Adam Johnson, cựu cầu thủ Sunderland và Manchester City, đã và đang bị “biến mất” như chưa từng tồn tại trong bản đồ bóng đá Anh Quốc. Vào năm 2019, khi anh này ra tù, anh được “đặc cách” di chuyển vào ban đêm để tránh tai mắt của người hâm mộ, sự phản ứng tiêu cực của giới truyền thông. Premier League và Championship xác nhận rằng không còn bất cứ mối liên hệ nào với anh. Các giải đấu cấp thấp hơn cũng có cam kết ngầm rằng Adam Johnson sẽ không thể xuất hiện thêm trên cỏ nước Anh thêm một lần nào nữa.
Một cái tên khác cũng khá nổi tiếng là Gylfi Sigurdsson cũng “thân bại danh liệt” vì vướng cáo buộc ấu dâm. Vụ việc của Gylfi Sigurdsson vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Nhưng báo chí Iceland đã đưa nói Gylfi Sigurdsson là “nỗi ô nhục quốc gia”, một số đơn vị đưa tin rằng cánh cửa đội tuyển Iceland đã khép lại vĩnh viễn với Gylfi Sigurdsson.
Đó là ví dụ về cái giá phải trả cho các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em.
Tội phạm ấu dâm có lẽ là một trong những loại tội phạm bị xã hội lên án nhiều nhất. Thực tế, Minh Béo không vi phạm pháp luật tại Việt Nam và không phải chịu những án phạt của pháp luật Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa và Minh Béo vô can và các cơ quan quản lý nghệ thuật Việt Nam dễ dãi bỏ qua.
Đằng sau mỗi bản án, đều là một cuộc đời muốn làm lại. Nhưng làm lại cuộc đời không có nghĩa rũ bỏ quá khứ, tẩy trắng và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Việc trao giải thưởng cao ở cấp độ quốc gia cho một diễn viên từng phạm tội ấu dâm là một cú tát với khán giả và cho cả việc quản lý văn hóa.
Đừng quên rằng, mới chỉ 6 tháng trước thôi, diễn viên Minh Béo từng vướng nghi án gạ tình, đổi tình lấy vị thế sân khấu với một nghệ sĩ trẻ. Trong cáo buộc ấy, nghệ sĩ trẻ này cho biết có nhiều người cũng ở vào trong tình cảnh như anh mà họ chấp nhận. Sau mỗi bản án, thường người phạm tội sẽ có thời gian thử thách, liệu trao giải cấp quốc gia cho một nghệ sĩ vướng bê bối trong thời gian ngắn như vậy liệu có nên không? Và liệu cơ quan quản lý có vào cuộc xác minh vụ việc trả lại nghệ thuật đích thực trên sân khấu hay không?
Dường như khâu quản lý nghệ sĩ của chúng ta đang bị thả trôi và xa rời quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, nhiều người nhìn sang showbiz nước bạn như Hàn, Trung, Đài… mà thầm mong rằng giá như chúng ta học được ở họ một khía cạnh nào đấy. Showbiz của một quốc gia đóng góp vào một phần vào bộ mặt của quốc gia ấy, phản ánh việc quản lý hành chính – xã hội, khuếch đại quyền lực mềm, làm văn hóa của mỗi quốc gia thêm giàu mạnh. Phát ngôn sốc, kích động người dân, thù hằn dân tộc, phân biệt vùng miền, phát ngôn sai sự thực… mà họ vẫn đường hoàng trở lại.
Mỗi giải thưởng cấp quốc gia đều là nền tảng để xét các danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân – hai danh hiệu đại diện cho nền nghệ thuật Việt Nam, đại diện cho văn hóa Việt Nam. Việc trao tặng giải thưởng dễ dãi bất chấp tội danh đáng lên án thực sự rất khó có thể chấp nhận dù viện dẫn lý do gì.
Đúng là người Việt có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Người Việt vốn dễ tha thứ và luôn để một cánh cửa cho những ai lầm đường lạc lối. Nhưng tha thứ chứ không phải rũ bỏ sạch bóng mọi tội lỗi. Minh Béo đã được quay trở lại Việt Nam, có một nhà hát kịch nhỏ, pháp luật cũng không thể cấm Minh Béo hoạt động kịch nói. Nhưng đứng trên sân khấu quốc gia, nhận giải thưởng quốc gia trong khi vừa mới dính bê bối gạ tình cách đây 6 tháng là một điều hoàn toàn khác, lố bịch và phản cảm. Khiến cho phần đông khán giả cảm giác rằng. Đúng là không phải sân khấu hài, nhưng vẫn khiến cho người ta cười.
Nhưng ở đây là những nụ cười rất tréo ngoe.
—
#tifosi
Tréo ngoe: trái khoáy, oái ăm.