Vào thời vua Minh Mạng, có hai cha con kia, nhà ở gần nhau. Cha thì nghèo, mà con thì rất giàu.
Đêm khuya nọ, cha lén sang nhà con xúc trộm gạo. Con thức giấc tưởng là kẻ trộm, vội vác gậy đánh ở đằng sau lưng, khổ thay, cha ngã lăn ra chết.
Lúc đó con mới nhận ra là cha mình.
Các tòa án Làng, Xã Huyện đều xử là ‘ngộ sát’ (giết lầm). Vụ án được xét là ổn và gởi tường trình về kinh đô Huế.
Khi vua Minh Mạng duyệt đến vụ này, người bỏ ra cả một đêm đọc đi, xem lại và cuối cùng vua bác bỏ bản án, buộc xử lại và truyền lệnh tử hình người con.
Vua Minh Mạng phân tích rằng:
“Không phải chỉ xét việc giết người, mà phải xét việc ăn trộm.
Tại sao người cha phải đi ăn trộm? Lại là ăn trộm của con?
Một người con giàu có, mà để cho cha mình đói khổ đến nỗi đêm hôm sang nhà con ăn trộm gạo, thế thì người con đó là gì?
Có đáng là con không?
Tội ‘bất hiếu’ như thế thật đáng phải chết. Trước khi đã giết lầm cha bằng gậy, thì đứa con đã để cha chết nhục và chết đói rồi”.
(Cre: Tinh hoa TV)