 17, đặc biệt ghi nhận hai người trong số họ đã buôn bán với An Nam là Araki Sotaro và Shichirôbei Eikechi.” 

Vào năm 1620, Araki kết hôn với một tiểu thư thuộc hoàng gia. 

Trong tài liệu của Hội hữu nghị Nagasaki-Việt Nam, dựa trên nghiên cứu của GS Iwao Seiichi ghi nhận: “Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (Araki) gặp gỡ với một người con gái đẹp thuộc dòng bên ngoại được vua An Nam nhận làm con nuôi và kết hôn với cô ta. Ông là người Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi.” 

“Thuộc dòng bên ngoại…”, cha vợ chúa Sãi là Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Cho nên, có thể bà Ngọc Hoa thuộc dòng dõi nhà Mạc. 

Nguồn:

– Đại Việt sử lược, Khuyết danh, Nguyễn Gia Tường dịch, NXB TP HCM, 1993

– Những câu chuyện thú vị, Lê Thái Dũng, NXB VH TT, 2013

– VNEXPRESS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *