1. TẠI SAO THẮP HƯƠNG LUÔN THẮP SỐ LẺ?
Theo quan niệm dân gian, do phụ nữ có khả năng mang thai, nên số 2 cũng như các số chẵn nói chung mang tính âm, số lẻ mang tính dương. Thắp số hương lẻ để thể hiện là người dương thắp cho người âm, thắp số chẵn sẽ mang lại điều không lành. Từ xưa, đã có thói quen thắp 1,3,5,7,9 hay số lẻ các nén hương. Thường nhất là ba nén, một nén cắm chính giữa đứng thẳng, hai nén còn lại nghiêng hai bên. Theo thuyết luận đạo Lão là để cúng tam tinh (Phúc, Lộc, Thọ) và triết lý nhà Phật là để cúng tam bảo (Phật, Pháp, tăng), tam giới (dục, sắc, vô sắc giới), tam thời (quá khứ, hiện tại và tương lai), tam vô lậu (giới, định, tuệ). Cũng có nơi thắp 5 cây hương sắp hai hàng, hàng trong ba cây lập án tam tài tương ứng với thiên, địa, nhân (trời, đất, người) đứng hàng ngang cai quản thế giới. Hàng ngoài hai cây tọa thế che đỡ cùng với ba cây còn lại tạo dựng ngũ khí, là năm nguyên tố cấu tạo vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim loại, cây cỏ, nước, lửa và đất).
2. TẠI SAO LẠI CÚNG MỘT BÁT CƠM VỚI QUẢ TRỨNG?
Nghi thức cúng bát cơm quả trứng trong tang lễ truyền thống của người Việt chính là một nét nổi bật mang đậm triết lý âm dương. Đây là một lễ thức cổ xưa với quan niệm người chết về thế giới bên kia vẫn cần có thức ăn. Đây là suất ăn đường khi về với tổ tiên. Người ta xới hai bát cơm úp lồng lên nhau. Một bát cơm ta ăn là dương, nhưng hai bát cơm úp vào nhau lại trở thành âm. Quả trứng tròn là dương – vì nếu ấp quả trứng sẽ nở thành con – dương. Việc cúng “bát cơm – quả trứng” bắt nguồn từ thuyết âm dương. Người ta lấy một đôi đũa cắm hai bên sát vào quả trứng, nhằm giữ cho quả trứng khỏi rơi. Người ta thường vót đũa thành tua ở một đầu, gọi là đũa bông. Đôi đũa bông tượng trưng cho vũ trụ cho sự sống, với ý nghĩa có âm dương mới tạo ra sự sống. Nghi lễ này đã thể hiện mong muốn và sự cầu chúc cho người quá cố sớm đầu thai.
3. TẠI SAO LẠI ĐẶT QUẢ CHUỐI TRÊN BỤNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT?
Theo dân gian, Thiên cẩu là con chó giữ của trời. Nếu nó nghe được dưới trần gian có người chết thì xuống móc ngũ tạng ăn. Do đó, ở Nam Bộ có tục đặt một nải chuối xanh trên bụng người đã khuất. Sau đó, người ta đốt 5 ngọn đèn, tượng trưng cho 5 vị thần canh giữ cho người đã mất.
4. Ý NGHĨA CÁC NGÀY LỄ 49 VÀ 100 NGÀY
Có khi gọi là cúng 49 ngày, có khi là 50 ngày. Sở dĩ có sự khác biệt này là dựa vào câu thành ngữ của nhân dân ta “trẻ dôi ra, già quặp lại”. nghĩa là lễ tuần 49 ngày cho những người mất có tuổi thọ từ 60 tuổi trở lên, còn người mất dưới tuổi này thì lễ tuần đúng 50 ngày. Gia lễ xưa gọi lễ này là chung thất. Về cúng 49 ngày, theo Phật giáo Mật tông Tây Tạng, người chết ý thức chìm trong giấc ngủ say 3 ngày, sau đó lang thang trong vũ trụ cho đủ 49 ngày, nên các ngày đó người sống phải cúng, linh hồn người chết mới có cái ăn.
Cúng 100 ngày là tuần “tốt khốc” có nghĩa đến tuần này mới thôi khóc. Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.
5. TẠI SAO TRONG CỖ CÚNG LUÔN CÓ GÀ TRỐNG
Trong niềm tin của con người, gà trống là phương tiện kết nối thế giới thế tục và thế giới siêu nhiên. Bởi vì gà trống báo hiệu ngày mới, nên nó cũng có năng lực chống lại những ảnh hưởng xấu của bóng đêm. Sở dĩ người ta cúng gà bởi gà thể hiện tư duy lưỡng hợp của cư dân nông nghiệp, thể hiện cho tầm cao, cho ánh sáng ban ngày, cho sự sống.
Con gà trống được cho là hội tụ đủ 5 phẩm chất mà một dấng quân tử cần phải có: văn (mào gà giống mũ của các quan văn), Võ (có móng, cựa), Dũng (đánh nhau bảo vệ bầy đàn), Nhân (luôn chia sẻ thức ăn với bầy đàn), Tín (gáy đúng giờ).
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người Á Đông thường nghĩ đến con gà trong 12 con giáo, hiện thân của thần linh (thần Kê) cai quản thế gian trong một chu kỳ tuần hoàn của trời đất (12 năm). Do đó, con gà có khả năng chi phối đền vận mệnh, niềm hạnh phúc của con người. Đồng thời đại diện cho những khát vọng thầm kín của họ.
Đồng thời theo quan niệm xưa “Lợn thì chầu ra, gà thì chầu vào”. Việc bày con gà quay đầu về hướng bàn thờ, bát hương tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Cúng gà ngoài trời thì ngược lại, phải bày gà sao co đầu hướng ra phía ngoài đường.
6. TẠI SAO KHÔNG CÚNG THỊT CHÓ?
Chó được cho là khắc tinh của ma quỷ (có câu ví là “như chó cắn ma” vì người ta cho rằng chó sủa rất lớn khi thấy ma). Trong tín ngưỡng chung, chó là vật nuôi không sạch sẽ nên không được dâng lên để cúng.
Nguồn: unesco.vn, cơ sở văn hóa Việt Nam, dsvh.gov.vn, vtc.vn, baoapbac.vn