Ngôn ngữ cơ thể (tiếng Anh: Body Language) được hiểu đơn giản như một cái vuốt tóc, cách bạn đặt tay trên hông, cách bạn di chuyển, một cái bắt tay, nhịp thở, tốc độ và cao độ của giọng nói, hay đơn giản chỉ là một ánh nhìn.
Nếu như ngôn ngữ dùng để biểu lộ suy nghĩ, ý định hoặc trạng thái của mỗi người và cũng còn có thể để che dấu, đánh lạc hướng người khác (vì ngôn ngữ gắn liền với ý thức, nó được sử dụng một cách có chủ định của ý thức) thì ngôn ngữ cơ thể hoặc không gắn liền với ý thức, hoặc ít chịu kiểm soát của ý thức. Chúng chủ yếu là những hành vi vô thức, là những thói quen hay phản xạ bản năng mà con người không hoặc ít tự nhận biết được.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tín hiệu không lời mang thông tin nhiều gấp 5 lần so với nói bằng lời. 75% thông tin mà con người thu nhận được là qua kênh thị giác, qua kênh thính giác là 12%, xúc giác là 6%, khứu giác là 4%, vị giác là 3%.
—
Một số hành vi phi ngôn ngữ và thông điệp của chúng:
Giao tiếp bằng mắt (Eyes contact).
“Ngôn ngữ của đôi mắt” giúp điều chỉnh buổi giao tiếp. Nó là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của mình đối với người khác và làm gia tăng uy tín của người nói cũng như hiểu được cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp.
– Nếu bạn nhìn xuống đất, bạn đang nói với người đối diện rằng tôi ngại ngùng, hồi hộp và thậm chí không đáng tin cậy.
– Mắt nhìn về một hướng, mi mắt và tròng mắt hơi cụp xuống là biểu hiện một nỗi buồn.
– Còn tròng mắt mở to, hai con mắt nhìn rất mạnh vào người khác là biểu hiện sự tức giận.
– Người nào không hiểu những gì bạn đang nói thì thường hay nheo mắt kèm theo dướn đầu ra nghe hay ghé tai ra phía trước biểu thị muốn nghe rõ hơn.
– Việc tránh giao tiếp qua mắt thường là biểu hiện điển hình ở những người làm điều gì sai trái và cảm thấy mặc cảm, tội lỗi.
Ánh mắt còn có thể thay thế lời nói trong những điều kiện, hoàn cảnh người ta không cần hay không thể nói mà vẫn làm cho người giao tiếp hiểu được điều mình muốn nói.
Cử chỉ ( Gestures)
Thông thường, sau khi chào hỏi xã giao, người có kinh nghiệm bắt đầu chú ý đến các cử chỉ phi ngôn ngữ của người đối diện.
Những nghiên cứu thực tế cho thấy rằng:
– Bàn tay đưa lên ngực khi nói là một cử chỉ biểu hiện sự chân thật, chân thành.
– Ngón tay cái đưa lên cằm là cử chỉ biểu lộ thái độ chỉ trích và tiêu cực. Cử chỉ xoa cằm chỉ sự kiên định, quả quyết.
– Khi ai đó xoa mũi có nghĩa họ không muốn đề cập đến chủ đề này nữa.
– Cử chỉ đặt cặp kính lên môi có nghĩa là người đó đang do dự hay trì hoãn việc đưa ra quyết định.
– Khi một người nhìn lướt nhanh qua cặp kính của anh ta, có nghĩa là anh ta đang có ý chỉ trích, phê bình và cần phải xem xét vấn đề một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn
– Đặc biệt cử chỉ của đôi tay được sử dụng đến nhiều nhất khi giao tiếp. Thật khó tìm ra người nào khi nói chuyện với đôi tay hoàn toàn bất động. Khi nói, lòng bàn tay mở biểu lộ sự cởi mở và thẳng thắn, không dấu diếm điều gì. Cử chỉ gõ nhẹ các ngón tay xuống bàn khi nói chuyện là thể hiện sự cân nhắc trong suy nghĩ trước khi ra quyết định.
Giữ khoảng cách (Proximity)
Tiêu chuẩn văn hóa đòi hỏi một khoảng cách thoải mái nhất định trong giao tiếp. Khoảng cách giữa hai người giao tiếp có thể phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể.
– Chẳng hạn khi đi phỏng vấn xin việc làm, khoảng cách tiếp xúc của người phỏng vấn quá gần sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái như đang bị uy hiếp, khiến bạn mất bình tĩnh và không nghe rõ những câu hỏi.
– Ngược lại khi nói chuyện với người yêu, người thân mà giữ khoảng cách quá xa lại tạo nên sự xa cách, không thân mật. Bạn sẽ nhận ra ngay những dấu hiệu không thoải mái khi đang xâm phạm đến khoảng không của người khác như là: đu đưa chân tay, nhìn chằm chặp, …
Sự kết hợp giữa lời nói và cử chỉ sẽ giúp chúng ta thể hiện bản thân một cách toàn diện và gây ấn tượng mạnh hơn với người nghe. Nếu thực hiện đúng, ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và truyền tải được những điều bản thân thực sự muốn nói.
– Nguyễn Thanh Huyền | Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế