Từ yêu cầu cấp bách về việc bảo đảm an ninh lương thực trong đời sống hàng ngày, đặc biệt giữa thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, đồng thời bảo vệ sự đa dạng sinh học, Chính phủ Singapore đã đề ra chiến lược thay đổi trọng tâm canh tác nông nghiệp từ nông thôn sang đô thị.
Đảo quốc Sư tử được coi là nước đi tiên phong trong sự thay đổi này, khi quốc gia nhỏ bé đã đặt ra mục tiêu tự sản xuất 30% lương thực vào năm 2030, hay còn gọi là kế hoạch “30 by 30”. Tuy nhiên, 90% nguồn thực phẩm của người dân Singapore lại đến từ việc nhập khẩu do đó mục tiêu này cũng được đánh giá là khó khả thi. Dù vậy, Chính phủ vẫn kêu gọi tất cả người dân cùng tham gia và sẵn sàng cung cấp các khoản tài trợ trong trường hợp cần thiết.
Goh Wee Hou, Giám đốc Ban Chiến lược Cung cấp thực phẩm tại Cơ quan Lương thực Singapore cho biết: “Hoạt động sản xuất lương thực của Singapore hiện chiếm chưa tới 10% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mục tiêu trên của chính phủ đã tính đến các quỹ đất hiện có để sản xuất nông sản và những tiến bộ tiềm năng trong công nghệ cũng như những sáng tạo đột phá”.
Nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn cần bền vững
Các mặt hàng thực phẩm có tiềm năng làm gia tăng sản lượng trong nước bao gồm rau củ, trứng và cá. Theo Cơ quan Lương thực Singapore, ba mặt hàng này dù được tiêu thụ phổ biến nhưng lại khó bảo quản lâu và có nguồn cung dễ bị đứt gãy. Các nguồn protein thay thế như thịt có nguồn gốc từ thực vật được sản xuất trong phòng thí nghiệm cũng là nhân tố sáng giá có thể đóng góp vào mục tiêu “30 by 30” này. Theo ông Goh, trong năm 2020 có 238 trang trại nông nghiệp công nghệ cao được cấp phép ở Singapore.
Hiện Singapore chỉ còn 1% quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp truyền thống, điều này đang tạo ra những rào cản nhất định trong việc sản xuất ra nhiều thực phẩm hơn. Chính vì thế, Chính phủ đặt nhiều hy vọng vào các giải pháp công nghệ khi tuyên bố rằng các trang trại trồng rau bằng đèn LED và hệ thống nuôi trồng thuỷ sản tuần hoàn có khả năng sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn từ 10-15 lần so với các trang trại truyền thống.
Từ năm 2017, nhiều vùng đất ở hai quận ven đô là Lim Chu Kang và Sungei Tengah đã được các dự án trang trại thương mại quy mô lớn thuê để triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi mọi công đoạn sản xuất ở đây đều được tối ưu hóa để đạt công suất tối đa, nhiều ý tưởng nuôi trồng thực phẩm sử dụng không gian đô thị cũng ra đời trong thời điểm đó như: trồng thực phẩm trên mái nhà bãi đậu xe hoặc trên sân thượng tòa nhà cao tầng,..
Hiện tại, Singapore đang khuyến khích triển khai ba mô hình đô thị nông nghiệp:
- Trang trại ứng dụng phương pháp thủy canh Citiponics trên mái các bãi đỗ xe cao tầng ở vùng Ang Mo Kio
- Các trang trại thẳng đứng trong các tòa nhà cao tầng nhằm phát triển các loại thực phẩm không thể sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu và cắt giảm lượng khí thải carbon.
- Hình thành hệ thống sản xuất trong nhà kính thân thiện với môi trường. Đơn cử như mô hình Vườn Natsuki ở quận Tiong Bahru trung tâm thành phố. Theo đó, nhà kính được thiết kế với phần mái chữ V, giúp nhiệt và luồng không khi được lưu thông tốt hơn, tạo ra năng suất 60-80kg thực phẩm mỗi mét vuông trồng trọt.
Bên cạnh ba mô hình nông nghiệp đô thị trên, từ tháng 12/2021, Singapore đã cải tạo biển quảng cáo ngoài trời tại các bến xe buýt trên khắp đất nước thành các “nông trại trong đô thị”. Những vườn rau xanh này dự kiến sẽ sản xuất hơn 100kg nông sản tươi cho bếp ăn từ thiện Willing Hearts. Với tên gọi “Bold Grows Our Future”, đây là dự án hợp tác giữa GIC (Quỹ đầu tư quốc gia Singapore), 72andSunny (agency sáng tạo) và Gardens With Purpose (nơi đào tạo và cung cấp các giống cây trồng hữu cơ).
Bên trong bảng quảng cáo ngoài trời tại 7 điểm dừng xe bus nổi tiếng, Gardens with Purpose đã trồng các loại rau xanh hữu cơ như bông cải xanh, cải thảo, rau diếp bơ… Hằng tuần sẽ có người đến tưới nước và chăm bón những “vườn rau” đặc biệt này cho đến khi chúng sẵn sàng được thu hoạch để giao tới bếp ăn. Mỗi lần thu hoạch sẽ có một loại rau mới được thay thế. Dự án trồng rau xanh tại các bảng quảng cáo đường phố được đông đảo người dân Singapore quan tâm và ủng hộ. Dự án này đã kết thúc vào ngày 12/1 đầu năm nay, tất cả các thiết bị nông nghiệp được sử dụng tại các trạm xe buýt này đều được tái sử dụng để đảm bảo không có rác thải lãng phí.
Chiến lược “30 by 30” đã chính thức bắt đầu vào cuối năm 2021, và chính phủ cũng cung cấp một ngân quỹ trị giá 60 triệu đô la để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Theo Cơ quan Lương thực Singapore, nguồn quỹ này sẽ khuyến khích hỗ trợ cho các trang trại sản xuất xanh hơn.
Dù vậy theo ông Lionel Wong, giám đốc sáng lập Upgrown Farming – công ty tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp mới ở Singapore, chiến lược này có thể khiến ngành sản xuất truyền thống không còn chỗ đứng trên thị trường.
Singapore có thể tự sản xuất lương thực bền vững về lâu dài hay không vẫn còn phải chờ đợi nhưng nỗ lực của chính phủ chắc chắn đã tạo ra một sự phấn khích cho người dân trên khắp cả nước.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ cao cũng như việc tranh thủ không gian đô thị để sản xuất nông nghiệp không những làm gia tăng sản lượng nông sản lớn để giảm bớt lệ thuộc vào nhập khẩu mà còn góp phần tạo ra một không gian sống xanh hơn, khẳng định tính bền vững chính là điểm nhấn trong hình ảnh của Singapore.
Nguồn: Internet, QZ.