Người duy nhất trong lịch sử nhân loại từng… ném bom vào nội địa nước Mỹ

Nobuo Fujita, một phi công Nhật Bản, là người duy nhất cho đến nay có “vinh hạnh” được ném bom vào lãnh thổ nội địa Hoa Kỳ. Câu chuyện diễn ra cách đây gần 80 năm:

Vài giờ trước khi mặt trời mọc ngoài khơi bờ biển bang Oregon tháng 9 năm 1942, chín tháng sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, một chiếc tàu ngầm mang máy bay lớp I-25 của Nhật Bản lặng lẽ nổi lên. Các thủy thủ Nhật Bản nhanh chóng đưa chiếc thủy phi cơ Yokosuka E14Y ra khỏi khoang chứa, ráp cánh và phao dưới càng cho nó (ảnh 1).

Trên boong của tàu ngầm có sẵn một máy phóng giúp máy bay cất cánh và một cần cẩu để đưa máy bay trở lại khoang chứa sau khi máy bay hạ cánh xuống mặt nước. Máy bay của Fujita sẽ ném bom vào nước Mỹ để trả đũa “cuộc đột kích Doolittle” của Mỹ vào lãnh thổ Nhật Bản.

Lưu ý rằng cho đến nay, Nhật Bản không phải là nước duy nhất trên thế giới sử dụng tàu ngầm chứa máy bay (một kiểu tàu ngầm lai… tàu sân bay). Đây là phát minh của người Đức từ Thế chiến I, sau được hải quân các nước Anh, Pháp, Mỹ và Nhật bắt chước. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước đóng nhiều tàu ngầm loại này nhất với kích thước ngày càng lớn. Các lớp tàu I-400 sau này của họ thậm chí có thể mang tới 3 máy bay.

Phi công chiến đấu 30 tuổi Nobuo Fujita (ảnh 2) từng ước được ném bom Los Angeles hoặc San Francisco, nhưng cấp trên đã ra lệnh cho ông ném bom vào thành phố Brookings, bang Oregon. Ý tưởng là Fujita sẽ đốt cháy khu rừng, gây ra một đám cháy nhấn chìm một chuỗi các thị trấn, tạo nên thiệt hại kinh tế và kích động nỗi sợ hãi trên khắp Bờ Tây nước Mỹ.

Nhưng khí hậu của của Oregon đã không cho phép điều đó xảy ra. Độ ẩm cao đã khiến bom chỉ nổ tung tóe trong khu rừng ẩm ướt và… chẳng có đám cháy nào cả. Kíp máy bay và tàu ngầm Nhật lặng lẽ quay về hướng Tây mà không gây được thiệt hại nào đáng kể cho nước Mỹ.

20 năm sau, một nhóm doanh nhân của thành phố Brookings đã mời Fujita trở lại và tham gia Ngày Tưởng niệm của thành phố. Khi Fujita đến đây, ông đã tặng thanh kiếm katana 400 năm tuổi của gia đình mình cho thành phố để thay lời xin lỗi (ảnh 3).

Thành phố Brookings và Fujita đã duy trì mối quan hệ kéo dài 3 thập kỷ sau đó. Thành phố này đã phong ông thành công dân danh dự vào năm 1997. Ông qua đời chỉ vài ngày sau đó ở tuổi 85.

Một cái cây đã được trồng ở nơi Fujita thả bom, con gái của ông đã rải tro cốt của ông tại vị trí đó. Cô ấy nói rằng cô cảm thấy linh hồn của ông sẽ… bay trên khu rừng mãi mãi (lần sau ông nên rút kinh nghiệm: ném bom vào lúc trời hanh khô).

– Quân Lê –

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *