Hồi nhỏ tớ thích đi ăn cỗ lắm. Cỗ cưới, cỗ giỗ, đầy tháng, mừng thọ, hội đồng niên, đồng hương… chỉ cần mẹ cho là đi, có khi còn đòi đi. Lúc đấy ham chơi, mấy nơi đó lúc nào cũng đông trẻ con cả.
Lớn hơn một tí, chắc tầm cấp hai, thì chẳng đám cỗ nào có mặt tớ nữa. Đó là lúc bắt đầu sợ họ hàng. Bởi vì lúc đó người lớn bắt đầu hỏi, nhận xét. Hỏi thành tích học tập, hỏi điểm, hỏi được giấy khen loại gì. Thực ra cái đấy tớ không sợ, vì tớ học không tệ. Nhưng tớ sợ mọi người nhận xét. Mợ bảo tớ sao dạo này đen thế, dì hỏi sao mặt nhiều mụn, các thím hỏi sao mà ngày càng gầy, các bác bảo phải nhặt rau thế này, pha nước chấm thế kia, con bé này sao mà ít nói quá. Tính tớ hướng nội, lúc đó nhát lắm, mọi người còn hay trêu, vậy nên càng thêm sợ.
Thế là mỗi năm nhà ông bà ngoại có việc cả hơn chục lần, nhưng chỉ thấy tớ mỗi ngày tết. Ông bà nội không ở đây, họ hàng bên nội chẳng biết mặt mũi tớ thế nào, lớn đến đâu, có gặp ngoài đường cũng không nhận ra. Nhà có việc thì tìm cách núp trong phòng, đến bữa ló mặt ra ăn một tí. Tết nhất chỉ đi chơi với bạn bè, chẳng theo ba mẹ thăm họ hàng nữa. Không phải mình tớ, các anh chị em họ đều như thế cả.
Mọi người nhắc nhiều lắm. Mỗi lần ba mẹ đi đâu về cũng nói lại. Ông bà bảo nhà ông bà mà nó không thèm ra, các bác bảo ba mẹ giấu tớ kĩ thế. Lần nào mợ hay các thím vào nhà chơi cũng dặn bữa sau nhớ ra bà ăn giỗ, nhớ sang nhà thím ăn cưới chị. Hiếm hoi gặp các bác một lần thì bị nhắc mày cứ thế thì không biết họ hàng ai với ai.
Sau này, khi lớn hơn, chắc là lúc 17 tuổi, tớ mới vượt qua được nỗi sợ họ hàng. Đó là lúc nhận ra mình còn gặp ông bà được bao nhiêu lần nữa mà tránh. Nhận ra mình phải học cách giao tiếp với xã hội, đầu tiên và đơn giản nhất là với những người họ hàng. Nhận ra họ hàng cũng là người thân, là người giúp đỡ ba mẹ rất nhiều đấy thôi. Nhận ra không thể tránh họ hàng cả đời được. Với lại lúc đó lớn rồi, mới biết suy nghĩ câu nói nào nên để trong lòng, câu nói nào nên cho qua, vì đó là phong cách nói chuyện của người lớn ở quê, nó là bình thường mà.
Đương nhiên không còn đi mọi đám cỗ như ngày nhỏ. Nhưng chỉ cần nhà bà có việc vào ngày nghỉ thì tớ sẽ ra chơi. Không mắc học thì chuẩn bị ăn diện xinh xắn đi đám cưới các anh chị. Nhà có việc thì ra ngồi nhặt rau với các thím, học cách làm cái này, cái kia. Ngày tết sẽ chở mẹ đi thăm họ hàng. Tớ học cách nói chuyện và trả lời những câu nhận xét, cách nói đùa với mọi người.
Cả năm vừa rồi dịch, ở nhà suốt nhưng không được đi đám cỗ nào, tớ lại thấy hơi buồn. Tự nhiên thèm cái không khí đông người, nghe tiếng nói cười ồn ào, nghe kể chuyện ngoài bắc, trong nam, chuyện yêu đương của các anh, các chị.
Sắp tới đi làm rồi, chắc chỉ còn gặp họ hàng mỗi dịp tết. Cũng sợ sau này bị hỏi lương, hỏi người yêu, hỏi chuyện lấy chồng. Nhưng mà học được cách trả lời thoải mái của các anh chị nhà tớ, chẳng sợ lắm. Coi nhẹ những lời nói đi một chút, câu hỏi nào khó quá thì trả lời chung chung, đùa cho qua, mọi người cũng biết ý, chẳng ai để bụng đâu. Nói chuyện, hỏi thăm mọi người như bình thường. Dần dà sẽ thấy, họ hàng không có gì là ghê gớm.
May mắn là họ hàng nhà tớ không đáng sợ như một số bài viết tớ từng đọc. Nhưng tớ thì vượt qua được, chứ thằng em tớ sinh viên năm hai vẫn tránh họ hàng như tránh tà. Mong là các cậu không vướng vào nỗi sợ ấy, luôn cảm thấy thoải mái mỗi dịp gặp họ hàng trong những đám cỗ, hay dịp tết đến xuân về, để sắp tới còn nhận lì xì nữa kìaa.
Mình đã từng rất sợ việc đi ăn đám giỗ ở nhà họ hàng vì mỗi lần như vậy mình toàn bị chê béo, mặt nhiều mụn, bị hỏi những câu hỏi “thi được mấy điểm?”. Nhiều người còn vô tình gây áp lực bởi những câu nói đại loại như “lo mà học đi không sau ni buôn bán ngoài chợ khổ lắm!”. Nhưng lớn lên, mình lại “miễn dịch” với những điều đó