Petra là thủ phủ của tộc Nabataeans, tộc người được biết đến lần đầu tiên vào năm 312 trước Công nguyên khi họ sống sót qua cuộc chinh phạt của Antigonus, một trong những người kế nhiệm của Alexander Đại đế. Trong thời kỳ đó, tộc Nabataeans chỉ sống cuộc sống du mục và Petra khi ấy có lẽ chỉ là địa điểm của những lều trại và các kiến trúc giản đơn.
Thời kỳ hoàng kim của Petra bắt đầu khi nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia tăng cao. Petra dần trở thành trung tâm thương mại giữa bán đảo Ả-rập, Tây Á, Ai Cập và đông Địa Trung Hải.
Dựa vào những phân tích về các di tích còn sót lại ở Petra, ta thấy được các thánh đường và lăng mộ được tạc vào đá khoảng 2.100 năm trước, khi người dân Petra bắt đầu rời bỏ các lều trại để sống trong những ngôi nhà tạc vào đá, bắt đầu thời kỳ đô thị hóa.
Các cuộc khai quật đã cho thấy sự thịnh vượng của Petra đến từ việc người Nabataea đã xây dựng một hệ thống cấp nước và trữ nước giúp thành phố trở thành một ốc đảo trù phú. Một hệ thống phức tạp các đập, bể chứa và đường ống dẫn nước giúp cho nước được tích trữ trong mùa mưa và đủ cho nhu cầu sử dụng trong giai đoạn hạn hán kéo dài. Có thể nói, thành phố này đã làm giàu không chỉ nhờ thương mại mà còn bằng cách… bán nước.
Thời kỳ suy thoái của Petra bắt đầu dưới thời kỳ cai trị của đế chế La Mã, nguyên nhân là do sự chuyển dịch từ thương mại trên bộ sang thương mại trên biển. Cùng với đó là vào năm 363, một trận động đất đã phá huỷ các công trình xây dựng và hệ thống dẫn nước của thành phố. Không còn giàu có như xưa để có thể sửa chữa và duy trì hệ thống phức tạp này, người dân bắt đầu rời bỏ thành phố Petra.
Thành phố này được nhà khảo cổ Johann Ludwig Burckhardt khám phá ra vào năm 1812. Petra càng nổi tiếng hơn khi một số cảnh của bộ phim “Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng” được quay tại đây. Trong cốt truyện của bộ phim, Petra được coi là vùng đất của Chén Thánh. Bạn có thể đến thăm Petra bằng cách bay đến thủ đô Amman của Jordan và lái xe 185km về phía tây nam.
Đền Monastery (dịch sang tiếng Arập là “Ad-Deir”, có nghĩa là “tu viện”), đền thờ lớn nhất ở Petra, được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Một dòng chữ cho thấy vua Nabataean Obodas được thờ ở đây, ông được tôn lên làm thần sau khi chết. Đến thời La Mã, Ad Deir được sử dụng làm nhà nguyện Thiên chúa giáo.
Khazneh là lăng mộ nổi tiếng nhất của Petra, tiếng Ả-rập có nghĩa là “Kho báu”. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì người dân địa phương đã từng tin rằng ngôi mộ chứa kho báu bí mật.