Vượt qua ranh giới: Tưởng tốt nhưng thực chất đang hủy hoại đối phương

Vượt quá ranh giới đồng nghĩa với tước đoạt quyền lợi, không coi đối phương như một cá thể độc lập để đối đãi.

Một cô gái từng nói với tôi rằng từ nhỏ đến lớn, cửa phòng cô ấy chưa bao giờ được khóa. Mới đầu cô ấy nghĩ đó là điều bình thường, nhưng khi lớn lên, bắt đầu có suy nghĩ độc lập và muốn có không gian riêng của bản thân, cô ấy bèn chốt cửa và khóa ngăn kéo lại, nhưng tất cả đều bị cạy mở. Một vài bậc phụ huynh sau khi cạy khóa vẫn bí mật cất lại nhật ký hoặc những đồ vật riêng tư của con mình vào chỗ cũ. Ít ra họ vẫn biết lấp liếm và nghĩ rằng xem trộm nhật ký của con là điều không thỏa đáng. Nhưng cha mẹ của cô gái này thì không, họ công khai đặt những đồ vật lấy từ trong ngăn kéo con mình ở những nơi bắt mắt hay treo ổ khóa bị cạy mở ngay trên chốt cửa.

Bậc phụ huynh này còn nói một cách dõng dạc rằng: “Cha mẹ không cho phép con có bí mật riêng, của con cũng là của mẹ, mọi thứ đều phải nghe theo lời mẹ; đối với mẹ, không có phân chia mẹ con gì cả, mẹ đương nhiên có thể mở khóa cửa và ngăn kéo của con rồi. Hơn nữa, mẹ vẫn rất tức giận: Sao con lại khóa cửa? Con không biết ai sinh ra và nuôi lớn con à?”

Rõ ràng một đứa trẻ đặt chân vào thế giới này với tư cách là một con người, dù cha mẹ có muốn hay không thì chúng đều không thể hệt như những gì cha mẹ tưởng tượng và không nên để cha mẹ tước đoạt quyền lợi: Khi con còn nhỏ, cha mẹ cần phải chăm sóc nên không khóa cửa phòng để có thể nghe thấy tiếng gọi của con mình; đến khi đứa trẻ lớn lên, chúng có suy nghĩ và tâm tư riêng của mình, chúng ta cần phải chú ý và tôn trọng điều ấy. Nhiều bậc cha mẹ do không thích ứng được với những thay đổi của con trong quá trình dậy thì mà khó lòng chấp nhận những thay đổi ấy, vẫn coi đứa trẻ hiện tại là đứa trẻ sơ sinh trong quá khứ.

Có thể thấy sự vượt quá ranh giới trong mối quan hệ cha mẹ – con cái là chuyện rất phổ biến, đó là lý do tại sao mỗi khi nói về ranh giới, chúng ta luôn bàn về cách nuôi dạy con cái của gia đình gốc – nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Hiện tượng vượt ranh giới này không chỉ tồn tại trong gia đình gốc mà còn sao chép vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống và công việc của trẻ khi chúng lớn lên.

Ví dụ, trong mối quan hệ yêu đương, liệu bạn có từng gặp phải một người bạn trai hoặc bạn gái luôn giúp bạn làm mọi việc? Khi đi làm, bạn có từng gặp phải cấp trên luôn bắt bạn phải làm mọi thứ? Những mối quan hệ như vậy luôn có thể khiến người ta trở nên bực dọc. Khi không giữ vững được ranh giới của bản thân và lúc nào cũng bị người khác xâm phạm, ai cũng sẽ cảm thấy khó chịu, lâu dần sẽ đánh mất tiếng nói của chính mình.

Cho dù là mối quan hệ xã giao hay mối quan hệ thân mật, luôn tồn tại những ranh giới cơ bản để chúng ta tuân theo, đó chính là ranh giới cơ bản của một con người. Bởi vậy nếu rơi vào những trường hợp trên, bạn cần phải thể hiện sự phản kháng và tính hung hăng của bản thân thay vì im lặng chịu đựng. Chẳng hạn: “Con rất buồn vì mẹ làm như vậy”, “tôi biết công việc này rất quan trọng, nhưng hôm nay tôi thực sự không thể cáng đáng thêm được nữa”. Chỉ khi bạn biết mượn tính hung hăng để vạch rõ ranh giới, những người tước đoạt sẽ không có cơ hội làm tổn thương bạn nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *