“Thử nghĩ xem nếu ba mẹ không mừng tuổi cho con nhà người ta thì con có nhận được lì xì không?”
“Năm nay chán thật, mẹ “lỗ” tận mười mấy triệu.”
“Mừng cho ba đứa con của bác Tân tận 200, thế mà bác cũng chỉ mừng con 200 thôi à?”
…
Từ bao giờ mà một phong tục truyền thống của người Việt Nam trở nên “thương mại hóa, cơ giới hóa” thế này nhỉ?
Ngược trở lại tầm 10, 20 năm trước, ai ai cũng hạnh phúc, vui mừng khi nhận được những phong bao màu đỏ, mặc dù trong đó chỉ có vài hào, thậm chí vài xu. Tại cái thời xa xưa ấy, những người lớn tuổi còn chia thật lẻ tiền để tặng cho các cháu với ngụ ý may mắn, cát lợi.
Ấy vậy mà ngày nay, chúng ta dần quên mất ý nghĩa thật sự của lì xì Tết. Tiền mừng tuổi vốn thay cho lời là lời động viên khích lệ của trưởng bối dành cho con cháu, nhưng dường như chúng ta quan tâm mệnh giá của tờ tiền trong đó hơn những lời chúc. Thậm chí, có những đứa trẻ vừa mới nhận được phong bao lì xì liền vội vàng mở ra, rồi lại nhàm chán mà lẩm bẩm: “Có 20 nghìn thôi sao?”.
Là do người lớn mừng tuổi bằng tiền làm hư con trẻ, hay chính cách dạy, cách hành động của người lớn khiến con trẻ biến chất, trở nên vụ lợi và tham tài?
“Thử nghĩ xem nếu ba mẹ không mừng tuổi cho con nhà người ta thì con có nhận được lì xì không?”
Nếu trong đầu người lớn vẫn còn có những suy nghĩ như này thì chúng ta cũng chẳng thể oán trách bọn trẻ có những hành động thiếu ý thức như vậy. Bởi chúng cho rằng, đây chỉ là một cuộc “giao dịch có qua có lại”, tiền của bố mẹ chúng chỉ chuyển từ tay người khác đến tay chúng thì hà cớ gì mà chúng phải cẩn thận hay trân trọng?
Ý nghĩa tốt đẹp từ bao đời truyền lại, vậy mà trong vô thức trở nên “biến dạng” hẳn đi. Để “món ăn tinh thần” ngày tết trở lại hương vị ban đầu, chắc chắn chúng ta phải thay đổi cách nghĩ của bản thân về phong bao lì xì. Là lời chúc, là tình yêu, là niềm vui, chứ không phải gò bó trong cái khuôn khổ của mệnh giá đồng tiền.
Tiền thì ai mà chẳng quý, nhưng hơn cả vẫn là tấm lòng mà người tặng gửi gắm tới người nhận, phải không?
“Tết nay vẫn giống Tết xưa
Vẫn là con nít vẫn ưa lì xì.”