John Douglas tiên phong trong phương pháp lập hồ sơ tội phạm của FBI đã có những chia sẻ thú vị như sau:
Nắm chắc vụ án: Trước khi phỏng vấn, John đọc qua toàn bộ hồ sơ về đối tượng và nắm vững chi tiết vụ án. Trong những lần phỏng vấn đầu tiên, John cho biết có sử dụng máy ghi âm hoặc sổ để lưu lại nội dung cuộc trao đổi. Sau này, ông bỏ máy ghi âm và sổ ghi chép để có thể giao tiếp bằng mắt và tạo dựng niềm tin với kẻ sát nhân.
John giải thích rằng đối phương là những kẻ hoang tưởng, thường ngờ vực người khác và hệ thống nhà ngục. Chỉ cần ông cúi đầu xuống viết, chúng sẽ đặt ra hàng loạt nghi ngờ như “tại sao ông cần ghi âm hoặc ghi chép?”, “ai sẽ được đọc chúng?”… và tỏ ra đề phòng.
Tạo môi trường thích hợp: John sắp xếp chọn môi trường phỏng vấn mở để khiến tên sát nhân thấy thoải mái và cho rằng hắn đang nắm thế chủ động. Thời gian phỏng vấn thường vào buổi đêm, đèn để bàn là loại đèn thấp nhằm tạo không khí dễ chịu, không căng thẳng. Nếu phỏng vấn kẻ bị hoang tưởng nặng, John thiết lập chỗ ngồi hướng ra cửa ra vào hoặc ngồi gần cửa sổ (nếu có) để hắn có thể nhìn ra ngoài và “thả hồn”.
Một số kẻ sát nhân chọn cách ngồi lên thành ghế để có vị thế cao hơn John. Với những kẻ này, John coi như không có chuyện gì để tạo dựng lòng tin, nhưng vẫn kiên quyết thái độ “ông cứ ghét tôi nếu muốn, tôi sẽ tập trung khai thác thông tin từ ông”.
Không coi đây là cuộc thẩm vấn: John luôn cố gắng để có cuộc trao đổi bình thường với kẻ phạm tội. Nếu bị chúng hỏi ngược lại về bản thân (về gia đình, công việc,…), John sẽ trả lời thành thật để tạo dựng lòng tin và khiến đối phương mở lòng với mình.
Nếu tên sát nhân định kéo cuộc phỏng vấn theo hướng khác, John sẽ nhẹ nhàng ngăn cản ý định của chúng. Ông có thể cười nói “Thôi nào, tôi biết hết chiến tích của ông rồi. Ông đang cố làm gì đây. Đừng lố như vậy”.
Chú ý ngôn ngữ cơ thể: Khi đang phỏng vấn tội phạm, John không ngồi khoanh tay và thể hiện sự khó chịu. Ông nhấn mạnh cần để ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự thả lỏng và thư thái như buổi hẹn hò.
Ngoài ra, John cũng tránh dùng những chữ như “giết, sát hại, và hiếp”, đồng thời tránh đổ lỗi cho tên sát nhân vì một số kẻ thích đùn đẩy, không thừa nhận trách nhiệm với những hành động và lựa chọn sai lầm trong đời.
Cách tiếp cận trên giúp John khai thác được nhiều thông tin hữu ích. Chẳng hạn, Ed Kemper kẻ giết 10 người ở Mỹ (nạn nhân thường là phụ nữ), đã thú nhận với ông rằng với thủ đoạn tấp xe gần nạn nhân rồi nhìn vào đồng hồ đeo tay, hắn khiến con mồi nghĩ “có thể an toàn lên xe vì người này đang có hẹn, sẽ không làm hại mình”.
Giữ thái độ bình thản: John cho biết không nên có thái độ đối đầu với kẻ giết người nếu muốn khai thác thông tin từ chúng. Dù phải đối mặt với những kẻ giết người man rợ, ông không bao giờ thách thức hoặc có thái độ tiêu cực.
Nói dối nếu cần: Đôi khi để khai thác thông tin, John nói với tên sát nhân rằng cuộc phỏng vấn này sẽ giúp hắn ghi điểm với giám thị nhà tù, từ đó gieo hy vọng ra tù vào đối phương, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.
**Theo: Tâm lý học tội phạm – Phác họa chân dung kẻ phạm tội **