Nhiều người lăn xả vào thị trường, sống trong mớ hỗn độn thông tin nhiều chiều và những ngày xanh đỏ, nhưng khi bình tâm lại tự hỏi mình câu hỏi đơn giản trên kia, lại chợt nhận ra – Chưa thử cắt nghĩa rõ ràng bao giờ? Trong khi, đây là câu hỏi nguồn cơn của rất nhiều vấn đề trong đầu tư, trả lời được, thì đồng thời bạn cũng sẽ xác định được quy trình đưa ra quyết định đầu tư của mình. Vì sao mua cổ phiếu?
Bỏ qua các vận động tăng giá ngắn hạn theo tự nhiên của thị trường, mình xin đưa ra một số trường hợp thường xuyên giúp cho cổ phiếu tạo ra 1 “sóng tăng” đáng kể. Sẽ bất ngờ với nhiều người vẫn thường xuyên đánh giá mọi cổ phiếu dựa vào một nguyên tắc nhất định, trong khi thị trường là muôn hình vạn trạng.
Cổ phiếu tăng giá theo chiều tăng định giá doanh nghiệp.
Điều đầu tiên khá hiển nhiên và dễ hiểu, cũng là điều nhiều nhà đầu tư vẫn trăn trở. Nói về tăng trưởng, nói về dài hạn, đây sẽ là con đường “chính đạo” nhất, bền vững nhất và bản thân mình cũng “cổ súy” cho lối đi này. Trong một bài post cách đây vài tuần, mình có cắt nghĩa gọn gàng về đầu tư tăng trưởng. Doanh nghiệp mở rộng về quy mô tài sản hoặc tăng trưởng lợi nhuận, khả năng sinh lời sẽ giúp cho cổ phiếu có màn thể hiện tương ứng. Một chút lưu ý nhỏ cho dạng này, đầu tiên là khó có định giá rẻ đặc biệt sau 2 năm uptrend của thị trường. Mình tin rằng đang không có cổ phiếu tăng trưởng nổi trội, thị trường đã chú ý, lại có định giá rẻ tại thời điểm này. Tuy nhiên, chỉ cần bạn mua với giá “hợp lý”, thì cổ phiếu vẫn sẽ có màn tăng trưởng đủ hấp dẫn đi cùng với giá trị doanh nghiệp. Ví dụ cho loại cổ phiếu này, bạn có thể nhìn FPT với P/e đang ở mức 20 lần, không thể coi là thấp với tăng trưởng đều 20% một năm. Nhưng ngay cả việc khó tăng trưởng về P/e (rerate), upside của FPT vẫ có thể đến từ việc năm sau và sau nữa, “e” của FPT liên tục tăng trưởng, giúp FPT tăng trưởng về định giá và phản ánh lên cổ phiếu. Dù vậy, rủi ro của các cổ phiếu tăng trưởng nói chung chính ở chỗ định giá không rẻ, dễ gặp những giai đoạn tâm lý thị trường “derate” các mức định giá này dù doanh nghiệp vẫn tăng trưởng. FPT về P/e 15, không phải là không thể nếu không muốn nói là đã từng thường xuyên ở mức này, như vậy thì FPT vẫn hoàn toàn tiềm ẩn các nhịp điều chỉnh 25% trong các bối cảnh xấu của thị trường. Những lúc này, bạn đừng thắc mắc vì sao doanh nghiệp vẫn tốt mà cổ phiếu thì ngược chiều.
Lưu ý nhỏ tiếp theo, cho đầu tư tăng trưởng, hãy chọn doanh nghiệp đủ lớn, đủ minh bạch về thông tin và đủ tính thị trường để bạn không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của một vài người đứng sau.
Cổ phiếu biến động giá xung quanh vùng giá trị xứng đáng
Chúng ta vẫn thường xuyên nói về cổ phiếu dưới giá trị, cũng cần phải hiểu rằng, có những cổ phiếu dưới rất sâu vùng giá trị xứng đáng, thì ngược lại cổ phiếu cũng thường xuyên duy trì ở những mức cao vô lý, điều mà mình tin rằng nhiều trường hợp đang hiện diện tại thời điểm này. Trường hợp này mình cũng đã có đánh giá trong bài post hôm nọ. Post này xin giành thời lượng cho nội dung sau đây.
Game tài chính – Một phần của cuộc chơi
Đọc đến đây, đừng vội chụp mũ tác giả là đầu cơ, là cờ bạc. Trong những sách vở chính thống về tài chính đầu tư, cũng có khái niệm khá đầy đủ về “Event Trading Strategy” – một phần của những “game tài chính” như là một phương pháp đầu cơ phù hợp trong nhiều hoàn cảnh. Như vậy, không phải ở thị trường Việt Nam kém phát triển hay thiếu minh bạch, mà đây phải là một phần cuộc chơi nếu không muốn nói là phần khá lớn.
Bạn cũng cần hiểu, cổ phiếu vốn dĩ cũng là 1 công cụ quan trọng trong hoạt động quản trị tài chính của ông chủ và doanh nghiệp. Việc đưa cổ phần doanh nghiệp niêm yết lên thị trường chứng khoán, bên cạnh nhiều lý do thì việc tạo ra 1 công cụ tài chính cũng là yếu tố tiên quyết. Một ví dụ nhỏ đó là có thể nhanh chóng cầm cố cổ phiếu dưới dạng các khoản vay khác nhau như Margin, các hợp đồng Repo, và cả trái phiếu.
Liệt kê nhanh một số game tài chính thường gặp và làm ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu, dù bản chất không làm tăng giá trị doanh nghiệp, không hàm chứa tăng trưởng kết quả kinh doanh.
– Phát hành tăng vốn, bán vốn cho cổ đông chiến lược. (rất rất nhiều không đếm xuể)
– Cổ đông tài chính thoái vốn. (DBC, MLS, PAN, ELC, ITC,….)
– Thâu tóm, chống thâu tóm. (TCM, VCS)
– Cổ phiếu hỗ trợ cho các công cụ nợ: Margin, Repo, Trái phiếu doanh nghiệp (VIC, PDR, NVL…)
– Chuyển sàn ( năm thuận thì tăng, những năm tiền yếu trước đây thực chất cũng chả ai đoái hoài).
– Thâu tóm, sát nhập, hoán đổi (KDH vs BCI, SBT vs BHS, GTN)
– Thoái vốn nhà nước ( cũng rất, rất nhiều)…
– Một phần góc tối cuối của dạng này, đó là các game tài chính thuần “bánh vẽ”, sinh ra để đánh lừa các nhà đầu tư nhỏ lẻ bên ngoài, hay chúng ta vẫn gọi chuẩn là đánh bạc. Tất nhiên, cần bài trừ và tránh xa.
….
Để thấy, nếu bạn phân tích tình hình tài chính, triển vọng kinh doanh các cổ phiếu dạng này, hoặc là không đủ cho quyết định đầu tư, hoặc tệ hơn có thể nói là không liên quan gì. Và trong một thị trường muôn vẻ, chọn đúng cổ phiếu thuần theo cơ bản doanh nghiệp để thực hiện các phân tích theo đúng trọng tâm vấn đề cũng không đơn giản chút nào. Nếu không, thì thành ra bạn nói gà nhưng cổ phiếu lại lên xuống do cái vịt.
Ở góc nhìn khác, liệu có nên theo các game tài chính? Và theo thế nào. Thứ nhất, để theo các game tài chính, hiểu cuộc chơi và đủ tính dự đoán, thì yêu cầu về kiến thức tài chính – đầu tư của bạn cũng không khác khi đầu tư tăng trưởng, đừng coi nó đơn thuần là cờ bạc. Thứ hai, vị thế quan trọng, từ vị thế về nguồn thông tin, vị thế về khả năng xử lý và phán đoán thông tin, vị thế về quản trị rủi ro. Nhưng câu chuyện như “mình nghe cổ phiếu A sắp bán vốn giá 20”, “cổ phiếu B sắp lên 100”, không phải là những lí do đủ cho các quyết định xác đáng, muốn đủ thì xem lại hai điều ngay trên đây.
Bạn có thể bài trừ những câu chuyện góc khuất này, có thể coi nó không phải là đầu tư chính thống cũng được. Nhưng quan trọng nhất của những gì mình vừa chia sẻ, đó là hãy hiểu mọi cuộc chơi mình tham gia, đó là bước đầu tiên của quy trình dẫn đến thành công.
Nguồn: Tuấn Hiếu