NỘI TÔI LẤY VỢ CHO CHỒNG

Hai năm sau ngày nội mất thì mẹ sinh ra tôi, tôi đành làm đứa trẻ thiệt thòi vì chưa bao giờ biết mặt nội – người mà các anh chị tôi thường vòi vĩnh được ẵm bồng.

Thoáng chốc mà đã mấy chục năm trôi, kỵ nhật nội năm nào nhà tôi cũng làm lễ trọng, dù cho nội không phải người dứt ruột sinh ra bố. Nội là chính thất của ông, còn cụ bà thân sinh bố là thứ thất.

Lan man nhắc chuyện ngày xưa, tổ tiên tôi vốn giòng dõi nho gia, đến đời ông nội thì của cải dăm phần đã tứ tán, nhưng đại để so với làng xã vẫn là bề khấm khá, nhà ngói 5 gian, sập gụ tủ chè, hoành phi – đối liễn, sân gạch gốc mít…

Ông tôi là người tính tình nhu hòa, giao đãi kẻ trong người ngoài rất mực khoan từ, bởi thế làng trên xóm dưới đem lòng nể trọng. 

Nhưng vạn dĩ lẽ – con người ở cuộc đời này nào có ai vẹn toàn như tấm vàng mười. Ông cũng thế, cớ ấy đến từ sự ông không có con trai, mà mang thân trưởng tộc nên theo tục ta càng phải có đích tử để phượng dưỡng tông đường. Bào đệ – người em thứ của ông đã vài bận dặm ý – mang con trai cả đến để ở nhà bác, tục xưa gọi là “lập tự” hay “gửi cửa trưởng”. Người ở gửi đó sẽ được bác nuôi dạy như con ruột, sắm vợ gả chồng cho, cách xưng hô phải cải hoán gọi bác là cha là mẹ, xưng con, cố nhiên sau này có bổn phận phụng dưỡng khi “cha héo mẹ già”, được thừa tự toàn bộ gia sản điền địa làm hương hỏa.

Nhưng ông tôi từ tốn bảo: Chú thong thả, để dăm năm nữa mà tôi không có con trai, thì chú cho cháu vào cửa trưởng. 

Năm đó, ông ngoại tứ tuần.

Bà nội tôi hết mực thương chồng, lại tủi mình vụng đường sinh nở. Đậu được “thằng cò” đầu lòng thì năm lên 8 cảm lạnh mà đi, hai mụn sau toàn thân cái hĩm. Nên nửa đêm trằn trọc nẩy ra ý sắm cho chồng người vợ lẽ, rồi trở mình lay ông dậy mà ngỏ. Ông đang lơ mơ ngái ngủ ậm ừ, vậy mà tháng sau Nội cắp mủng mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng. Từ đó ông có thứ thất. Ngôi nhà năm gian hai chái đó bà cả buồng đông bà lẽ buồng tây, tiếng là chung chồng nhưng ăn ở với nhau rất hòa mục.

Mùa thu năm sau, nội hai chuyển dạ – bác gái tôi bứt rốn chào đời, ông khấp khởi mừng vì mẹ tròn con vuông, nhưng bà cũng thấu lòng ông không khỏi xa xót ngậm ngùi.

Kể từ đận ấy, không xá bữa nắng ngày mưa, chiều nào ông cũng vận chiếc áo thâm thụng, biện cút rượu, cau trầu và thẻ hương, những thức ấy được sắp gọn ghẽ trong chiếc làn cói, lủi thủi lên ngôi miếu đầu làng cầu tự. Miếu đó vắt ngang sườn núi, thờ ông quan Nghè, mấy trăm năm đã rệu rã rêu phong, lại có cây sộp già hai vòng người ôm lừng lững gối thân bên vách đá, lá sộp to như chiếc quạt mo bốn mùa chao chác rụng, nên chốn linh thiêng vốn vắng vẻ bóng người càng thêm bộn phần âm u liêu tịch.

Ông lắt lay trên nền sân gạch cũ, bái lạy tiền hiền, nắng quái chiều cũng theo ông lắt lay.

Tám năm ròng rã, tám năm là đủ để bác gái tôi (con bà hai) như bao đứa trẻ quê lững chững làm được việc đồng áng, chăn trâu hái cỏ… Trưa ấy ồn ã nắng, bác giong trâu về tới xóm Dừa, gặp cụ Thiệp nhịu lưng gánh mít xuống chợ Lâm, cụ tếu: Mày về mà xem, hôm nay bố mày bắt được vàng!

– Thế ạ, vàng đâu mà bố cháu nhặt được hở cụ?

– Mẹ mày đẻ thằng cu, còn hơn vàng ấy chứ!

– Thật á cụ? – thật!

Bác mừng quá, thả bẹt sợi thừng, để lại con trâu ngơ ngác còn bỏm bẻm nhai rơm, hổn hển chạy về, gió vỗ chiếc nón ụp kín mặt mày làm bác ngã dúi ở bụi mây. Ông lật đật ra quẹt mồ hôi cho rồi bảo: Em, yếu lắm con ạ!

Cái sự lạ là bố tôi đủ tháng đủ ngày vậy mà khi sinh ra vàng vọt chỉ to đúng bằng nắm tay, hàng xóm đến xem hoảng quá, hoảng đến mức đồn rằng yêu quái chứ không phải người, nhủ ông bà tôi “đem quẳng nó đi, chứ nuôi sao đặng”. Nội hai mới qua kỳ vượt cạn còn thiêm thiếp ngủ, Nội cả bảo “không được, máu mủ của chồng tôi”, ông gật: “Dù sao nó cũng là con cầu con cúng, trời có thương mới gửi về, tôi cố lòng nuôi, tốt phúc thì nó ở, nhược nó không thương mà “lộn” thì đành.”

Sau kỳ sinh nở, Nội hai trở bệnh, việc chăm bẵm bố dồn lại hết cho ông và nội cả, vì yếu nên bố hết cam lại sài… thế mà ông bà nhọc công cũng vỗ cho bố được khô đầu ráo sọ, bụ bẫm chẳng kém chi người.

Ba bác gái rất mực thương yêu bố, ấy cũng bởi thấm từ lời dạy của ông. Ông bảo: “Các cụ ta ngày xưa quy rất rõ, anh em cùng cha cùng mẹ gọi là đồng bào, anh em đó là giọt máu trên rỏ xuống giọt máu dưới nên rất gần gụi thân thiết nhau. Anh em cùng cha khác mẹ thì là đồng phụ dị mẫu, tình thân cũng giống như đồng bào. Duy anh em cùng mẹ khác cha tức đồng mẫu dị phụ chỉ là tình sơ, kể ra thì nhạt nhẽo như kẻ ngoài. Dẫu các cụ khuôn thước vậy nhưng các con cần lựa, không cứ y theo lời ấy, anh chị em dẫu cùng cha mẹ hay khác cha khác mẹ thì cũng đều phải biết thân ái đùm bọc nhau, có vậy mới trong ấm ngoài êm, mở rộng ra anh em thúc bá, cô di… cũng vậy”.

Năm bố lên bảy thì bà thân sinh một bữa làm đồng về, đói, quơ khúc sắn luộc, quáng quàng ăn, nửa đêm say sắn bụng đau quằn quại, mồ hôi lạnh toát dâm dấp sống lưng. Bà bèn xuống bếp đốt rơm lên sưởi, say sắn tối kỵ sưởi lửa, đã sưởi thì chỉ đứt ruột, đứt mề, bởi thế bà đi. Ông tôi thương nhớ quá mà ngày một héo hon, 5 năm sau theo bà làm người thiên cổ, quãng đó ông tròn 67. Ngày ông mất lũ dâng ngang tàu chuối, bố đứng trên mái gào khóc tụt hàng ngói vẩy nhà ngang.

Từ đó, bố và ba bác gái lớn lên hoàn toàn bằng bàn tay chăm sóc của nội cả. Khi con cái phương trưởng nội lại lo dựng vợ gả chồng, ai nấy đều yên bề gia thất. Đến năm nội bát tuần, nội lẫm chẫm ra vườn hái trầu thì ngã ở bậc hè, cái chân gân guốc đồi mồi từ đó thành què, tập tễnh chỉ loanh quanh đầu vườn cuối bếp, bố đem lòng hiếu thảo phụng dưỡng tận khi bà qua đời. 

Bố bảo, tiền nhân thường dạy “công sinh không bằng công dưỡng”, tức là công dưỡng dục thậm chí còn lớn lao sâu nặng hơn công sinh thành. Nội tuy không phải thân mẫu nhưng nội đã gánh vác bổn phận người mẹ hiền với bố, thì bố phải đãi lại Nội bằng tấm lòng của người con ruột. Đó là lý do vì sao mà bà khuất núi đã mấy chục năm, nhưng giỗ nào của bà bố cũng làm lễ rất trọng, đôi lúc trọng thể hơn cả giỗ mẹ thân sinh của mình. Ấy cũng là vì đoái tưởng tạc khắc đến công dưỡng dục, cũng là vin vào đó mà nhân thể làm bài học cho con cháu nói theo.

Hôm nay lịch ta là ngày giỗ Nội, tản mạn vài ba điều cốt để tưởng nhớ Người, tất cả đều được khái lược từ những điều vụn vặt từ lịch sử gia đình. Dầu cho theo sự tấn hoá của xã hội phải đề cao lòng chung thủy một vợ một chồng, tuy vậy bỏ qua những điều không còn phù hợp thì ở sau nó – thiết nghĩ chỉ vài ba trăm chữ nhưng cũng gói ghém được ít nhiều chữ đạo – đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em….

Đó là cái đạo gia đình đang ngày một nhòa nhạt suy vi trong xã hội hiện đại. Rất đáng để người Việt nào cũng cần lưu tâm và trăn trở. Thảo bài viết này chia sẻ tới quý bầu bạn, ai có nhã hứng lại dư rảnh thời giờ thẩm đọc, chỗ nào sai sót bồi bổ thêm cho thì thực là quý hóa.

Mạc Phong Tuyền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *