Buổi sáng, bất kể mưa, gió, lạnh, nóng, hễ lái xe ngang qua đây là tôi bắt gặp ông. Ông ngồi giữa hai cái xe đẩy của chợ Walmart, trên có tấm bạt che ngang. Buổi chiều chạy ngang thì không thấy ông, chỉ thấy một chiếc xe đẩy với đủ thứ hầm bà lằng còn đó.
Mấy hôm nay trời lạnh, ông mặc áo quần nhiều lớp, quấn tấm mền cũ. Ngồi, nhìn xuống dòng xe chạy. Không biết ông nghĩ gì. Chỗ ông ngồi, chuẩn bị bắt vào xa lộ nên không tiện cho ai dừng xe lại. Tôi cũng chạy ngang, rất nhiều lần, nhìn ông rồi chạy đi luôn. Cho đến hôm qua, tôi dừng lại. Trước khi dừng lại, tôi ghé vào tiệm Starbuck, lấy cho mình một ly cà phê, lấy thêm một ly “latte” lớn và một cái bánh ngọt. Tôi tấp xe vào lề, bật đèn khẩn cấp. Bước xuống xe, đi lại chỗ ông. Ông ngước mắt nhìn, không tỏ vẻ vồn vập hay ngạc nhiên. Ông chỉ nhìn rất đỗi bình thường. Tôi chào ông và nói muốn gởi ông ly cà phê với chiếc bánh ngọt.
Ông vui vẻ đón lấy. Đặt chiếc bánh ngọt xuống một bên, rồi hai tay cầm ly cà phê nóng, xoa xoa dường như muốn làm cho ấm hai bàn tay. Rồi đưa lên mũi, hít hít.
– Lâu rồi, tôi mới được uống cà phê loại này.
– Sao tôi chỉ thấy ông ở đây buổi sáng? Nhiều buổi chiều, chạy ngang qua không thấy ông?
– Chỗ này khuất gió, ấm nên dễ ngủ. Buổi chiều tôi phải di chuyển chỗ khác chứ không “tụi nó” ám sát tôi.
– Ai?
– Tụi nó đông lắm. Nó rình rập theo tôi hoài. Nó muốn giết tôi nhiều lần nhưng tôi đánh lạc hướng “tụi nó”. Tôi từng là dân Thủy Quân Lục Chiến mà. Ông cười hè hè với mấy chiếc răng cửa đã mất.
– Để ngày mai tôi đem cho ông cái túi ngủ (sleeping bag).
Ông chỉ chiếc xe với từng chồng quần áo cũ, với bao chai, lọ, v.v., rồi bảo: Tôi đã có đủ rồi. Ông để dành cho người khác đi.
Tôi chào ông, lên xe. Ông nói với theo. Cám ơn nhiều, cám ơn nhiều. Tôi lái vào xa lộ, nghĩ hoài, “tụi nó” là ai mà cứ theo dõi để “ám sát” ông?
Sáng nay, đi qua ngang đó, không thấy ông nữa. Chỉ thấy chiếc xe đẩy, chất đầy đồ cũ như mọi khi, còn nằm đó. Tôi chợt nhớ tới nụ cười với mấy chiếc răng cửa đã mất, cùng câu nói của ông “Tôi đã có đủ rồi. Ông để dành cho người khác đi”.
Sao một người vô gia cư biết mình đã đủ? Tôi nghĩ mãi.
Đoàn Nhã-Văn (LT)